Cuối tuần trước, bà Mạnh Vãn Châu xuất hiện với dáng vẻ mà người ta gần như không nhìn thấy trong một năm rưỡi qua.
Đứng trên bậc thềm phía trước Tòa Tối cao British Columbia, giám đốc tập đoàn tài chính Huawei mỉm cười, tay giơ về trước làm dấu "OK" rồi chữ V "chiến thắng", chụp ảnh cùng một nhóm bạn bè và người thân, theo CBC News.
Bà Mạnh Vãn Châu trước tòa án ở British Columbia, Canada, hôm 23/5. Ảnh: CBC News. |
Không thực sự rõ thông điệp từ hình ảnh này là gì, nhưng bà Mạnh chắc chắn có nửa cơ hội "chiến thắng" vào ngày 27/5, khi tòa án ở Canada công bố phán quyết quan trọng trong vụ việc đã gây ra căng thẳng ngoại giao giữa Mỹ, Trung Quốc và Canada.
Chánh án Heather Holmes sẽ tuyên bố liệu các cáo buộc đối với bà Mạnh, người đang chiến đấu với yêu cầu dẫn độ sang Mỹ, có phải là tội nếu xảy ra tại Canada hay không. Nếu không, bà Mạnh có thể được trả tự do; nếu có, phiên tòa dẫn độ sẽ tiếp tục, theo Bloomberg.
Canada có hệ thống tư pháp độc lập
Vụ việc bắt đầu khi bà Mạnh bị bắt theo yêu cầu của Mỹ vào tháng 12/2018 khi quá cánh tại sân bay Vancouver ở Canada, thành phố bà sở hữu 2 ngôi nhà và thường đến nghỉ hè. Sau đó, vụ việc nhanh chóng trở thành căng thẳng liên quan đến 3 quốc gia.
Bà Mạnh, con gái lớn của người sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi đã trở thành mục tiêu nổi tiếng nhất trong nỗ lực lớn hơn của Mỹ nhằm kiềm chế Trung Quốc và công ty công nghệ lớn nhất của nước này, mà Washington coi là mối đe dọa an ninh quốc gia.
Mỹ muốn dẫn độ bà Mạnh đến New York để đối mặt với các cáo buộc về hành vi gian lận tài chính khi nói dối ngân hàng HSBC về quan hệ giữa Huawei với một công ty con bị cáo buộc vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran.
Công tố viên Mỹ cho rằng ngân hàng đã đặt mình vào nguy hiểm khi nghe theo lời nói dối của bà Mạnh để xử lý vấn đề tài chính của Huawei, đi ngược lại chính sách của Mỹ.
Trung Quốc cáo buộc Canada tiếp tay cho việc mà họ nói là "đàn áp chính trị" đối với người hùng quốc gia. Trong những tuần sau khi bà Mạnh bị bắt, Trung Quốc đã bắt giam 2 người Canada - Michael Spavor và Michael Kovrig, tạm dừng nhập khẩu hàng hóa trị giá hàng tỷ đô-la từ Canada và tuyên án tử hình đối với 2 công dân Canada khác, đẩy quan hệ giữa Bắc Kinh và Ottawa vào thời kỳ đen tối nhất trong nhiều thập kỷ.
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump khiến tình hình thêm phức tạp khi tuyên bố từ sớm ông có thể can thiệp vụ bà Mạnh để thúc đẩy thỏa thuận thương mại với Trung Quốc.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau - kẹt giữa 2 đối tác thương mại lớn nhất - tuyên bố phản đối bất kỳ nỗ lực nào như vậy nhằm can thiệp vào quá trình tố tụng, nói rằng việc xét xử bà Mạnh sẽ dựa trên tinh thần thượng tôn pháp luật.
"Canada có hệ thống tư pháp độc lập, hoạt động mà không có sự can thiệp hay chi phối của các chính trị gia", ông Trudeau phát biểu vào tuần trước, đáp lại những bình luận của đại sứ Trung Quốc rằng vụ việc bà Mạnh là cái gai lớn nhất trong quan hệ Canada - Trung Quốc.
"Trung Quốc không làm việc giống như vậy và dường như không hiểu rằng chúng ta có nền tư pháp độc lập".
Bà Mạnh Vãn Châu rời ngôi nhà ở Vancouver để đến tòa án hôm 23/1. Ảnh: Bloomberg. |
Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã kêu gọi trả tự do cho bà Mạnh trong cuộc họp báo thường kỳ tại Bắc Kinh hôm 26/5, nói rằng Mỹ và Canada đã lạm dụng thỏa thuận song phương của họ về dẫn độ.
"Canada nên sửa chữa sai lầm của mình và lập tức thả bà Mạnh Vãn Châu, đảm bảo bà trở về Trung Quốc một cách an toàn để tránh những tổn hại liên tiếp trong quan hệ Trung Quốc - Canada", người phát ngôn Cảnh Sảng nói. Ông cũng nói các quyền của 2 công dân Canada Kovrig và Spavor "đã được bảo đảm và bảo vệ".
Cuộc chiến Mỹ - Trung leo thang
Bà Mạnh, 48 tuổi, đối mặt với tỷ lệ cược đầy thách thức: trong số 798 yêu cầu dẫn độ của Mỹ tính từ năm 2008, Canada đã từ chối hoặc hủy bỏ cáo buộc chỉ với 8 trường hợp, tức 1%, theo Bộ Tư pháp Canada.
Cho dù "công chúa Huawei" được trả tự do hay phải tiếp tục cuộc chiến chống lại yêu cầu dẫn độ của Mỹ, phán quyết có lẽ sẽ làm leo thang cuộc chiến giữa Washington và Bắc Kinh, giữa lúc 2 bên ngày càng đối đầu về mọi vấn đề từ đại dịch virus corona đến tình hình Đài Loan và Hong Kong, đến thương mại và đầu tư, theo Bloomberg.
Huawei tiếp tục đóng vai trò trung tâm trong những căng thẳng đó. Đầu tháng này, Bộ Thương mại Mỹ đã cấm các nhà sản xuất chip sử dụng thiết bị của Mỹ cung cấp linh kiện cho Huawei mà không có sự chấp thuận của chính phủ Mỹ.
Động thái này vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ Bắc Kinh, đồng thời chủ tịch luân phiên Huawei, Guo Ping, cảnh báo rằng những hạn chế mới nhất của Mỹ đối với hoạt động kinh doanh của tập đoàn sẽ khiến cả ngành công nghiệp "phải trả giá rất kinh khủng".
Chính phủ Mỹ đã vận động các đồng minh của mình, bao gồm Canada, không cho phép Huawei can dự vào hệ thống mạng 5G, nói rằng thiết bị của họ sẽ khiến hệ thống này trở thành kênh gián điệp của chính phủ Trung Quốc.
Dù vậy, Anh hồi tháng 1 cho biết họ sẽ cho phép Huawei giữ vai trò hạn chế. Song trong những ngày gần đây, truyền thông Anh đưa tin chính phủ đang rút lui và chuẩn bị chấm dứt sự hiện diện của Huawei vào năm 2023.
Thủ tướng Trudeau vẫn chưa thể đưa ra quyết định của Canada trong lúc số phận của 2 công dân Spavor và Kovrig đang đối mặt nguy hiểm. Hai người này đã bị giam giữ hơn 500 ngày mà không được tiếp cận với luật sư.
Bà Mạnh được bảo lãnh tại ngoại với số tiền 10 triệu CAD và phải đeo thiết bị giám sát ở cổ chân. Ảnh: AP. |
Giới chức Mỹ đã theo đuổi vụ bà Mạnh từ trước khi ông Trump lên nắm quyền: Các quan chức đã tập hợp hồ sơ chống lại bà từ ít nhất năm 2013. Trọng tâm của vụ việc là cáo buộc bà Mạnh đã lừa ngân hàng HSBC thực hiện các giao dịch liên quan đến Iran, vi phạm lệnh trừng phạt của Washington.
Phán quyết thứ tư sẽ tập trung vào việc liệu vụ việc có thỏa mãn tiêu chí gọi là "tội kép" hay không. Tiêu chí này, thường có trong các hiệp ước dẫn độ, quy định rằng một nghi phạm có thể được dẫn độ từ một nước sang nước thứ hai để chịu xét xử vì phạm luật của nước thứ hai, chỉ khi nước thứ nhất có luật tương tự.
Luật sư của bà Mạnh cho rằng lập luận của phía Mỹ, trên thực tế, là việc vi phạm lệnh trừng phạt bị quy kết thành tội gian lận để giúp dễ dàng dẫn độ hơn. Nếu hành vi mà bà bị cáo buộc diễn ra ở Canada, các giao dịch của HSBC sẽ không vi phạm bất kỳ lệnh trừng phạt nào của Canada, theo các luật sư.
Tội gian lận với ngân hàng tại Mỹ có khung hình phạt tối đa là 20 năm tù.
Nếu phán quyết chống lại bà, phiên tòa tiếp theo sẽ diễn ra vào tháng 6 theo kế hoạch và dự kiến kéo dài ít nhất đến cuối năm nay. Việc kháng án có thể khiến quá trình này kéo dài nhiều năm.