Thử xét Văn hóa - Văn học bằng ngôn ngữ học được viết trong thời gian tương đối dài, khởi từ năm 1958 cho đến khi xuất bản năm 2000. Với công trình này tác giả trình bày những suy nghĩ "về mối quan hệ giữa văn học và văn hóa Việt Nam" mà cụ thể là tìm hiểu văn học trên cơ sở văn hóa để giải thích thần thoại Việt - Mường; ảnh hưởng văn học Pháp ở Việt Nam... Sách gồm 16 chương, mỗi chương là một vấn đề cụ thể về văn hóa hoặc tác giả văn học. Ảnh: Đình Ba. |
Tác phẩm Cách giải thích văn học bằng ngôn ngữ học được tác giả cho hay là "giới thiệu một cách tiếp cận mới, dùng Ngôn ngữ học để giải thích hình thức nghệ thuật của văn học". Với những nội dung triển khai mang đậm tính lý luận như "bàn về phương pháp luận trong khoa học xã hội", "cấu trúc ngôn ngữ và cảm giác thẩm mỹ"... tác giả tự nhận đây là một tác phẩm khó với người đọc. Ảnh: Đình Ba. |
Sách gồm 4 phần, chia làm 16 chương, được tác giả tự nhận là mang tính bình luận hơn là tính miêu tả. Qua Bản sắc văn hóa Việt Nam, Phan Ngọc luận giải sự khác nhau giữa văn hóa Việt Nam và văn hóa Trung Hoa, sự tiếp xúc văn hóa Việt - Pháp, bề dày, bản sắc văn hóa dân tộc. Bên cạnh đó là vai trò, vị trí của trí thức với văn hóa... Ảnh: Đình Ba. |
Chuyện làng Nho (Nho lâm ngoại sử của Ngô Kính Tử), được Phan Ngọc (lấy bút danh Nhữ Thành) dịch cùng với cha mình là Phan Võ. Tiểu thuyết chương hồi mang tính châm biếm này miêu tả xã hội đời nhà Thanh thế kỷ 18. Tác phẩm được các dịch giả khen có ngôn ngữ đặc sắc của sử gia: "Câu văn xem bên ngoài khá đơn giản, không có trang sức rườm rà nhưng đọc kỹ thì rất tinh tế". Ảnh: Đình Ba. |
Hàn Phi Tử là một trong những tác phẩm đầu tiên của chính trị học thế giới. Với tác phẩm này, nó xác lập trường phái Pháp gia mà ở đó Hàn Phi đóng vai trò trung tâm. Đây là tác phẩm quyết định toàn bộ học thuyết Pháp gia, một trong bốn trường phái lớn nhất của tư tưởng Trung Hoa. Dịch giả Phan Ngọc đã gia công dịch tác phẩm này và ở Việt Nam, Hàn Phi Tử do Phan Ngọc dịch được tái bản nhiều lần. Ảnh: Đình Ba. |
Tác phẩm giới thiệu cách hiểu về văn hóa Việt Nam của nhà văn hóa Phan Ngọc mà theo ông bày tỏ là đã được thử thách trong 20 năm "để xem cách nhìn có ổn không". Với Một thức nhận về văn hóa Việt Nam, độc giả sẽ được tìm hiểu quan niệm về Tổ quốc của Việt Nam; về nền văn hóa mới và mối quan hệ giữa văn hóa với ngoại giao cùng những đường lối văn hóa trong các lĩnh vực tôn giáo, văn nghệ, quân sự... Ảnh: Đình Ba. |
Sự tiếp xúc của văn hóa Việt Nam với Pháp gồm 8 chương, trình bày trải dài về mặt thời gian với sự tiếp xúc văn hóa Pháp - Việt; những ảnh hưởng của đạo Gia Tô và văn hóa cũ; sự diễn biến, thay đổi tư tưởng ở nước ta thời gian 1859-1945 và sự tiếp xúc ngôn ngữ Việt - Pháp, sự tiếp thu, chịu ảnh hưởng văn hóa Pháp ở Việt Nam... Ảnh: Đình Ba. |
Ngoài những tác phẩm được đề cập ở trên, nhà nghiên cứu Phan Ngọc còn có nhiều tác phẩm nghiên cứu giá trị khác như Nội dung xã hội và mỹ học của tuồng đồ; Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều... Nhiều đầu sách dịch của ông được độc giả đón nhận rộng rãi như Sử ký (Tư Mã Thiên); Văn tâm điêu long; Mỹ học, Ôlivơ Tuyt (Oliver Twist), kịch Shakespeare, Thần thoại Hy Lạp... Ảnh: Đình Ba. |