Bà Nguyễn Thị Kim Tuyến - vợ nhà văn hóa Phan Ngọc - cho biết ông mất lúc 20h40 ngày 26/8. "Ông mất do tuổi cao, ra đi thanh thản", bà Tuyến nói.
Hơn nửa thế kỷ làm công tác giảng dạy, nghiên cứu và dịch thuật, Phan Ngọc đã để lại nhiều công trình nghiên cứu có giá trị về văn hóa Việt Nam.
Nhà văn hóa Phan Ngọc. Ảnh: ussh. |
Phan Ngọc sinh năm 1925 tại Yên Thành, Nghệ An trong một gia đình Nho học có truyền thống khoa bảng. Cha của ông là thượng thư Phan Võ.
Phan Ngọc được xem là nhà bách khoa cuối cùng của thế hệ trí thức Việt Nam được đào tạo dưới thời Pháp thuộc. Sau khi lấy bằng tú tài, ông học trường y, sau đó bỏ học giữa chừng để tham gia quân ngũ.
Cuối những năm 50 của thế kỷ trước, ông bắt đầu tham gia giảng dạy Ngôn ngữ học tại Đại học Sư phạm Hà Nội. Từ thập niên 80 đến đầu những năm 90, ông là chuyên viên cao cấp tại Viện nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Viện Khoa học Xã hội Việt Nam.
Phan Ngọc đã giảng dạy ở Pháp, New Zealand, Singapore và viết khoảng 200 bài nghiên cứu đăng nhiều báo và tạp chí trong và ngoài nước.
Một số ấn phẩm nghiên cứu và dịch thuật của nhà văn hóa Phan Ngọc mới được in lại. Ảnh: Ái Sa. |
Nhà văn hóa Phan Ngọc nổi tiếng với các công trình nghiên cứu về văn hóa Việt Nam như: Văn hóa Việt Nam, cách tiếp cận mới (1994), Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều (1985).
Bên cạnh đó, ông có một số công trình nổi tiếng khác: Sự tiếp xúc của Văn hóa Việt Nam với Pháp; Một nhận thức khác về văn hóa Việt Nam. Với những đóng góp to lớn đó, ông được nhà nước trao tặng Giải thưởng Nhà nước năm 2000.
Với vai trò là một dịch giả, Phan Ngọc đã dịch nhiều tác phẩm kinh điển, có giá trị của nền văn học thế giới sang tiếng Việt, có thể kể đến: Thần thoại Hy Lạp; Chiến tranh và hòa bình từ nguyên bản tiếng Nga, kịch Shakespeare từ tiếng Anh, Sử ký Tư Mã Thiên và thơ Đỗ Phủ. Bên cạnh đó, ông có dịch các tác phẩm triết học của Hegel.
Sử dụng thành thạo nhiều ngoại ngữ, chuyển ngữ nhiều tác phẩm kinh điển thế giới sang tiếng Việt, nhà văn hóa Phan Ngọc còn được biết đến với cái tên “vua dịch giả” ở Việt Nam.