Nhà văn hóa Hữu Ngọc (sinh ngày 22/12/1918 tại Hà Nội) là người lao động chữ nghĩa miệt mài. Những cống hiến của ông đã được ghi nhận và tôn vinh qua nhiều giải thưởng như: Huân chương Độc lập, Huân chương Chiến công, Huân chương Cành cọ Hàn lâm (Pháp), Giải Vàng Sách Việt Nam, Giải thưởng Sách Quốc gia Việt Nam…
Nhà văn hóa Hữu Ngọc. |
Ông là tác giả của hàng chục đầu sách về văn hóa Việt Nam viết bằng tiếng Anh, tiếng Pháp, đồng thời dịch nhiều tác phẩm văn học, văn hóa nước ngoài sang tiếng Việt. Tinh thông tiếng Pháp, Anh, Đức, đọc hiểu chữ Hán, với những công trình của mình, ông được gọi là “cây cầu văn hóa Đông - Tây”.
Vào tuổi ngoài một trăm, hầu hết người thân và bạn bè cùng thời của ông đã yên nghỉ ở cõi nhớ thương, thì nhà văn hóa Hữu Ngọc vẫn tiếp tục ra mắt sách.
Bộ sách Cảo thơm lần giở gồm hai cuốn với dung lượng gần một nghìn trang. Tác phẩm là thành quả miệt mài lao động chữ nghĩa, xuất - nhập khẩu văn hóa. Đó cũng là thành quả của quá trình cả đời miệt mài quảng bá văn hóa Việt ra thế giới cũng như đưa tinh hoa văn hóa thế giời về Việt Nam.
Cảo thơm lần giở giới thiệu cuộc đời và tư duy của 180 danh nhân thế giới, trải rộng trên nhiều lĩnh vực: Tôn giáo, văn hóa, triết học, khoa học, văn học nghệ thuật, xã hội học, lịch sử, chính trị học…
Trong bộ sách này bạn đọc tiếp cận về cuộc đời, tư tưởng của các danh nhân từ những giáo chủ như Phật Thích Ca, Chúa Jesu, nhà tiên tri Muhammad tới các triết gia như Khổng Tử, Sokrates, Hegel... những nhà khoa học như Darwin, Einstein, những nhà văn như Shakespeare, Dante, Gothe, Dostoyevsky, Lỗ Tấn… các chính khách như Mandela, Obama…
Những nhân vật của Việt Nam xuất hiện trong cuốn sách này là Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Chí Minh và thiền sư Thích Nhất Hạnh.
Ở mỗi nhân vật, tác giả khắc họa súc tích về cuộc đời, tư tưởng, sự nghiệp, học thuyết của họ. Tác giả cũng lựa chọn những câu danh ngôn nổi tiếng thể hiện tư tưởng của danh nhân đưa vào sách.
Bộ sách Cảo thơm lần giở. |
Nhà văn hóa Hữu Ngọc nói ở ông có cuộc hành hương về quá khứ bản thân để hồi tưởng những chuyện riêng tư và cả những sự kiện quốc gia, quốc tế đương thời.
“Trong quá trình hồi tưởng, tác giả luôn băn khoăn về ý nghĩa các sự việc đã qua, rồi từ đó suy ngẫm về ý nghĩa đời người và phận người… Có phải ai cũng như danh họa Gauguin để có thể dùng một bức họa giải đáp mấy câu hỏi siêu hình muôn thuở: Chúng ta từ đâu đến? Chúng ta là ai? Chúng ta đi đâu? Cuộc hành hương của tác giả rẽ sang ngả khác: qua thư tịch, đi “gõ cửa” các danh nhân thế giới để tìm những giải đáp cho câu hỏi trên. Thành quả “tầm sư” ấy là cuốn sách này”, nhà văn hóa Hữu Ngọc tự bạch.
Nhà văn Mỹ Lady Borton nói về cuốn sách: “Vào tuổi một trăm, Hữu Ngọc muốn nhìn lại và suy ngẫm về cuộc đời mình, cuộc đời xã hội qua lăng kính tư duy của những trí tuệ uyên thâm trên thế giới”. Bà cho rằng những suy ngẫm ấy là tiền đề cho Cảo thơm lần giở.