Giống như hai nước Bắc Âu là Thụy Điển và Phần Lan, nhiều quốc gia châu Âu lựa chọn gia nhập Liên minh châu Âu (EU) bởi cơ hội phát triển kinh tế và hội nhập chính trị. Tuy nhiên, một số nước lựa chọn đứng ngoài NATO nhằm tránh cuộc đối đầu giữa Nga và phương Tây, theo AP.
Tại châu Âu, nhiều quốc gia đưa quy chế trung lập vào hiến pháp, hoặc tuyên bố trung lập trong cuộc đối đầu giữa Mỹ và Nga. Trong số này có các thành viên EU như Áo, Ireland, Cộng hòa Cyprus, Malta. Ngoài ra, Thụy Sĩ cũng là quốc gia trung lập đứng ngoài cả NATO và EU.
Phần Lan không có lựa chọn khác?
Chiến dịch quân sự Moscow phát động ở Ukraine đã thay đổi hoàn toàn tính toán chiến lược của Phần Lan và Thụy Điển. Dù có truyền thống trung lập, không liên kết, hai nước Bắc Âu đã phải cân nhắc lại lợi ích mà quy chế "trung lập" có thể mang lại cho họ.
Bản thân khối EU cũng có cam kết về việc hỗ trợ lẫn nhau trong trường hợp một nước thành viên bị bên ngoài tấn công vũ trang. Tuy nhiên, cam kết trong EU hầu như chỉ tồn tại trên giấy, bởi ô bảo hộ hạt nhân của NATO khiến các nước EU hầu như không có khái niệm về phòng thủ tập thể giữa các thành viên của khối.
Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto. Ảnh: Reuters. |
Lý giải cho quyết định gia nhập NATO, Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto cho biết nguyên nhân đến từ chiến sự ở Ukraine. "Bối cảnh này không có chỗ cho lựa chọn không liên kết".
Trong bài phát biểu trước đó, ông Niinisto nói rằng “một Phần Lan được bảo vệ an ninh sẽ hình thành để góp phần xây dựng khu vực Bắc Âu ổn định, mạnh mẽ và có trách nhiệm”.
Lúc này, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn có thể dội gáo nước lạnh vào tham vọng gia nhập NATO của Thụy Điển và Phần Lan.
Tổng thống Recep Tayyip Erdogan nói rằng Helsiki và Stockholm ủng hộ lực lượng vũ trang người Kurd PKK, tổ chức bị Ankara coi là khủng bố, vì thế Thổ Nhĩ Kỳ không hứng thú với phương án kết nạp hai thành viên Bắc Âu.
"Vấn đề then chốt với tình trạng trung lập là nó có ý nghĩa khác nhau với từng nước", giáo sư lịch sử Samuel Kruizinga Đại học Amsterdam nhận định.
Thụy Sỹ
Quốc gia trung lập nổi tiếng nhất châu Âu là Thụy Sĩ. Quy chế trung lập được Thụy Sĩ đưa vào hiến pháp từ lâu. Cử tri Thụy Sĩ cũng từng bỏ phiếu lựa chọn không gia nhập EU. Ngay cả trong Thế chiến 2, nước này cũng không từ bỏ quy chế trung lập.
Thế nhưng khi chiến sự bùng phát ở Ukraine, lần đầu tiên trong lịch sử, Thụy Sĩ tham gia cùng EU áp đặt các lệnh trừng phạt với Nga. Từ đó, quy chế trung lập đã được truyền thông Thụy Sĩ phân tích gần như mỗi ngày.
Rất ít khả năng Thụy Sĩ sẽ rời xa lập trường trung lập hiện có của nước này. Trước đó, Thụy Sĩ đã yêu cầu Đức không chuyển giao một số vũ khí, đạn dược nước này sản xuất cho Ukraine.
Phe cánh hữu chiếm số ghế nhiều nhất ở Quốc hội Thụy Sĩ tỏ ra do dự trước khả năng áp dụng thêm các biện pháp chống lại Nga.
Thụy Sĩ muốn duy trì vai trò trung gian hòa giải vốn có, cũng như trung tâm của các nỗ lực cứu trợ nhân đạo, bảo vệ nhân quyền. Quy chế trung lập giúp bảo đảm danh tiếng ấy của Thụy Sĩ.
Áo
Quy chế trung lập là một trong các yếu tố căn bản trong mô hình dân chủ hiện đại của Áo. Duy trì quy chế trung lập là một điều kiện Áo phải tuân thủ khi quân đội các nước đồng minh rời Áo, trao trả độc lập cho nước này năm 1955.
Từ khi chiến sự bùng phát ở Ukraine, Thủ tướng Áo Karl Nehammer đã xoay xở giữ Vienna ở thế cân bằng. Ông Nehammer cho biết Áo không có kế hoạch thay đổi quy chế an ninh của nước này.
Nhưng đồng thời, nhà lãnh đạo khẳng định "trung lập về quân sự không có nghĩa là trung lập về đạo đức". Áo là một trong các nước phản đối cuộc xung đột ở Ukraine.
Thủ tướng Áo Karl Nehammer gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hồi tháng 4. Ảnh: Reuters. |
Ireland
Quy chế trung lập của Ireland ít rõ ràng hơn so với Thụy Sĩ và Áo. Hồi đầu năm 2022, Thủ tướng Micheal Martin tóm gọn lập trường của Ireland như sau: "Chúng tôi trung lập về quân sự nhưng không trung lập về chính trị".
Cuộc chiến ở Ukraine một lần nữa mở ra cuộc tranh luận tại Ireland về bản chất quy chế trung lập của nước này. Dublin đã cùng các nước EU áp đặt hàng loạt lệnh trừng phạt Nga, đồng thời viện trợ trang thiết bị phi sát thương cho Ukraine.
Ireland đã và đang tham gia các nhóm tác chiến của EU, một phần trong nỗ lực nâng cao khả năng phối hợp của quân đội các nước thành viên.
Sử gia Samuel Kruizinga Đại học Amsterdam cho rằng khi càng có thêm nhiều thành viên EU nằm trong NATO, EU sẽ càng có thêm nhiều cơ hội thể hiện bản thân là "một thế lực địa chính trị quan trọng".
Malta
Hiến pháp Malta quy định đảo quốc này là quốc gia trung lập, duy trì chính sách "không liên kết và không tham gia bất cứ liên minh quân sự nào".
Theo một cuộc thăm dò dư luận được Bộ Ngoại giao Malta tiến hành và công bố khoảng 2 tuần trước ngày chiến dịch quân sự của Nga bắt đầu, phần lớn người dân nước này ủng hộ trung lập, trong khi chỉ 6% phản đối.
Tuy vậy, Tổng thống Malta George Vella đã lên án cuộc xung đột ở Ukraine.
Hội nghị ngoại trưởng các nước NATO hôm 15/5. Ảnh: AA. |
Cộng hòa Cyprus
Trong 10 năm trở lại đây, quan hệ song phương giữa Cyprus và Mỹ đã phát triển vượt bậc. Tuy vậy, gia nhập NATO vẫn là vấn đề mà quốc gia Địa Trung Hải không cân nhắc, ít nhất cho tới lúc này.
Chia rẽ sắc tộc, giữa người gốc Hy Lạp ở miền Nam và người gốc Thổ ở miền Bắc hòn đảo, hiện vẫn là vấn đề tồi tệ nhất ở Cyprus. Hôm 14/5, Tổng thống Nicos Anastasiades cho biết hiện còn quá sớm để bàn về một bước đi chắc chắn vấp phải sự phản đối của Thổ Nhĩ Kỳ.
Nhiều cử tri Cyprus, đặc biệt thuộc cánh tả, đổ lỗi cho NATO về thực tế hòn đảo bị chia rẽ, sau khi quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tấn công và chiếm giữ nửa phía Bắc của đảo Cyprus giữa thập niên 1970. NATO đã không có hành động nào ngăn cản Thổ Nhĩ Kỳ khi sự kiện xảy ra.
Tuy nhiên, Cyprus vẫn hợp tác chặt chẽ với các thành viên NATO. Anh hiện duy trì 2 căn cứ quân sự tại Cyprus, trong đó có một trạm nghe lén đặt ở bờ đông của hòn đảo.
Cyprus cũng muốn duy trì trung lập, cho phép tàu chiến Nga tiếp tế tại các cảng của mình. Tuy nhiên từ khi chiến sự ở Ukraine bùng phát, tàu chiến Nga đã bị cấm tiếp tế ở Cyprus.