Một trẻ mồ côi mất bố, mẹ vì virus Ebola sống tại trung tâm Hawa Massaquoi. Ảnh: Telegraph |
Trại trẻ Hawa Massaquoi là một trong những trung tâm chăm sóc trẻ mồ côi hoặc bị lạc cha mẹ qua hai cuộc nội chiến liên tiếp ở Liberia từ năm 1989 đến 2003. Giờ đây, trung tâm trở thành mái nhà bất đắc dĩ của khoảng 10 bệnh nhi may mắn sống sót dù nhiễm virus Ebola, nhưng người thân các em không thể qua khỏi căn bệnh.
“Tôi khuyên các cháu phải đặt niềm tin vào Chúa, hoàn cảnh của các cháu chưa hoàn toàn tuyệt vọng. Tôi nói ‘Chỉ Chúa mới biết lý do vì sao các con thoát khỏi Ebola mà bố, mẹ lại không như vậy’”, cô Famata Dunoh, người điều hành trung tâm, kể trên báo Telegraph. Hơn 1.000 người Liberia đã thiệt mạng từ khi virus Ebola hoành hoành trong những tháng qua.
Cô bé Nessie, 12 tuổi, đến điều trị tại khu vực cách ly bố. Mẹ của Nessie qua đời vì nhiễm Ebola. Trong suốt thời gian điều trị, người bố cố gắng chăm sóc và an ủi Nessie. Tuy nhiên, ông cũng qua đời vài ngày sau vì virus này. Anh trai của Nessis mắc bệnh tâm thần và không ai biết tung tích của cậu. Người dân mang Nessie tới gửi ở trung tâm của bà Dunoh.
Còn một bé trai 6 tuổi nhất quyết khẳng định bố, mẹ cậu chưa chết mà cả hai chỉ đang điều trị ở bệnh viện. Cậu bé cứ đòi đến đón họ về. Sự thật hé lộ vào một ngày cậu hất đổ tô fufu (một loại cháo của người dân các nước Tây Phi) và khóc òa lên, nói rằng đây là món ăn cuối cùng của mẹ. “Cậu bé nói tô cháo làm cậu nhớ tới mẹ nên không muốn ăn nó”, bà Dunoh cho biết.
Các chuyên gia y tế lo ngại tác động của dịch Ebola đối với trẻ em ở Liberia, một trong những “tử địa” mà dịch bệnh hoành hành mạnh nhất ở Tây Phi. Không chỉ mất bố, mẹ vì dịch bệnh, các em phải đối mặt với sự xa lánh của xã hội, phần lớn xuất phát từ sự ngờ vực rằng các em có thể còn virus trong cơ thể.
Em trai của Karfa chơi đùa tại nhà trẻ mồ côi. Ảnh: Telegraph |
Ba chị em cô bé Hawa Karfa phải ở lại trung tâm của bà Dunoh vì ông chủ không cho các em trở về nhà trọ. “Dù ngài linh mục đã khẳng định chúng cháu đã khỏi bệnh và không còn rủi ro lây bệnh cho ai, nhưng ông chủ không chịu tin và không muốn chúng cháu quay về. Cháu chẳng còn nhà để ở nữa”, bé Karfa nói.
Mục đích cuối cùng của trung tâm Hawa Massaquoi là tìm gia đình và bố mẹ nuôi cho các cháu. Nhưng trong hoàn cảnh dịch bệnh Ebola hiện tại, các đơn vị bảo trợ cố gắng tìm những người như bà Dunoh chịu đến gần và chăm sóc các em.
“Dân chúng kỳ thị và sợ hãi những người từng ở trong khu vực cách ly để điều trị Ebola. Họ đã mất lòng trắc ẩn thông thường của con người. Những người như cô Dunoh lúc này thực sự là anh hùng”, Sarah Crowe, một người phát ngôn UNICEF, nói.