Các đội chôn cất quá tải vì số người chết do Ebola liên tục gia tăng. Ảnh: CNN |
Những người phụ trách công việc chôn cất nạn nhân chết vì Ebola thường xuyên đối mặt với nguy hiểm từ dịch bệnh và chứng kiến những câu chuyện đau lòng trong lúc làm việc. Đồ bảo hộ dày bao bọc từ đầu tới chân, cặp kính che mắt cùng khẩu trang che mũi và miệng chỉ phần nào giúp họ tránh được sự tấn công của Ebola, nhưng những gì họ phải chứng kiến sẽ ám ảnh suốt cuộc đời.
Kiyee, một thành viên của đội chôn cất người chết vì Ebola, kể lại câu chuyện ám ảnh nhất mà anh chứng kiến kể từ khi đại dịch bùng phát ở các nước Tây Phi: "Tôi lấy chìa khóa và mở cửa ngôi nhà. Đập vào mắt tôi là cảnh tượng đứa trẻ 6 tháng tuổi đang liếm da của người mẹ để tìm sữa. Đứa nhỏ nằm trên bụng mẹ - người phụ nữ đã chết vì Ebola. Đứa bé quá đói nên bản năng tìm cái ăn của nó trỗi dậy. Chứng kiến cảnh tượng này, chúng tôi không cầm được nước mắt".
Một trường hợp khác là cậu bé Moses Kallie, một trong nạn nhân điển hình của Ebola. Tai họa ập xuống đầu đứa trẻ khi 13 thành viên trong gia đình Kallie chết vì virus, bao gồm cả cha mẹ của em. Ngôi làng mà Kallie sống nằm ở Kakata, Liberia - tâm điểm của đại dịch Ebola - nên các nỗ lực ngăn chặn virus lây lan không phát huy hiệu quả.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, tính tới thời điểm hiện tại, số người chết vì Ebola ở Liberia đã chạm mốc 1.578 người. Số trường hợp tử vong vì Ebola tại Liberia tăng 52% trong 3 tuần qua do người bệnh không được tiếp cận các cơ sở y tế để chữa trị. Trong khi đó, WHO hôm 22/9 thông báo, số người chết vì Ebola đã tăng lên 2.803 người ở 5 quốc gia có dịch bao gồm Sierra Leone, Liberia, Guinea, Nigeria và Senegal.
Trong khi số trường hợp nhiễm bệnh liên tục gia tăng, nhiều dấu hiệu cho thấy đội ngũ y tế tại các quốc gia đã quá tải. Tại thủ đô Monrovia của Liberia, nhiều bệnh viện và phòng khám đã đóng cửa. Tại một phòng khám mới mở, xác người chết vì Ebola nằm dọc bức tường bao quanh ngôi nhà. Xe cứu thương chất đầy bệnh nhân Ebola nhưng phòng khám không đủ giường bệnh để điều trị cho họ.
Do không được điều trị tại bệnh viện, các thành viên trong gia đình buộc phải chăm sóc những người nhiễm bệnh. Phần lớn họ đều nhiễm virus vì không được cách ly đúng cách. Trong khi đó, virus khiến các đội chôn cất thi thể quá tải. Họ phải làm việc 12 giờ/ngày, 6 ngày/tuần nhưng vẫn không kịp an táng những người chết vì Ebola.
Trong khi đó, không ít nhân viên y tế tại các nước Tây Phi thiệt mạng vì virus Ebola khi tiếp xúc với bệnh nhân. WHO kêu gọi các quốc gia cung cấp đồ bảo hộ cần thiết để đảm bảo an toàn tính mạng cho những người trực tiếp chống lại virus chết người.