Ấn Độ là quốc gia có tỷ lệ tảo hôn lớn nhất thế giới. Ảnh: Alamy |
Tại đám cưới của 2 cô bé 6 và 11 tuổi ở bang Rajasthan, người lớn tất bật chuẩn bị cho nghi lễ, trong khi các em chỉ biết ngoan ngoãn vâng lời. Các cô dâu nhí khoác lên người bộ trang phục màu đỏ, vàng rồi trang điểm theo sự chỉ dẫn của người lớn.
Theo BBC, tảo hôn là hành vi phạm pháp ở Ấn Độ. Chủ hôn hoặc những người biết mà không ngăn cản đám cưới trẻ em sẽ bị xử phạt 100.000 rupee (khoảng 1.570 USD) và 2 năm tù. Nhưng điều này không phải mối bận tâm của các vị khách hay linh mục trong đám cưới.
Ông nội của 2 cô dâu phàn nàn: “Tôi ghét chính phủ vì họ luôn cố ngăn cản chúng tôi tổ chức hôn lễ cho con cháu. Họ cấm trẻ em kết hôn, nhưng chúng tôi không quan tâm và sẽ tổ chức đám cưới bằng mọi giá”.
Cô dâu “việc nhà”
Ấn Độ chiếm khoảng 40% vụ tảo hôn trên thế giới. Hiện tượng này phổ biến tại bang Rajasthan. Trong khi các em nữ thường có giao ước từ rất sớm, chú rể cũng thường bằng tuổi. Khi 15 hoặc 16 tuổi, chúng thực sự sống với nhau như vợ chồng.
Rukhmani, 26 tuổi, là mẹ của 2 con nhỏ. Cô kết hôn từ năm 6 tuổi và bắt đầu sống chung với chồng 9 năm sau. "Nếu kết hôn muộn, tôi đã biết đọc và viết. Nếu được học hành đầy đủ, tôi đã không phải làm việc trong cái nóng như thiêu như đốt ở ngoài đồng như bây giờ”, Rukhmani nói.
Seema và chồng. Ảnh: BBC |
Khi mang thai ở tháng thứ 4, em cảm thấy mọi chuyện thật tồi tệ. “Trước kia cháu là một đứa bé và giờ cháu sắp có con. Điều này thật đáng sợ”, Seema tâm sự.
Đấu tranh
Trong khi nhiều thiếu nữ Ấn Độ chấp nhận cuộc hôn nhân được sắp đặt vì sức ép từ gia đình, một số trường hợp không cam chịu và đấu tranh để thoát khỏi hủ tục. Santa Devi Meghwal là một ví dụ điển hình.
Maghwal có hôn ước từ khi em 11 tháng tuổi. Năm cô 16 tuổi, gia đình Saanval Ram – chồng tương lai của em - đã tới nhà để xin dâu theo đúng giao kèo. Vì không dễ dàng chấp nhận một cuộc sống do người khác sắp đặt, Meghwal phản kháng.
“Tôi thấy bất công. Tại sao tôi phải làm theo một việc mà tôi không hề mong muốn và chưa từng chấp thuận. Tôi không thể chấp nhận việc mình bị đối xử như một món hàng để người đàn ông xa lạ lựa chọn”, Meghwal nói với Guardian.
Ngược lại, nhà trai không dễ dàng từ bỏ cuộc hôn nhân này. Năm Magehwal 18 và 19 tuổi, họ tiếp tục tới nhà cô gái để xin dâu nhưng bị cự tuyệt. Gia đình Ram rất phẫn nộ.
Các già làng nơi Meghwal sinh sống quyết định phạt vạ gia đình cô gái 1,6 triệu rupee (hơn 25.000 USD). Không có khả năng thanh toán khoản tiền lớn, gia đình em phải bỏ trốn tới một nơi khác.
Mọi chuyện chưa dừng lại khi gia đình nhà chồng của Meghwal không buông tha cho cô gái. Ram không chấp nhận hủy bỏ hôn ước và đe dọa sẽ bắt cóc cô dâu nếu tiếp tục phản kháng.
Meghwal quyết tâm đưa vụ việc lên tòa án. Cô bé nhận thấy tương lai xán lạn tại nơi ở mới với ước mong trở thành cô giáo. Cuối cùng, sau nhiều nỗ lực đấu tranh, Meghwal giành chiến thắng trong vụ kiện vì luật pháp đứng về phía cô.
Khó thay đổiCác đám cưới trẻ em thường diễn ra theo sự sắp đặt của người lớn. Ảnh: Newslaudry |
Theo Luật Hôn nhân của Ấn Độ, nữ dưới 18 tuổi và nam dưới 21 tuổi kết hôn là vi phạm pháp luật. Những người kết hôn dưới độ tuổi cho phép có thể bị phạt tù 2 năm và phạt tiền tới 200.000 rupee (hơn 3.200 USD).
Tuy nhiên, theo ước tính của UNICEF trong năm 2014, 47% thiếu nữ Ấn Độ kết hôn trước khi bước sang tuổi 18. Việc tảo hôn phổ biến nhất ở các vùng nông thôn.
Tảo hôn dẫn đến việc các cô gái bỏ học, có thai sớm và phải làm mẹ khi chưa có đủ kiến thức để nuôi dạy con cái, các nhà hoạt động cho hay.
Nhiều bậc cha mẹ ở Ấn Độ tìm hôn ước cho con gái từ lúc chúng còn rất nhỏ vì lo ngại khi trưởng thành, chúng có thể sẽ quan hệ tình dục và khiến gia đình hổ thẹn. Trong khi đó, nhiều người khác lo rằng họ không thể kiếm tấm chồng tốt cho con gái.