Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Phận chìm nổi của chiếc cúp vàng World Cup

Trong lịch sử, cúp vô địch World Cup từng bị đánh cắp và tráo đổi. Chiếc cúp vàng ngày nay không phải chiếc cúp đầu tiên mà FIFA chế tạo trong lịch sử giải đấu.

cup vang anh 1

Với những cầu thủ từng có vinh dự nâng cao chiếc cúp vàng World Cup, phần thưởng này không có nhiều ý nghĩa vật chất, thay vào đó, nó mang giá trị tinh thần to lớn, bằng chứng và sự tưởng thưởng cho những người đã lên đỉnh vinh quang.

Chiếc cúp bị đánh cắp

Ý tưởng về chiếc cúp vàng xuất phát từ bộ não của Jules Rimet, Chủ tịch FIFA giai đoạn 1921-1954.

Theo Reuters, để có phần thưởng tượng trưng nhằm vinh danh những người chiến thắng, FIFA thuê nhà điêu khắc người Paris Abel Lafleur thiết kế chiếc cúp dựa trên Tượng thần chiến thắng Samothrace của Hy Lạp.

Chiếc cúp có kích thước khá khiêm tốn, cao 35cm, làm hoàn toàn bằng bạc và được mạ vàng.

Uruguay là đội tuyển đầu tiên được nâng cao chiếc cúp và giữ nó từ năm 1930, trước khi trao lại cho Italy năm 1938. Giai đoạn Chiến tranh thế giới II, các giải đấu bị hoãn, chiếc cúp được lưu giữ ở Italy.

cup vang anh 2

Jules Rimet trao cúp cho Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Uruguay Paul Jude năm 1930. Ảnh: Reuters.

Để ngăn Đức Quốc xã chiếm đoạt chiếc cúp, Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Italy Ottorino Barassi đã có thời phải giấu cúp trong hộp để giày ở căn hộ nhà ông tại Rome.

Năm 1950, khi giải đấu quay trở lại, chiếc cúp được người Italy trao lại cho đội vô địch Uruguay, và sau đó là đội tuyển Tây Đức năm 1954.

Ban đầu, chiếc cúp có tên "Victory" ("Chiến thắng"). Đến năm 1956, chiếc cúp được đổi tên thành cúp Rimet để vinh danh cố Chủ tịch FIFA Jules Rimet. Kể từ đây, số phận chiếc cúp trở nên mơ hồ hơn bao giờ hết.

Theo cuốn sách "Cúp Rimet: Câu chuyện kinh ngạc về World Cup", đây là khoảng thời gian chiếc cúp có thể đã bị đánh cắp. Nguyên nhân bởi khi chiếc cúp được đưa tới phục vụ World Cup 1958 ở Thụy Điển, nó cao hơn 5 cm so với ban đầu, và có chiếc đế khác so với chiếc cúp trao cho Tây Đức 4 năm trước đó.

Tới năm 1966, trước khi giải đấu khởi tranh tại Anh, chiếc cúp bị đánh cắp khi đang được trưng bày tại Điện Westminster ở thủ đô London. Thế nhưng chỉ một tuần sau, người đàn ông tên David Corbett tìm thấy chiếc cúp bên dưới một hàng rào ở phía Nam thủ đô London. Người này được thưởng 7.300 USD sau khi trả chiếc cúp cho nhà chức trách Anh.

Theo cuốn sách "Vụ trộm chiếc cúp Jules Rimet", Liên đoàn Bóng đá Anh (FA) thuê một thợ rèn tên George Bird chế tạo bản sao của chiếc cúp để tránh những ồn ào tương tự vụ việc tại Westminster. FA không thông báo cho FIFA đến khi việc sao chép hoàn tất.

Khi lên ngôi vô địch mùa hè 1966, đội tuyển Anh nhận được chiếc cúp thật. Tuy vậy, chiếc cúp đã mau chóng được cảnh sát tiếp quản, chiếc được trưng bày là cúp bản sao mà FA chế tạo, theo Guardian.

cup vang anh 3

Bobby Moore nhận cúp Jules Rimet từ tay Nữ hoàng Elizabeth II năm 1966. Ảnh: Evening Standard.

Đến nay, ngay cả FIFA cũng không chắc chiếc cúp mà người Anh mang tới World Cup Mexico năm 1970 là thật hay giả.

Khi thợ rèn Bird qua đời năm 1995, gia đình ông bán đấu giá thứ được coi là bản sao chiếc cúp thật, hy vọng thu lại khoảng 30.000 USD. Bất ngờ ở chỗ một người đấu giá ẩn danh đã bỏ 311.000 USD mua lại "bản sao" này.

Mãi tới năm 2012, FIFA mới thừa nhận chính là "người đấu giá ẩn danh" mua lại bản sao từ gia đình Bird.

"FIFA quyết định mua lại chiếc cúp bởi cho rằng đó mới là chiếc cúp thật. Giám định chiếc cúp sau đó chứng minh nó là bản sao. Bản sao hiện được trưng bày tại Bảo tàng Bóng đá Quốc gia Anh tại Manchester", người phát ngôn FIFA cho biết.

Với chiếc cúp tại World Cup Mexico 1970, nó được trao cho đội vô địch Brazil. Bởi đó là lần thứ 3 các "vũ công Samba" đăng quang, quốc gia Nam Mỹ được quyền giữ lại chiếc cúp và không phải trả lại FIFA. Đến năm 1983, chiếc cúp bị đánh cắp từ trụ sở Liên đoàn Bóng đá Brazil ở Rio de Jainero và bặt vô âm tín từ đó.

Cúp vàng ngày nay

Sau World Cup 1970, FIFA cần một cúp vô địch mới. Qua cuộc tuyển chọn với 53 mẫu dự thi, thiết kế của nhà điêu khắc người Italy Silvio Gazzaniga được lựa chọn. Chiếc cúp của Silvio Gazzaniga là chiếc cúp mà người hâm mộ vẫn được chứng kiến đến ngày nay.

Theo Atlantic, mọi chi tiết của chiếc cúp đều được cân nhắc kỹ. Đỉnh của chiếc cúp là quả địa cầu mang nhiều ý nghĩa biểu tượng.

"Bởi đây là World Cup, giải vô địch thế giới, sẽ là hợp lý khi để thế giới tạo nên một phần của chiếc cúp. Và dĩ nhiên quả địa cầu cũng gần tương tự quả bóng", Giorgio Gazzaniga, con trai nhà điêu khắc Silvio, nói.

Quả địa cầu được đỡ phía dưới bởi hai người đàn ông, điều này thể hiện bóng đá là trò chơi tập thể, không phải cá nhân. Ý tưởng những con người vươn cánh tay lên bầu trời mô phỏng khoảnh khắc niềm vui chiến thắng, nâng cả thế giới lên sau khi giành chức vô địch.

cup vang anh 4

Kylian Mbappe hôn cúp vô địch sau khi đăng quang năm 2018. Ảnh: Reuters.

"Đó cũng là biểu tượng của những người theo dõi trận đấu, ngay cả trên khán đài, mọi người cũng giơ tay lên trời, đó là tầm nhìn về chiến thắng theo cách nhìn sống động. Cha tôi muốn tạo ra một biểu tượng không hề trừu tượng, để mọi người trên cả thế giới có thể hiểu", Giorgio nói.

Đế của chiếc cúp có hai dải trống màu xanh làm từ đá malachite. Ban đầu, chiếc cúp được dự tính có niên hạn sử dụng đến 2030. Khoảng trống này đủ để khắc tên 20 đội vô địch.

Chiếc cúp làm từ vàng 18 karat, cao 36 cm, nặng 6.142 kg, được đặt tên FIFA World Cup. Vào năm 1971, chi phí làm ra chiếc cúp khoảng 9.000 USD, tương đương 110.000 USD theo thời giá hiện nay.

Chiếc cúp vàng FIFA World Cup đã thay đổi cuộc đời nhà điêu khắc Silvio. Ông mau chóng trở thành cái tên được săn đuổi. Silvio là tác giả cúp vô địch Europa League, European Super Cup, cúp vô địch U21 châu Âu và nhiều giải đấu khác. Công ty của Silvio là GDE Berton hiện nay vẫn tiếp tục sản xuất các bản sao của chiếc cúp Champions League.

Tây Đức là đội đầu tiên nâng cao chiếc cúp FIFA World Cup tại giải đấu năm 1974. Dù sau này có thêm hai lần vô địch, tuyển Đức không có quyền giữ lại chiếc cúp như tiền lệ với cúp Jules Rimet.

Đến năm 2006, các đội vô địch được phép giữ chiếc cúp cho tới kỳ World Cup kế tiếp. Nhưng ngày nay, các đội vô địch thậm chí không được giữ bản gốc chiếc cúp. Thay vào đó, sau khi nâng cúp trong lễ đăng quang, các đội tuyển nhận lại bản sao bằng bạc mạ vàng để trưng bày. Chiếc cúp thật được giữ tại trụ sở FIFA ở Zurich, Thụy Sĩ.

Kỷ lục nhìn thấy trước của chung kết World Cup 2022

Trận chung kết World Cup giữa Pháp và Argentina được dự đoán có lượng khán giả theo dõi trên toàn cầu cao kỷ lục, khiến nó trở thành sự kiện thể thao lớn nhất lịch sử truyền hình.

Mỹ thành lập 'Ngôi nhà Trung Quốc'

Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 16/12 thành lập cơ quan mới có tên "Ngôi nhà Trung Quốc" nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh với Bắc Kinh.

Duy Anh

Bạn có thể quan tâm