Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội chiều 12/6 về việc Trung Quốc đưa vấn đề giàn khoan Hải Dương 981 lên Liên Hiệp quốc (LHQ), Phó thủ tướng Phạm Bình Minh nhắc lại, Việt Nam đã đưa thông tin, gửi công hàm và thông báo vấn đề đối với cơ quan này. "Việt Nam đã thông báo vấn đề trước đó rồi", ông Minh nói.
Trước những thông tin mang tính chất trả đũa trong văn bản từ phía Trung Quốc, ông Minh khẳng định: "Đại sứ Lê Hoài Trung, cũng đã gặp Chủ tịch Đại hội đồng LHQ để thông báo tình hình đó. Chúng ta phản bác tất cả những thông tin trong những văn bản của Trung Quốc".
Phó thủ tướng Phạm Bình Minh trao đổi với báo chí chiều 12/6. Ảnh: Nguyễn Hưng. |
Về thông tin Tổng thư ký LHQ Ban Ki Moon có thể làm trung gian để hạ nhiệt căng thẳng giữa Trung Quốc và Việt Nam, Phó thủ tướng cho rằng đây là động thái tích cực, Việt Nam hoan nghênh. Song ông Minh cũng nhấn mạnh, khi Tổng thư ký tham gia giải quyết thì phải có sự đồng ý của cả hai phía.
"Chúng ta vẫn tiếp tục đấu tranh, mục tiêu là Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam", Phó thủ tướng nói.
Đài NHK (Nhật Bản) ngày 11/6 dẫn lời Người phát ngôn Liên Hiệp Quốc Stephane Dujarric rằng Tổng thư ký Ban Ki Moon kêu gọi hai bên giải quyết căng thẳng một cách hòa bình và tuân thủ luật pháp quốc tế.
Trong khi đó, những ngày qua, phái đoàn Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc nhiều lần gửi thư lên Tổng thư ký Ban Ki Moon phản đối việc Trung Quốc tiếp tục duy trì giàn khoan Hải Dương 981 trái phép và các tàu hộ tống trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Ngày 10/6, Đại sứ Lê Hoài Trung, Trưởng phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại LHQ đã gặp ông John Ashe, Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (Khóa 68) để tiếp tục trao đổi ý kiến nội dung này.
Cùng ngày, Đại sứ Trung đã gặp gỡ và trả lời phỏng vấn một số phóng viên quốc tế tại New York (Mỹ) về vụ giàn khoan cũng như việc Trung Quốc lưu hành công hàm vu cáo Việt Nam tại LHQ. Ông cho biết, tới nay Bắc Kinh vẫn từ chối đối thoại và luôn khăng khăng một cách vô lý rằng vùng nước xung quanh giàn khoan thuộc chủ quyền của Trung Quốc và không tồn tại tranh chấp.