Lãnh đạo CLB Hà Nội Watabe I nói với Zing rằng thủ tục của Hải Yến gặp vấn đề nên không thể tiến hành tiếp quá trình xin thị thực cho cô sang Bồ Đào Nha. Hải Yến cùng đội bóng vừa giành ngôi á quân giải VĐQG 2020.
Nói thêm về trường hợp của Hải Yến, HLV Nguyễn Tuấn Anh chia sẻ: "Chúng tôi cũng không thấy bên kia họ nói gì. Yến sẽ không đi nữa mà ở lại thi đấu cho CLB Hà Nội Watabe".
Hải Yến là vua phá lưới ở giải VĐQG nữ 2020 và là tuyển thủ Việt Nam. Ảnh: Quang Thịnh. |
Hải Yến cho biết cô vẫn chờ thêm vì đối tác cũng đã lo giấy tờ cho mình. "Tôi vẫn chờ xem có gì tiến triển không, nếu năm nay không đi được thì có thể sang năm nếu điều kiện thuận lợi", Yến nói.
Trước đó, vào cuối tháng 9, tiền đạo Nguyễn Thị Tuyết Dung đã từ chối lời mời từ đội bóng nữ ở Bồ Đào Nha do không kịp làm thủ tục. Trường hợp của Tuyết Dung phức tạp hơn do chân sút này là viên chức ngành thể thao của Tỉnh Hà Nam.
Còn Hải Yến là cầu thủ đầu tiên mà FC Lank gửi lời đề nghị thi đấu một năm. Đơn vị chủ quản của cô đồng ý tiếp xúc với nhà môi giới và làm thủ tục. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, trong đó có việc thủ tục bị trục trặc, nên việc không thành công.
Đội bóng nữ Lank mời 3 tuyển thủ Việt Nam, người còn lại là Huỳnh Như của đội TP.HCM I. Thư mời và hợp đồng đều được gửi trực tiếp cho các cầu thủ thông qua nhà môi giới ở Việt Nam. Cầu thủ có nghĩa vụ xin phép cơ quan chủ quản.
Đội nữ FC Lank mới được thành lập đầu năm 2020, đã mở đợt tuyển quân từ ngày 3-10/8 ở Braga để chuẩn bị tham dự giải hạng Ba bóng đá nữ Campeonato Nacional III. Lương của họ đề nghị cho mỗi tuyển thủ là 1.500 euro/tháng.
Sau Tuyết Dung và Hải Yến, cơ hội sang Bồ Đào Nha còn lại cho Huỳnh Như. Cô và gia đình háo hức trước cơ hội này, nhưng quá trình lại không đơn giản. Huỳnh Như đang là tuyển thủ nên thủ tục cần thông qua LĐBĐ Việt Nam.
Nếu ra đi, Huỳnh Như sẽ làm thủ tục ở kỳ chuyển nhượng mùa đông. Tuy nhiên, Việt Nam là chủ nhà SEA Games 31 năm 2021 nên nếu cô sang Bồ Đào Nha thi đấu, khó có thể trở về phục vụ chiến dịch bảo vệ "ngôi hậu" của tuyển Việt Nam.