Trong số 20 cầu thủ U23 Việt Nam dự SEA Games 31, Lê Văn Xuân không phải là nhân tố mang tính bất ngờ như Phan Tuấn Tài. Thậm chí, anh còn được quy hoạch cho kỳ Đại hội trên sân nhà. HLV Park đã chuẩn bị cho hậu vệ này kỹ càng bằng quãng thời gian làm "quân xanh" cho đàn anh tại đội tuyển Việt Nam, rồi màn ra mắt đội tuyển quốc gia cách đây không lâu.
Để có màn trình diễn ấn tượng này, hậu vệ sinh năm 1999 trải qua cả hành trình dài từ những ngày chập chững bước vào con đường ăn tập chuyên nghiệp tại lò PVF, đến những trải nghiệm đáng quý ở CLB Hà Tĩnh, rồi CLB Hà Nội. Song hành với nó là những phẩm chất đặc biệt.
Lê Văn Xuân đá chính ở trận ra quân của U23 Việt Nam tại SEA Games 31. Ảnh: Y Kiện. |
Khả năng chịu áp lực
CLB Hà Nội, đội bóng chủ quản của Văn Xuân, vẫn luôn là môi trường đầy hứa hẹn nhưng cũng không kém rủi ro với lực lượng không thiếu ngôi sao, được ví như "tuyển Việt Nam thu nhỏ". Văn Xuân có suy nghĩ ngược lại với đàn anh.
"Khi mới về CLB Hà Nội, tôi nghe nhiều người nói rằng môi trường ở đây cực kỳ áp lực. Tôi lại thấy bình thường, bởi tôi lớn lên ở PVF, nơi áp lực thành tích nhiều không kém. Chúng tôi không phải lo thứ gì, chỉ việc tập trung chơi bóng. Nhưng đã chơi là phải ra ngô ra khoai. Không vô địch là thất bại", anh nói.
Một trong những yếu tố giúp anh trở nên bản lĩnh hơn là việc được thi đấu cọ xát nhiều. Cầu thủ này cho biết anh và các học viên của lò PVF luôn được tạo điều kiện thi đấu. "Những nơi khác, cầu thủ trẻ chỉ được đá trên dưới 10 trận mỗi năm. Chúng tôi đá khoảng 20 trận là bình thường. Năm 2016, tôi được chơi tới khoảng 60 trận, được du đấu nước ngoài liên tục. Trong đó, có khoảng 30 trận tại Nhật Bản".
Được thi đấu nhiều, Văn Xuân cũng có cơ hội thử sức ở nhiều vị trí. Anh có thể đảm đương nhiệm vụ trên khắp mặt sân, kể cả tiền đạo. Nơi duy nhất anh chưa từng thử là thủ môn. "Ở lứa tuổi nhỏ, chúng tôi được cho thử chơi ở mọi vị trí để tìm ra nơi mình phù hợp nhất. Vì thế tôi có thể chơi ở rất nhiều vị trí", anh chia sẻ.
Đầu mùa giải 2018, Lê Văn Xuân được CLB Hà Nội chiêu mộ. Tuy nhiên, đội bóng thủ đô, khi đó đang ở đỉnh cao, cho CLB Hà Tĩnh mượn cầu thủ này trong 2 mùa giải, trước khi gọi trở lại ở đầu mùa 2020.
Văn Xuân chơi tốt khi đối đầu đối thủ được đánh giá mạnh nhất tại bảng A. Ảnh: Y Kiện. |
Thay đổi tư duy vì khoác áo CLB Hà Nội
Văn Xuân thừa nhận anh phải trải qua thời gian tương đối khó khăn khi mới trở lại đội bóng chủ quản, bởi phong cách chơi bóng và cách vận hành chiến thuật của 2 đội hoàn toàn khác nhau: "Ở CLB Hà Tĩnh, chúng tôi chỉ đá bóng dài. CLB Hà Nội lại thích chơi bóng ngắn, kiểm soát. Điều đó khiến tôi phải thay đổi rất nhiều".
"Tôi từng chơi bóng bằng sức, đá chẳng biết nhanh chậm, có lúc chỉ cắm mặt vào chuyền, rồi chạy. Về CLB Hà Nội, tôi phải tư duy nhiều hơn, biết điều chỉnh nhịp độ. Trước đây, tôi không có ý thức về việc phải làm gì khi mất bóng, nhưng về CLB Hà Nội, mình phải nghĩ".
Chính việc thay đổi đã giúp Văn Xuân có sự tiến bộ đáng kể về mặt chuyên môn. Khả năng bền bỉ cũng nền tảng thể lực dồi dào cũng góp phần không nhỏ giúp anh ngày càng khẳng định được bản thân ở mọi cấp độ.
Văn Xuân đang dần trở thành trụ cột ở U23 Việt Nam, bên cạnh các đàn anh Đỗ Hùng Dũng, Nguyễn Hoàng Đức, Nguyễn Tiến Linh. Song, anh không phải là cầu thủ nổi tiếng nhất. Xét về độ nổi tiếng, Văn Xuân khó lòng so sánh với Nguyễn Hai Long, Nguyễn Thanh Bình, Bùi Hoàng Việt Anh, chưa nói tới 3 cầu thủ quá tuổi.
Cầu thủ này tự nhận bản thân thích âm thầm cống hiến và không thích trở thành tâm điểm: "Tôi là kiểu người đề cao tính tập thể, không thích ai theo chủ nghĩa cá nhân. Tôi chỉ nghĩ và cần thành tích cho đội bóng chứ không quan tâm xem cầu thủ nào được danh hiệu gì".
Những gì cầu thủ này chia sẻ được thể hiện một phần ở trận ra quân cùng U23 Việt Nam tại SEA Games 31. Anh không phải là người được nhắc đến nhiều nhất, cũng không có tên trên bảng tỷ số, nhưng vẫn chơi tới cuối trận và để lại ấn tượng nhất định. Điển hình là cú sút đưa bóng đập xà, trước khi đội nhà có bàn ấn định tỷ số 3-0.