Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Phải kích thích khối tư nhân mới kỳ vọng tăng trưởng

Số DN đăng ký đạt trên 600.000 DN, nhưng số đang hoạt động là 534.000 DN, trong đó có đến 97% là DN vừa và nhỏ có số lượng lao động và vốn, giá trị lợi nhuận thu được rất nhỏ.

Bà Victoria Kwakwa, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới khu vực Đông Á và Thái Bình Dương nhìn nhận, 10 năm trở lại đây, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam  đã chậm lại, và phụ thuộc vào vốn cùng lao động giá rẻ chứ không dựa trên tăng trưởng năng suất. Trong khi đó, mặc dù Việt Nam có dân số đông, tỷ trọng lao động trẻ cao, nhưng dân số Việt Nam đang già đi nên việc này trở thành thách thức.     

Cần kích thích mạnh khối DN tư nhân

Theo thống kê của Bộ KHĐT, trong 534.000 doanh nghiệp (DN) đang hoạt động thực tế hiện có đến 97% là DN vừa và nhỏ. Đa số DN không có chiến lược, đầu tư bài bản, công nghệ cũng là con số không.

Trong 5 năm qua, số lượng DN giải thể và cả thành lập mới đều rất lớn. Mỗi năm, có khoảng 17.000 DN thành lập mới và khoảng 10.000 DN giải thể. Con số này quá nhỏ so với Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020, mục tiêu đề ra đến giai đoạn này phải có ít nhất 1 triệu DN hoạt động.

Phát biểu tại hội thảo “Triển vọng phát triển kinh tế Việt Nam - Cơ hội nào cho DN” diễn ra tại TP HCM ngày 17/5, ông Bùi Quang Vinh, nguyên Bộ trưởng Bộ KHĐT nhìn nhận, lực lượng lao động cũng như sức khỏe của DN như vậy sẽ là thách thức lớn. Nhưng theo ông Vinh, điều có thể tin tưởng là môi trường đầu tư tư nhân Việt Nam sẽ được cải thiện nếu biết cách kích thích.

"Nghị quyết 35 vừa ban hành ngày 16/5 vừa qua đã thể hiện mục tiêu phát triển lực lượng DN quá đầy đủ, quá rõ ràng, công việc bây giờ là chỉ còn mỗi việc là bắt tay vào làm. Không kỳ vọng một Chính phủ mới sẽ làm nên những kỳ tích, nhưng DN Việt đang cần một Chính phủ hành động. Đó là tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, một nền kinh tế thị trường dần hoàn thiện và đảm bảo quyền tự do kinh doanh", ông Vinh nhấn mạnh.

Cùng với đó, các DN, các hiệp hội phải đoàn kết lại, chỉ ra những yếu điểm trong cơ chế, những nhũng nhiễu để Chính phủ xử lý nhanh chóng, tạo được môi trường đầu tư, kinh doanh lành mạnh, công bằng, hiệu quả. Bởi lẽ thể chế đóng vai trò quan trọng trong phát triển của nền kinh tế.

Muốn đứng vững phải bắt tay với DN FDI

Ông Jeffrey Pirie, Phó tổng giám đốc phụ trách Dịch vụ Tư vấn Tài chính DN của Deloitte khu vực Đông Nam Á, cho rằng nếu thể chế không tốt thì càng có nhiều sự cạnh tranh hơn, nhiều thách thức hơn, và kéo theo sự chậm phát triển của hạ tầng nền kinh tế.

Doanh nghiep tu nhan trong hoi nhap anh 1
Theo các chuyên gia kinh tế, DN trong nước muốn trụ vững phải tham gia vào chuỗi sản xuất của thế giới. 

Việt Nam đang ở vị thế rất tốt là nước được hưởng lợi nhiều về kinh tế khi hội nhập. Nếu vẫn duy trì cách làm như cũ thì những hiệu quả thu được từ hội nhập không cao. Song, nếu các nhà hoạch định chính sách Việt Nam đổi mới hơn trong tư tưởng thiết lập thể chế, thì chắc chắn sẽ có tương lai sáng rạng hơn nhiều.

DN cũng cần phải có chiến lược hoạt động, xem việc đẩy mạnh các mối liên kết với DN FDI là mục tiêu. Các chuyên gia cho rằng, chỉ có tham gia vào các chuỗi sản xuất của thế giới mới giúp DN nâng cao năng lực cạnh tranh và có chỗ đứng trên thị trường.

Bà Victoria Kwakwa cho rằng, các DN Việt Nam nên cân nhắc mối quan hệ liên doanh, liên kết với DN FDI để tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu. Ngược lại, các DN FDI cũng nên liên kết với DN trong nước để có nguồn cung ứng nguyên liệu giá tốt hơn. Đây là mối liên hệ dựa trên cơ sở chia sẻ với nhau về lợi ích, nhưng trong giai đoạn đầu của các mối hợp tác rất cần sự hỗ trợ của Chính phủ.

Đã qua thời tận dụng nguồn lao động giá rẻ

Việt Nam dựa vào nguồn lao động giá rẻ, dân số đông để làm bàn đạp thúc đẩy phát triển sản xuất thông qua thu hút đầu tư nước ngoài (FDI). Nhưng hiện nay, yếu tố này có dấu hiệu không hợp thời, khi nền kinh tế đòi hỏi những chuẩn mực cao hơn và áp lực cạnh tranh gay gắt.

Năng suất lao động cũng chính là nguyên liệu chính để tăng trưởng GDP. Thế nhưng, tốc độ tăng năng suất hiện đang đang suy giảm là thách thức lớn. Bà Victoria Kwakwa cho rằng, năng suất giảm dần là do hoạt động thiếu hiệu quả của cả khu vực công và tư. Chính vì thế, lộ trình để Việt Nam đạt mục tiêu trở thành nước có thu nhập cao trong 2 thập kỳ tới là tập trung vào tăng trưởng năng suất, trước mắt ưu tiên tăng năng suất khu vực kinh tế tư nhân.


Bình Nguyên

Bạn có thể quan tâm