Thế là em thành thiếu phụ
Nét vô tư đã vơi dần
Âu lo hằn lên khóe mắt
Tiếng cười cũng bớt trong hơn.
***
Búp bê ngày xưa nhí nhảnh
Bây giờ ngồi hát ru con
Lo từng đêm chồng về muộn
Lo trời bất chợt bão giông.
***
Viển vông gửi về mây gió
Bao nhiêu nông nổi qua rồi
Xòe tay biết mình bớt dại
Trước bao đen trắng cuộc đời
***
Em quên những chiều thứ bảy
Anh quên những đoá hoa hồng
Suốt ngày bên nhau sớm tối
Ta toàn nói chuyện tiền nong
***
Bỗng dưng em thèm được khóc
Bỗng dưng muốn được dỗi hờn
Bỗng dưng cứ thèm được hỏi
Bản nhạc này em thích không…
Lời bình
Thơ định hình sự khác biệt của nó đối với văn xuôi ở chính khoảnh khắc “bỗng dưng” đến trong tâm hồn con người. Văn xuôi đi qua nhân vật, đi qua sự kiện, in dấu những hành trình để dệt nên câu chuyện. Còn thơ, lặng im đọng lại những rung động ở phút giây con người nhìn sâu vào chính mình. Viết cho chồng của Nguyễn Thị Việt Nga là giây phút ấy trong lòng người thiếu phụ.
Thế là!... Một tiếng thở dài nén lại khi bắt đầu bài thơ. Em đã qua thời hồn nhiên nhí nhảnh, để ngủ yên trong mây trời những viển vông khờ dại. Hiện tại là những chuỗi ngày đối diện với âu lo, bão dông, đen trắng. Trong vòng quay miệt mài của thân phận, của mưu sinh, chúng ta dường như đã quên đi chính bản thân mình.
Bài thơ nói hộ nhiều người trong khoảnh khắc soi bóng vào đời mình. Bỗng dưng, tiếng thở dài dồn nén ở đầu bài thơ chợt buông ra, đó là ước muốn được khóc, được dỗi hờn, được quan tâm, dù là chi li bé nhỏ. Vậy thôi, mà cả đời chắc gì đã tìm lại được. Có bao lần, em nén những tiếng thở dài như thế?