t155 năm sau khi Nội chiến Mỹ kết thúc, tượng Jefferson Davis, Tổng thống Liên minh miền Nam (gọi tắt là Liên minh), bị lật đổ ở một thành phố tại Virginia, nơi những người ly khai từng xem là thủ đô.
Tại Alabama, tượng Robert E. Lee, vị tướng được trọng vọng nhất của Liên minh, bị hạ bệ trước một trường trung học mang tên ông.
Trong cuộc tấn công bùng nổ từ phong trào xuống đường phản đối sự tàn bạo của cảnh sát tại Mỹ, những người biểu tình đã phá hủy và dỡ bỏ hàng chục bức tượng chính trị gia và binh sĩ của Liên minh trong tháng này. Liên minh miền Nam là một phe trong Nội chiến Mỹ (1861-1865), hay Nội chiến Nam - Bắc, bao gồm các bang ủng hộ chế độ nô lệ ở phía nam.
Tượng Jefferson Davis tại Richmond, Virginia, bị lật đổ hôm 10/6. Ảnh: Washingon Post. |
Những cảnh phá hủy kịch tích diễn ra trên khắp miền Nam nước Mỹ, từ Virginia, nơi thống đốc Dân chủ chấp nhận xóa bỏ các biểu tượng mà nhiều người da trắng từng coi là thiêng liêng, đến Alabama, nơi các nhà lập pháp Cộng hòa gần đây đã thông qua luật cấm di dời hoặc dỡ bỏ các công trình tưởng niệm Liên minh.
Cuộc xung đột dường như vĩnh cửu của đất nước này - sinh ra trong chế độ nô lệ và tồn tại qua một thế kỷ rưỡi với các cuộc đấu tranh về chủng tộc, quyền công dân và bản sắc Mỹ - một lần nữa bùng phát, lại xoay quanh các biểu tượng của cuộc chiến duy nhất từng xảy ra trên đất Mỹ, cuộc chiến giữa những người anh em.
Chưa phải kết thúc
Phong trào biểu tình nổ ra ngay sau cái chết của George Floyd, người đàn ông da đen bị ngạt thở khi một cảnh sát người da trắng ở Minneapolis dùng đầu gối đè lên cổ anh.
Chưa đầy 2 tuần, những cuộc biểu tình ôn hòa, những màn đốt phá và cướp bóc cũng như đòi hỏi trên toàn quốc đối với việc cải tổ lực lượng cảnh sát đã biến thành cuộc tấn công phối hợp nhằm vào các biểu tượng của Liên minh.
Song sự thay đổi đó bây giờ đã trở nên rõ ràng ở những nơi cả lớn lẫn nhỏ, với số người tham gia vượt xa những hành động tương tự từng xảy ra sau vụ giết người hàng loạt tại một nhà thờ của người da đen năm 2015 ở Charleston, bang Nam Carolina, và cuộc biểu tình chống chủ nghĩa thượng đẳng da trắng năm 2017 ở Charlottesville, bang Virginia.
"Thực sự có vẻ như người dân đã xuống đường đông hơn rất nhiều và có lẽ họ đang được lắng nghe theo cách họ chưa từng làm trước đây", Karen Cox, nhà sử học tại Đại học North Carolina ở Charlotte, người đang viết cuốn sách về các tượng đài Liên minh, nói.
Song những người ủng hộ việc dỡ bỏ các bức tượng và những người ủng hộ việc duy trì chúng đều đồng ý rằng làn sóng tấn công này không thể nào là trận chiến cuối cùng đối với các biểu tượng của Liên minh.
"Đây chưa phải là kết thúc", bà Cox nói. "Còn hơn 700 tượng đài. Và tôi có thể nói rằng đây là tình huống có một không hai. Phong trào dân quyền phản đối các công trình này đã có lịch sử lâu dài, đặc biệt là sau vụ thảm sát Charleston và sau vụ việc tại Charlottesville".
"Đây chính xác là cuộc tranh luận mà chúng ta đã thấy từ khi kết thúc Nội chiến, và chúng ta vẫn đang chứng kiến sự chia rẽ quốc gia vì người nhập cư và chủng tộc như xưa, kiểu miền Nam như xưa", bà nói.
Ngay cả khi làn sóng lật đổ tượng đài này tiếp diễn, nhiều tượng đài Liên minh vẫn đang được dựng lên - hơn 30 công trình trong hai thập kỷ qua, bà Cox cho hay. Ít nhất 7 bang miền Nam đã thông qua luật trong những năm gần đây khiến cho việc dỡ bỏ các bức tượng hiện có trở nên khó khăn hơn.
Chẳng hạn, luật năm 2017 của bang Alabama nghiêm cấm việc "di dời, dỡ bỏ, thay đổi, đổi tên hoặc làm xáo trộn" các tượng đài đã tồn tại hơn 40 năm.
Thế trận không thể quen thuộc hơn.
Tại Portsmouth, Virginia, vào tối 10/6, sau khi hội đồng thành phố trì hoãn quyết định dỡ bỏ một tượng đài Liên minh, những người biểu tình đã sử dụng dây thừng và gạch, kìm cắt và búa để chặt đầu và phá hủy 4 bức tượng.
Một ban nhạc kèn đồng đứng chơi. Một người đàn ông bị thương nặng khi một phần bức tượng rơi trúng người.
Người biểu tình phá bỏ một tượng Liên minh ở Portsmouth, Virginia, hôm 10/6 sau khi hội đồng thành phố trì hoãn. Ảnh: AP. |
"Tôi rất vui vì mình còn sống để thấy nó bị hạ xuống và thấy những người da đen quật ngã nó - không phải thành phố, không phải thị trưởng, không phải ai có địa vị", một người phụ nữ da đen được đài truyền hình địa phương phỏng vấn bên đài tưởng niệm.
Di sản hay sự xúc phạm?
Song những người bảo vệ các di tích đã không nao núng.
"Bạn không thể làm hài lòng một số người", Mitch Mitcham Jr., nhà sử học phụ trách hoạt động di sản cho tổ chức Sons of Confederate Veterans (Con trai Cựu chiến binh Liên minh), cho rằng miền Nam tách khỏi chính phủ liên bang Mỹ hoàn toàn vì vấn đề kinh tế.
"Những di tích này thuộc về lịch sử của chúng tôi. Cách duy nhất để chúng ta có thể đến với nhau là với sự bao dung, nhưng 'Black Lives Matter' không bao dung cho lắm", ông nói, đề cập đến phong trào biểu tình đang diễn ra.
Ông Mitcham, tác giả cuốn "It Wasn't About Slavery" (Đó không phải là chuyện nô lệ), giống như nhiều người tin rằng các di tích nên được lưu giữ ở những nơi được tôn vinh như quảng trường, lối vào trường học và trụ sở nghị viện của bang. Ông vẫn cho rằng các tác phẩm nghệ thuật này là "di sản của miền Nam".
"Chúng ta không thể tán đồng một số việc đã diễn ra thời đó, nhưng đó là sự thật lịch sử. Tượng được dựng lên vì vợ con của các cựu chiến binh Liên minh yêu chồng và cha của họ. Đó không phải là sự thù hận", ông nói.
Tuy nhiên, hầu hết trong số các tượng đài Liên minh nằm rải rác khắp miền Nam không phải được dựng lên ngay sau cuộc Nội chiến, mà là nửa thế kỷ sau. Các nhóm đại diện phụ nữ miền Nam đã bỏ tiền cho đa số bức tượng vào đầu thế kỷ 20 nói họ muốn có một nơi để tôn vinh người thân của họ.
Song các nhóm đã bỏ tiền dựng tượng này khi đó vốn tìm cách gửi tin đi thông điệp giữa lúc họ đang cố gắng thúc đẩy - và đã thành công - việc thông qua luật Jim Crow để hệ thống hóa sự phân biệt chủng tộc.
Đội ngũ của chính quyền bang xem xét tượng tướng Robert E. Lee ở Richmond sau khi Thống đốc Virginia ra lệnh phá bỏ. Ảnh: AP. |
Nhiều thị trấn miền Nam đã mua những bức tượng kẽm giá rẻ từ công ty Monumental Bronze ở Bridgeport, bang Connecticut. Công ty này cung cấp tượng những người lính Nội chiến, phe Liên minh hay phe Liên bang (miền Bắc) tùy theo ý khách hàng, với giá 450 USD.
Tổ chức United Daughters of the Confederacy (Liên hiệp Con gái Liên minh) đã quyên tiền để tài trợ cho một sự bùng nổ chưa từng có về tượng đài.
"Người miền Nam da trắng sẽ luôn nói rằng đây là câu chuyện di sản, và người miền Nam da đen sẽ luôn nói rằng các di tích là một sự xúc phạm, nhà sử học Cox nói.
Đồng thuận xuyên chủng tộc
Song sự hiện diện của nhiều người da trắng trong đám đông tấn công các bức tượng trong tuần này và việc hội đua xe NASCAR cấm các biểu tượng của Liên minh trong các cuộc đua và cơ sở của họ, đã khiến một số người ủng hộ biểu tình nghĩ rằng một khía cạnh trong câu chuyện đã bị đảo ngược, và đã có sự đồng thuận xuyên chủng tộc về việc dỡ bỏ các biểu tượng này.
Tại Jacksonville, bang Florida, Thị trưởng Lenny Curry tuần này đã ra lệnh dỡ bỏ tất cả 11 di tích Liên minh tại thành phố, và tại Đại học Alabama, hội đồng quản trị đã phê chuẩn loại bỏ 3 tấm bảng tôn vinh các sinh viên từng phục vụ trong quân đội Liên minh.
Và tại Bentonville, bang Arkansas, phân hiệu của Liên hiệp Con gái Liên minh cho biết họ sẽ chuyển một bức tượng lính Liên minh từ quảng trường đến công viên tư nhân.
Cờ Liên minh tại nơi diễn ra một cuộc đua NASCAR ở Nam Carolina năm 2015. Ảnh: AP. |
Song ngay cả sau khi bộ trưởng quốc phòng nói sẽ cân nhắc đổi tên các căn cứ quân sự Mỹ tôn vinh các lãnh đạo quân sự của Liên minh, và sau khi Thủy quân lục chiến ban bố lệnh cấm các biểu tượng Liên minh tại các cơ sở của mình, Tổng thống Trump hôm 10/6 đã chỉ trích những hành động xét lại lịch sử như vậy.
"Chính quyền tôi thậm chí sẽ không xem xét việc đổi tên của các Cơ sở Quân sự Tráng lệ và Huyền thoại này", ông Trump viết trên Twitter. "Lịch sử của chúng ta, với tư cách Quốc gia Vĩ đại nhất Thế giới, sẽ không bị làm cho xáo trộn. Trân trọng quân đội chúng ta!"
Tuy nhiên, các nhà sử học cảnh báo về một phản ứng ngược lại có thể xảy ra trong những tháng tới.
Hơn 100 công trình kỷ niệm Liên minh đã bị phá bỏ sau vụ tấn công nhà thờ Charleston, nhưng trong những năm sau đó, một số bang miền Nam đã thắt chặt các hạn chế đối với việc phá bỏ như vậy.
Chẳng hạn, bang Nam Carolina đã thêm vào yêu cầu rằng việc phá bỏ bất kỳ một di tích Liên minh nào đều phải được hai phần ba số nhà lập pháp của bang chấp thuận. Bang Bắc Carolina đã trao cho cơ quan lập pháp quyền kiểm soát đối với các "vật thể tưởng niệm".
Và bang Virginia quy định rằng việc "quấy nhiễu" các di tích chiến tranh là bất hợp pháp. Song sau đó, khi đảng Dân chủ giành được quyền kiểm soát cơ quan lập pháp bang, Virginia đã thông qua một đạo luật có hiệu lực vào tháng tới cho phép các địa phương tự đưa ra quyết định về các công trình kỷ niệm.
Một thẩm phán ở Richmond hôm 8/6 đã tạm thời ngăn cản Thống đốc Virginia Ralph Northam di dời một bức tượng tướng Lee nổi bật khỏi Đại lộ Monument.
Thẩm phán đã đưa ra quyết định trong vụ kiện do cháu chắt của 2 bên ký kết một chứng thư năm 1890 yêu cầu bang giữ lại bức tượng ở vị trí của nó "vĩnh viễn bất khả xâm phạm" và "bảo vệ nó một cách nâng niu".
Cuối cùng, những trận chiến này không phải là về luật pháp hay về việc ai sở hữu lịch sử.
Tại Birmingham, mặc dù luật mới của Alabama nghiêm cấm di dời các di tích và những người biểu tình đã cố nhưng không phá được một đài tưởng niệm Liên minh, Thị trưởng Randall Woodfin đã can thiệp và yêu cầu các công nhân dỡ bỏ đài tưởng niệm cao 15 mét.
Điều đó khiến tổng chưởng lý bang đệ đơn kiện thị trưởng, nói rằng thành phố đã vi phạm luật pháp Alabama.
Một số trận chiến tượng đài sẽ được giải quyết trong phòng xử án, một số tại nghị viện bang, một số ở thùng phiếu. Tuần này, chúng đang được giải quyết trên đường phố.