Tại Việt Nam, ngành hàng snack khoai tây đang có tốc độ tăng trưởng mỗi năm trên hai con số. Trong khi đó, nguồn nguyên liệu khoai tây tươi nội địa mới chỉ đáp ứng được khoảng 70-75%. Vì vậy hơn 10 năm qua, PepsiCo Việt Nam đã bền bỉ nghiên cứu, tìm kiếm nơi xây dựng vùng nguyên liệu và nghiên cứu giống phù hợp, mà mới đây nhất là Gia Lai.
Vào tháng 3, nông dân hai huyện Chư Sê và Đak Đoa đã thu hoạch 36 ha khoai tây đầu tiên trong dự án hợp tác theo hình thức “đối tác song hành” với Công ty thực phẩm PepsiCo Việt Nam (PepsiCo Foods).
Theo ghi nhận từ nông dân và các kỹ sư PepsiCo Foods, sản lượng khoai tại 2 huyện trung bình đạt 24-32 tấn/ha, vượt mức sản lượng kỳ vọng 20-25 tấn khi bắt đầu triển khai thử nghiệm.
Đáng chú ý, để đạt được năng suất trên 20 tấn/ha, vùng Bảo Lộc - Lâm Đồng phải mất 10 năm canh tác, phát triển và tối ưu quy trình. Trong khi đó, tại Gia Lai, người dân và PepsiCo Foods đã đạt được thành tích này từ vụ mùa đầu tiên.
Người nông dân Gia Lai thu hoạch vụ khoai tây đầu tiên. |
Lý giải cho kết quả đột phá này, đại diện PepsiCo Foods cho biết các huyện tại Gia Lai có thổ nhưỡng và khí hậu thuận lợi. Diện tích đất canh tác rất lớn, thuận lợi cho quá trình cơ giới hóa.
Cùng với đó, trong hợp tác với các nông hộ, PepsiCo Foods đã cung cấp nguồn giống FL2215 và FL2027 - hai giống khoai tốt nhất do hãng đầu tư nghiên cứu. Hãng cũng làm việc với các đơn vị cung cấp nông dược, phân bón... để có nguồn cung chất lượng cho người nông dân. Đồng thời, đội ngũ kỹ sư của PepsiCo Foods đã theo sát bà con, tiến hành chuyển giao kiến thức, kinh nghiệm canh tác, hỗ trợ sử dụng máy móc kỹ thuật vào quá trình chăm sóc khoai. Vấn đề nông dân quan tâm nhất là việc bao thu đầu ra cũng được doanh nghiệp này đảm bảo.
Thành công này là tín hiệu tích cực, cho thấy một phương án mới để nông dân Gia Lai tự chủ sinh kế và làm giàu bền vững trên quê hương mình.
Ông Trần Ảnh (55 tuổi), một nông dân tham gia dự án trồng khoai cùng PepsiCo Foods ngay từ những ngày đầu, cho biết đã trồng 7 ha khoai. Sau khi trừ chi phí giống, phân bón, nhân công, ông ước tính lợi nhuận đạt khoảng 100 triệu/ha. Với thành công của vụ mùa này, ông Ảnh dự định sẽ canh tác thêm 2 vụ lạc trên 7 ha này và trở lại với khoai tây vào vụ đông - xuân tháng 9 sắp tới.
Ông Trần Ảnh bên thửa ruộng và những củ khoai tây vụ đầu. |
Trước kết quả đạt được, lãnh đạo Sở Bộ NNPTNT tỉnh Gia Lai đánh giá cao đề án PepsiCo Foods hợp tác phát triển vùng trồng khoai tây cùng nông dân tỉnh.
Đại diện sở cho biết: “Gia Lai luôn trăn trở tìm ra cơ cấu cây trồng phù hợp. Vì vậy, chúng tôi chào đón các dự án phát triển nông nghiệp từ các công ty, trong đó có PepsiCo Foods. Tôi đã nghe kết quả từ chính bà con gọi điện chia sẻ và thấy rất mừng. Sự hợp tác này phù hợp với khao khát ổn định đời sống, làm giàu của đồng bào, đồng thời mang lại lợi ích cho doanh nghiệp”.
Với năng suất ấn tượng và lợi nhuận mang lại cho người nông dân, lãnh đạo sở bày tỏ niềm tin PepsiCo Foods có thể mở ra cơ hội tái cơ cấu cây trồng tại tỉnh, đưa khoai tây trở thành một trong những cây trồng chủ lực.
Khoai tây sau khi thu hoạch sẽ được sử dụng để chế biến các sản phẩm chất lượng cao. |
Chia sẻ về quyết tâm theo đuổi việc phát triển nguồn nguyên liệu ổn định và lâu dài, ông Nguyễn Phúc Trai, Giám đốc Nông học PepsiCo Việt Nam, cho biết: "Là thành viên của Đối tác Nông nghiệp Phát triển bền vững Việt Nam (PSAV) của Bộ NNPTNT, PepsiCo Việt Nam chủ trương phát triển nông nghiệp bền vững, không chỉ ổn định nguồn cung cấp nguyên liệu tại chỗ mà còn đảm bảo sinh kế lâu dài cho người nông dân trên chính mảnh đất quê hương”.
“Việc chúng tôi đồng hành cùng nông dân trong suốt hơn 12 năm qua, cùng họ phát triển vùng nguyên liệu Đà Lạt - Lâm Đồng và hiện tại là Đắk Lắk, Gia Lai chính là câu trả lời mạnh mẽ nhất cho quyết tâm ấy" - ông Trai khẳng định.
Bình luận