Đó là khả năng sút penalty. Khi tuyển Argentina cần cầu thủ mang áo số 10 lên tiếng trên chấm 11 m, Leo thể hiện được bản lĩnh của mình. Anh thành công 6 trên 7 lần phải đứng trước chấm 11 m ở World Cup 2022 (tính cả hai loạt đá luân lưu). Nếu Cristiano Ronaldo từng được ca ngợi vì khả năng đá penalty, Messi ở World Cup 2022 cũng cho thấy anh không hề kém cạnh.
Bản lĩnh của Leo
Chỉ mới 10 tháng trước, Messi còn bị chế giễu vì khả năng sút penalty. Sau trận đấu giữa PSG và Real Madrid ở lượt đi vòng 16 đội Champions League 2021/22, nhiều chuyên gia và người hâm mộ chế giễu khả năng sút phạt đền của cầu thủ từng giành 7 Quả bóng vàng.
Sau khi bị Thibaut Courtois cản phá quả penalty trên sân Parc des Princes ở lượt đi, Messi cùng đồng đội để đối thủ lội ngược dòng khó tin ở trận lượt về. Nếu siêu sao sinh năm 1987 sút thành công trên chấm 11 m ở trận lượt đi, phải chăng cục diện cặp đấu giữa PSG và Real Madrid sẽ khác?
Không ai đảm bảo điều đó, nhưng chắc chắn một điều, tại thời điểm kể trên, penalty vẫn là ám ảnh lớn với Leo. Messi trở thành cầu thủ sút hỏng phạt đền nhiều nhất lịch sử Champions League, cùng với Thierry Henry. Trong 23 quả phạt đền được giao trọng trách ở Champions League, Messi sút hỏng 5 lần. Đó cũng là hiệu suất sút phạt đền tệ nhất tại Champions League mà một cầu thủ có được kể từ mùa 2003/04 (thời điểm Opta bắt đầu thống kê dữ liệu).
Tuy nhiên, kể từ sau cuộc đối đầu với Courtois tại Champions League mùa trước, Messi đã 9 lần tiếp tục nhận trọng trách trên chấm 11 m. Anh thực hiện thành công 8 lần trong số đó, và trở thành một cầu thủ hoàn toàn khác trên chấm penalty. Những cú dứt điểm lạnh lùng trong trận tứ kết với Hà Lan, hay hai lần thành công khi đối mặt Hugo Lloris ở trận chung kết World Cup 2022 cho thấy bản lĩnh của Leo.
Ở World Cup 2022, việc sút penalty trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Chúng ta có thể hỏi Alphonso Davies, Robert Lewandowski, Virgil van Dijk, Harry Kane, Kingsley Coman, Sergio Busquets, Marquinhos hay những cầu thủ Nhật Bản về thất bại của họ trên chấm 11 m. Bất kể bạn tài năng hay giàu kinh nghiệm thế nào, việc phải thực hiện penalty trong màu áo ĐTQG ở World Cup chưa bao giờ là điều dễ dàng.
Messi thực tế cũng cảm nhận được sự khó khăn đó khi sút hỏng penalty trong trận đấu với Ba Lan. Nhưng đó cũng là lần duy nhất anh đá hỏng penalty ở World Cup 2022 và trong suốt 10 tháng qua.
Messi hai lần nhận trọng trách đá đầu tiên cho Argentina ở các loạt luân lưu với Hà Lan và Pháp. Anh cũng thực hiện thành công 4 quả penalty trong thời gian thi đấu chính thức của các trận gặp Saudi Arabia, Hà Lan, Croatia, Pháp - một kỷ lục trong lịch sử World Cup.
Vậy thì điều gì đã giúp Messi khắc phục nhược điểm đá penalty của mình? Ở tuổi 35, Leo không chỉ từng trải và dày dặn kinh nghiệm hơn, mà anh còn sẵn sàng thay đổi cách sút trên chấm 11 m của mình.
Thay đổi cách sút
"Để cản được cú sút của Messi, tôi cần may mắn", Wojciech Szczesny nói sau khi cản được quả phạt đền của siêu sao người Argentina ở vòng bảng. Thủ môn tuyển Ba Lan là người duy nhất chiến thắng được Messi trên chấm 11 m ở World Cup 2022.
Đó là một cú sút penalty rất quen thuộc trong sự nghiệp của siêu sao người Argentina. Messi sút về phía bên phải khung thành theo hướng của mình với lực căng, nhưng Szczesny đổ người đúng hướng. Cầu thủ sinh năm 1987 đã không áp dụng cách sút đánh lừa thủ môn như ở trận gặp Saudi Arabia trước đó.
Thất bại trước Szczesny trên chấm 11 m dường như khiến Leo nhận ra nhiều điều. Trong chặng đường còn lại của World Cup 2022, Messi chủ yếu sử dụng cách sút penalty đánh lừa thủ môn. Anh di chuyển thật chậm khi lấy đà, chờ chân của thủ môn di chuyển về một phía trước rồi mới tung ra cú sút về hướng còn lại.
Nếu thủ môn đối thủ không chịu di chuyển mà đứng yên, anh sẽ bị Messi dễ dàng biến thành trò hề. Người gác đền Andries Noppert của tuyển Hà Lan nếm trải cảm giác này ở tứ kết. Messi rõ ràng sử dụng cách sút mà người bạn thân Neymar hay Mario Balotelli, hai chân sút penalty có hiệu suất tốt nhất bóng đá thế giới một thập niên qua sử dụng.
Balotelli từng lập kỷ lục khi thực hiện thành công 17 cú sút phạt đền liên tiếp ở tuổi 22. Neymar cũng hiếm khi thất bại trên chấm 11 m. Cả hai cầu thủ trên chỉ thực hiện đúng một phương pháp sút phạt đền trong sự nghiệp, đó là bước chậm rãi khi lấy đà, chờ thủ môn đổ người trước rồi mới thực hiện quả đá.
Đây được xem là phương pháp sút penalty hiệu quả nhất hiện nay. Lần duy nhất Messi không sút theo kiểu đánh lừa thủ môn đó là ở trận bán kết gặp Croatia, khi phải đối đầu Dominik Livakovic, một chuyên gia bắt phạt đền của World Cup 2022.
Thủ môn Croatia rất giỏi trong việc phán đoán hướng sút của đối thủ, có lẽ vì thế mà Messi quyết định thay đổi cách sút để đánh lừa. Anh sút mạnh găm bóng thẳng vào góc cao khung thành Livakovic. Theo mô hình tính toán từ Opta, cú sút của Messi chỉ cho các thủ môn 1% cơ hội cản phá.
Đến trận chung kết với Pháp, Messi dễ dàng đánh bại Lloris trong quả penalty ở thời gian thi đấu chính thức và loạt sút luân lưu đầu tiên. Không thể phủ nhận Messi được trời phú cho nhiều phẩm chất hơn người, nhưng cách anh khắc phục nhược điểm đá penalty của bản thân ở World Cup 2022 là thành quả của sự tập luyện trên sân lẫn tâm lý. Trước khi giải đấu tại Qatar khởi tranh, Messi có hai nhược điểm lớn trong sự nghiệp, đó là sút penalty và danh hiệu World Cup. Lúc này anh đã giải quyết được cả hai.
Messi ngồi xe vợ lái về thăm quê nhà
Hàng trăm người hâm mộ vây quanh chiếc xe chở Lionel Messi về quê Rosario. Đáng chú ý, người cầm lái chiếc xe là bà xã Antonella của anh chàng.
Hơn 4 triệu người dự lễ ăn mừng chức vô địch World Cup của Argentina
Đêm 20/12 (giờ Hà Nội), Lionel Messi và đồng đội được chào đón như những người hùng sau chiến công giành chức vô địch World Cup trên đất Qatar.
Barca dốc sức chiêu mộ Rashford
Barcelona khẩn trương đẩy nhanh quá trình chiêu mộ Marcus Rashford từ Manchester United trước sự cạnh tranh từ nhiều đội bóng khác.