8 năm chinh chiến tại Trung Quốc, Oscar đã chứng kiến sự trỗi dậy và sụp đổ của một đế chế bóng đá. |
Sự ra đi của Oscar - một trong những ngôi sao sáng cuối cùng của Chinese Super League - đánh dấu sự kết thúc của thời kỳ hoàng kim ngắn ngủi mà bóng đá Trung Quốc từng mơ ước vươn tới. Giấc mơ trở thành cường quốc bóng đá thế giới giờ đây chỉ còn là dĩ vãng, nhường chỗ cho cuộc khủng hoảng sâu sắc và nỗ lực tái thiết đầy gian nan.
Bóng đá Trung Quốc bắt đầu thu hút sự chú ý toàn cầu vào năm 2011, khi công bố tầm nhìn đưa đất nước này trở thành một trong những cường quốc bóng đá hàng đầu thế giới. Tham vọng của họ được thể hiện rõ qua các mục tiêu lớn: giành vé dự World Cup, tổ chức World Cup, và thậm chí vô địch giải đấu này trước năm 2050.
Để hiện thực hóa giấc mơ, hàng loạt chính sách và kế hoạch đồ sộ đã được đưa ra. Từ việc xây dựng sân bóng cho mỗi 10.000 người dân, biến bóng đá thành môn học bắt buộc trong trường học, đến việc mời gọi những huấn luyện viên và cầu thủ hàng đầu thế giới đến Trung Quốc. Những cái tên lớn như Oscar, Hulk, Carlos Tévez, Axel Witsel, hay Yannick Carrasco đã đổ bộ vào Chinese Super League, biến giải đấu này trở thành tâm điểm của thế giới bóng đá trong thời gian ngắn.
Dẫu vậy, thành công chỉ đến trong thoáng chốc. Mặc dù các ngôi sao xuất hiện, mức độ cạnh tranh của các đội bóng trong nước vẫn không được cải thiện đáng kể. Trong khi các đội bóng hàng đầu châu Âu liên tục đạt được những thành tích vượt bậc, bóng đá Trung Quốc chỉ có hai chức vô địch AFC Champions League, đều thuộc về Guangzhou Evergrande (2013 và 2015).
Oscar rời đi, mang theo cả giấc mơ bóng đá của một đất nước tỷ dân. |
Chi tiêu khổng lồ không mang lại hiệu quả, và các câu lạc bộ bắt đầu ngấm đòn từ khả năng quản lý kém, và đặc biệt là cuộc khủng hoảng bất động sản. Đại dịch Covid-19 giáng đòn chí mạng lên bóng đá Trung Quốc, khi các giải đấu phải tạm dừng dài hạn, khán giả không được phép vào sân, và nguồn tài trợ từ các tập đoàn bất động sản lớn như Evergrande dần cạn kiệt. Hậu quả là nhiều câu lạc bộ phải giải thể, trong đó đáng chú ý nhất là Jiangsu Football Club - nhà đương kim vô địch Super League - vào năm 2021.
Trong bối cảnh đó, sự ra đi của Oscar là lời tạm biệt cuối cùng với thời kỳ hào nhoáng của bóng đá Trung Quốc. Từng nhận mức lương 24 triệu euro mỗi mùa tại Shanghai Port, tiền vệ người Brazil chọn trở về Sao Paulo sau tám năm gắn bó tại đất nước tỷ dân. Đây không chỉ là sự chia tay của một cầu thủ, mà còn là dấu chấm hết cho kỷ nguyên "mua danh" của Chinese Super League.
Giấc mơ lớn giờ đây nhường chỗ cho một hiện thực khiêm tốn hơn. Trung Quốc đang tìm cách tái thiết bóng đá từ gốc rễ, với trọng tâm là phát triển cầu thủ trẻ và xây dựng một hệ thống bền vững hơn.
Đồng thời, quốc gia này vẫn tìm kiếm sự giúp đỡ từ những chuyên gia bóng đá nước ngoài. Sau Jordi Vinyals, cái tên mới nhất xuất hiện trong công cuộc tái thiết là Quique Setién, người được kỳ vọng sẽ đem lại luồng gió mới cho nền bóng đá Trung Quốc.
Thời kỳ hoàng kim của bóng đá Trung Quốc đã qua, để lại những bài học đắt giá về sự mất cân đối giữa tham vọng và thực tế. Liệu quốc gia này có thể một lần nữa mơ về những đỉnh cao, hay bóng đá Trung Quốc sẽ mãi chỉ là một giấc mơ dang dở? Câu trả lời vẫn đang chờ thời gian chứng minh.
Cuốn sách “Brilliant Orange: The Neurotic Genius of Dutch Football” xuất bản lần đầu năm 2000. Là người Anh nhưng Winner rất ngưỡng mộ bóng đá Hà Lan, và viết ra cuốn sách về bóng đá giàu trí tuệ bậc nhất từ trước đến nay.