Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ono Masatsugu: ‘Con người đồng hành cùng nỗi đau’

Theo nhà văn Nhật Bản, nỗi đau như một phần bản thể con người, không thể tránh khỏi, và việc chiêm nghiệm về nỗi đau hàm chứa tinh thần nhân văn.

Ono Matsugu (sinh năm 1970) là nhà văn Nhật Bản, Phó giáo sư khoa Văn trường Đại học Rikkyo. Ông nhận nhiều giải thưởng về văn chương như: Giải thưởng tác giả trẻ lần thứ 12 (báo Asahi tổ chức), giải Mishima Yukio lần thứ 15, giải văn học danh giá Akutagawa lần thứ 152.

Tại Việt Nam, có hai cuốn sách của Ono đã xuất bản: Tiếng hát người cá, Lời nguyện cầu chín năm trước. Hôm 31/10, ông có mặt tại Hà Nội và giao lưu với độc giả trong buổi tọa đàm có tên "Viết không đau về nỗi đau". 

Nha van Nhat,  Noi dau anh 1
Nhà văn Ono Masatsugu trong buổi giao lưu với độc giả Việt. Ảnh: Tần Tần.

Kỹ thuật viết hiện đại, nhưng truyện mang cảm thức truyền thống

- Trong tập truyện “Lời nguyện cầu chín năm trước”, dường như các truyện ngắn có chung một nhân vật là nỗi đau. Điều gì khiến ông viết về nỗi đau?

- Tập truyện này có điểm xuất phát từ khi tôi nghe bác sĩ nói anh trai tôi chỉ sống được ít ngày. Từ đó hình ảnh ấy luẩn quẩn trong suy nghĩ của tôi.

Khi viết một tác phẩm, tôi thường loanh quanh bởi một suy nghĩ. Và ở Lời nguyện cầu chín năm trước, nỗi đau nhân vật cũng xuất phát từ những suy nghĩ của tôi về chuyện của anh trai.

- Tiến sĩ Trần Ngọc Hiếu cho rằng “Lời nguyện cầu chín năm trước” có kỹ thuật viết hiện đại, nhưng mang cảm thức truyền thống của Nhật Bản – mono no aware. Ông nghĩ sao về nhận xét đó?

- Tôi rất cảm ơn Tiến sĩ Hiếu về những chia sẻ của anh trong buổi tọa đàm. Tôi nhận ra anh ấy đã đọc cuốn sách rất tỉ mỉ. Bản thân tôi là tác giả, mà có những điều anh chỉ ra tôi cũng chưa nhận thấy. Anh đã đọc và giải mã những chi tiết rất nhỏ.

Tôi rất vui vì thấy anh nói qua cuốn này, độc giả Việt nhìn thấy một xã hội Nhật khác với xã hội Nhật mà họ từng biết, xã hội đó rất gần gũi với Việt Nam. Điều đó khuyến khích tôi rất nhiều.

Vì khi viết, tôi hướng tác phẩm tới độc giả chung, chứ không chỉ độc giả Nhật. Tôi muốn viết mà độc giả ở đâu đọc cũng hiểu. Bởi vậy, tôi rất vui khi bạn đọc Việt Nam nói cảm thấy gần gũi khi đọc tác phẩm của mình.

Truyện của tôi thường viết về vùng nông thôn, làng quê Nhật. Đương nhiên nó có yếu tố xuất thân của tôi. Nhưng tôi muốn viết rằng, ở đâu đó cũng có một làng chài như vậy, một vùng quê như vậy.

Một điểm nữa, Tiến sĩ Hiếu chỉ ra cách viết về nỗi đau của tôi giống với mono no aware (cảm thức bi cảm) của người Nhật. Tôi đã đọc về mono no aware, nhưng chưa bao giờ hiểu được cảm thức đó là gì. Cho đến khi Tiến sĩ Hiếu nói về cảm thức này trong tác phẩm của tôi, tôi mới nhận thức được.

- Ông có chủ định lựa chọn kết cấu tập truyện ngắn là để viết về nỗi đau?

- Thủ pháp mà tôi sử dụng là viết các câu chuyện quanh một nhân vật trung tâm. Nó tồn tại mà như không tồn tại. Tôi viết các câu chuyện nhỏ hướng về một nhân vật trung tâm. Cách viết đó tôi chịu ảnh hưởng từ các nhà văn phương Tây như James Joyce, Hemingway… Tôi học văn chương ở đại học Paris nên ảnh hưởng của phương Tây.

Nhưng môi trường của tôi sinh trưởng có ảnh hưởng tới tôi, nó là bầu sinh quyển mà tôi hít thở hàng ngày, nên tác phẩm của tôi vẫn có bóng dáng văn chương truyền thống Nhật.

Tôi không muốn miêu tả trực diện vào cái bi cảm đó, mà dùng các hình ảnh, câu chuyện, miêu tả khác để nói về nó, để người đọc tự hiểu nó. Đó là sự cố tình của tôi. Cũng giống như người Việt có thủ pháp “mượn cảnh tả tình” vậy.

- Ông muốn gửi thông điệp gì khi chọn viết về nỗi đau?

- Nỗi đau là điều con người không thể nào trốn tránh được. Nó hiện hữu trong đời sống, chúng ta lúc nào cũng phải đồng hành cùng nó. Dù ta có trốn tránh, nhưng nó vẫn hiện hữu, ở bên cạnh, đằng sau ta…

Nỗi đau rất quan trọng với tôi. Đi cùng nỗi đau là lời cầu nguyện. Lời cầu nguyện giống như một bản năng con người vậy.

- Không gian biển trong truyện ngắn của anh gợi liên tưởng tới biển trong tác phẩm "Bão" của nhà văn đoạt giải Nobel Le Clezio. Anh có dụng ý gì khi chọn không gian cho chuyện là vùng biển?

 - Biển tưởng như đẩy người ta xa nhau, nhưng thực ra lại gắn kết. Đó là quan điểm của tôi.

Nha van Nhat,  Noi dau anh 2
Tập truyện ngắn Lời nguyện cầu chín năm trước.

Nỗi đau là trải nghiệm vượt ra khỏi giới hạn ngôn từ

- Ở trên anh nói viết sách này từ nỗi đau về anh trai của mình. Nếu có người thân sắp mất thì nỗi đau rất lớn, tại sao tác giả lại chọn lối viết nhẹ nhàng về nỗi đau?

- Đây là câu hỏi hay, nhưng để trả lời lại không dễ. Nếu quý vị đã trải nghiệm điều đó, sẽ thấy, khi mà mình đau thương thực sự, mình không thể thể hiện nỗi đau ra thành lời. Bởi đó là một trải nghiệm vượt qua khỏi ngôn từ. Khi người ta thấy đau đớn thực sự, thì khó diễn đạt được bằng lời.

Những người viết văn luôn phải đấu tranh với hiện thực xảy ra. Họ phải đấu tranh để diễn tả lại hiện thực đó. Với mọi người, khi có điều gì đó muốn viết, người ta tưởng tượng cứ đi thẳng vào nỗi đau đó mà viết. Nhưng nhà văn thì khác, phải đi vòng quanh, rẽ ngang rẽ dọc… cuối cùng mới thể hiện được nỗi đau mà mình muốn thể hiện.

- Một người viết văn, khi bắt tay vào tác phẩm có nên xác định cho nó thật nhiều ý nghĩa và mong muốn chuyển tải nó, hay nên xuất phát từ điều gần nhất, để ý nghĩa nó tự thoát ra trên trang giấy?

- Tôi là người rất tin tưởng độc giả của mình. Tại tọa đàm “Viết không đau về nỗi đau”, tôi được gặp Tiến sĩ Trần Ngọc Hiếu và các bạn, là những độc giả tuyệt vời của tôi. Tôi thấy, với tư cách nhà văn, thì cứ viết những gì mình nghĩ, thông điệp, ý nghĩa sẽ đến với bạn đọc.

- Đây là lần thứ ba tới Việt Nam, ông quan tâm thế nào tới văn học Việt?

- Văn học Việt Nam không được dịch nhiều ra tiếng Nhật, nên tôi cũng đọc ít thôi. Tôi đã đọc Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh bởi nó có bản tiếng Nhật. Tôi rất thích và khâm phục tác phẩm.

Văn học Việt Nam đương đại rất ít được dịch và đọc tại Nhật.

- Qua những lần giao lưu với bạn đọc Việt, ông thấy văn học Nhật được đón nhận ra sao ở Việt Nam?

- Văn học hiện đại Nhật Bản đang có xu hướng phát triển mạnh, có nhiều tác phẩm hay, ra đời hàng ngày. Tôi được biết nhiều tác phẩm văn học quan trọng của Nhật Bản hiện đại đã được dịch ở Việt Nam. Với tư cách nhà văn Nhật Bản, tôi hạnh phúc khi có được độc giả ở đây.

Tôi đã sang Việt Nam lần thứ ba. Lần đầu tôi sang để nói về văn học Nhật Bản hiện đại, tôi được gặp nhiều giáo sư về văn học ở Việt Nam. Nhân cơ duyên đó, tác phẩm của tôi được biết tới. Lần hai, tôi sang là khi tác phẩm của tôi được dịch ở Việt Nam.

Sau chuyến đi đó, tôi có viết một truyện ngắn, trong đó lấy một số hình mẫu nhân vật Việt mà tôi đã gặp. Và lần này tôi sang khi cuốn sách thứ hai được dịch. Tôi hy vọng tác phẩm sau đây của tôi tiếp tục có sự xuất hiện người Việt.

Masatsugu Ono - nhà văn viết không đau về nỗi đau

Trong tập truyện “Lời nguyện cầu từ chín năm trước”, nhà văn Nhật Bản nâng niu nỗi đau của nhân vật, và coi nỗi đau là một phần bản thể đời sống.


Tần Tần (ghi)

Bạn có thể quan tâm