TS Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng, thiếu khung khái niệm chuẩn, nhiều cố gắng đổi mới không khéo chỉ làm phát sinh chi phí, chưa chắc bổ sung giá trị cho hoạt động lập pháp.
Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng là một người tâm huyết với hoạt động của Quốc hội. Gần 30 năm làm việc cho Quốc hội, từng làm Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, ông có cái nhìn của người trong cuộc về những thách thức mà cơ quan lập pháp nước ta đang phải đối mặt.
Mới đây, ông cho ra mắt cuốn sách Bàn về Quốc hội và những thách thức của khái niệm. Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng đã có cuộc trao đổi với Zing.vn về nội dung cuốn sách, những thành tựu cũng như thách thức của Quốc hội Việt Nam hiện nay.
- Nhiều năm làm trong Quốc hội, vì sao đến khi nghỉ hưu rồi ông mới cho ra mắt cuốn sách về vấn đề này?
- Cứ coi đó là hội chứng của việc chỉ “to mồm” khi đã về hưu cũng được. Thực ra, trong suốt gần 30 năm phục vụ Quốc hội, tôi đã ngộ ra được rất nhiều điều về thiết chế đặc biệt quan trọng này. Tuy nhiên, khi đang đi làm, muốn ghi chép lại cũng không có thời gian. Giờ về hưu, lắm thứ đã ít đi, nhưng thời gian thì lại rất nhiều. Có thời gian, tôi cố gắng ghi ra những gì mình đã hiểu được về Quốc hội và cách thức vận hành quyền lực lập pháp.
Ngoài ra, khi đương chức, thì làm cho Quốc hội lại đứng ra khen chê Quốc hội là không hợp với các chuẩn mực của đạo đức công vụ. Khi đã là “phó thường dân” rồi thì các chuẩn mực này không còn ràng buộc tôi nữa.
- Ông viết cuốn sách này hướng tới đối tượng độc giả nào?
- Đối tượng tôi hướng tới trước tiên là các nhà lãnh đạo Quốc hội, hội đồng nhân dân (HĐND). Nếu các nhà lãnh đạo này nắm chắc những triết lý căn bản về quyền lực lập pháp, họ sẽ vận hành các thiết chế nói trên hiệu quả hơn rất nhiều. Quốc hội, HĐND nhờ đó cũng sẽ trở thành những cơ quan có thực quyền và có thể bổ sung rất lớn giá trị cho quy trình quản trị quốc gia.
Đối tượng thứ hai tôi hướng tới là các vị đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND. Quốc hội và HĐND vận hành khác với Chính phủ và Ủy ban nhân dân; làm đại biểu khác với làm quan chức hành chính. Nếu các đại biểu không có kiến thức về việc làm thế nào để trở thành một đại biểu dân cử hiệu năng, thì Quốc hội và HĐND cũng sẽ rất khó hoạt động có hiệu quả, rất khó trở thành các cơ quan có thực quyền.
Xét về mặt quyền năng, các vị đại biểu dân cử của nước ta không thua kém gì với các nghị sĩ của nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, kỹ năng sử dụng các quyền năng đó lại là một vấn đề rất lớn. Thực ra, không có kỹ năng sử dụng các quyền năng, các vị đại biểu dân cử không bao giờ có thực quyền.
Đối tượng thứ ba tôi hướng tới là đội ngũ mà bằng thuật ngữ chuyên môn được gọi là các công chức nghị viện. Đây là những công chức giúp việc cho Quốc hội và HĐND. Họ phải hiểu sâu sắc về cách thức vận hành quyền lực lập pháp, về luật nghị viện mới có thể trợ giúp cho lãnh đạo trong việc vận hành Quốc hội, cũng như HĐND.
Đối tượng thứ tư tôi hướng tới là các bạn sinh viên khoa luật, các bạn sinh viên học về chính trị, hành chính, chính sách công… Các bạn sinh viên sẽ có điều kiện tiếp cận với những triết lý căn bản về Quốc hội, về quyền lực lập pháp, cũng như tiếp cận hệ thống kiến thức về cách thức tổ chức và vận hành Quốc hội.
Ngoài ra những người muốn hiểu biết về chính trị, về Nhà nước cũng có thể đọc để tham khảo.
- Nhóm đối tượng là các đại biểu sẽ thu nhận được gì từ cuốn sách?
- Quả thực, khó có thể nói thay cho các vị đại biểu về việc họ sẽ thu nhận được gì. Tuy nhiên, đây là một cuốn sách dễ đọc. Hy vọng cuốn sách sẽ lý giải được cho các vị đại biểu về việc tại sao mọi chuyện lại đang diễn ra như vậy và có thể làm gì để cải thiện được tình hình.
- Trước cuốn sách này đã có sách, tài liệu nào dành cho đại biểu Quốc hội?
- Sách, tài liệu dành cho các vị đại biểu Quốc hội quả thực không thiếu. Văn phòng Quốc hội đã cho xuất bản nhiều sách nói về mô hình tổ chức, hoạt động của Quốc hội các nước trên thế giới, về quy trình lập pháp, về thủ tục nghị viện, về kỹ năng tham vấn công chúng v.v.
- Vậy cuốn sách của ông có kiến thức gì khác so với các cuốn trước đã xuất bản?
- Cái khác là các cuốn sách trước đây chỉ chủ yếu mô tả sự vật như đang có, cuốn sách này lại cố gắng lý giải tại sao. Ngoài ra, cuốn sách còn cố gắng phân tích, lý giải các vấn đề có thật mà Quốc hội nước ta đang phải đối mặt.
- Ông nghĩ cuốn “Bàn về Quốc hội” có ích gì cho bạn đọc phổ thông không?
- Mọi bạn đọc phổ thông đều là những cử tri. Cử tri lại là phần cấu thành quan trọng hơn của một nền dân chủ đại diện. Sự hiểu biết là nền tảng để cử tri có thể tự tin và tích cực tham gia vận hành nền dân chủ đại diện. Điều này sẽ giúp tạo ra động lực và cả áp lực nữa để Quốc hội có thể vận hành hiệu quả và vì lợi ích của nhân dân.
Cuốn sách được trình bày khá dung dị và phổ thông. Tôi nghĩ là ai đọc cũng hiểu được.
- Ở phần đầu sách, ông có nói tới Quốc hội Việt Nam thời gian qua có ba thành tựu lớn. Ông có thể nói rõ hơn về những thành tựu này?
- Nếu nói gắn ngọn thì ba thành tựu đó là: 1. Quốc hội hoạt động ngày càng hiệu quả và thực quyền; 2. Hoạt động lập pháp được tăng cường; 3. Dân chủ được mở rộng.
- Tại sao trong sách ông nói thách thức lớn nhất của Quốc hội là thiếu hệ thống khái niệm chuẩn?
- Đó đúng là cái quan trọng nhất. Bởi vì rằng mọi chuyện đều bắt đầu từ khái niệm. Nếu khái niệm chuẩn thì tổ chức công việc sẽ dễ dàng, hanh thông. Khái niệm sai, mọi việc sẽ trở nên rối rắm, ách tắc. Do khái niệm không chuẩn nên nhiều khi những gì được chúng ta tuyên bố với những gì diễn ra trên thực tế là rất khác nhau.
Với hệ thống khái niệm chuẩn chúng ta mới thiết lập được quy trình làm việc chuẩn, và xây dựng hệ thống năng lực của mình chuẩn. Nếu tranh luận là công cụ đắc lực nhất để giám sát và thẩm định, thì kỹ năng tranh luận của đại biểu là quan trọng nhất. Kỹ năng tranh luận đại biểu là quan trọng nhất thì hệ thống dịch vụ thông tin và dịch vụ nghiên cứu cho đại biểu là quan trọng nhất.
- Ông có thể đưa ra những ví dụ cho thấy các khái niệm đang bị hiểu chưa đúng?
- Thì khái niệm Quốc hội là cơ quan lập pháp chẳng hạn. Nhiều người đang hiểu Quốc hội là cơ quan lập pháp thì Quốc hội làm luật. Nhưng thực tế có đến trên 95% các dự luật đều do Chính phủ soạn thảo và trình ra Quốc hội. Vậy thì cơ quan nào đang làm luật nhiều hơn?
Đó là chưa nói tới việc Quốc hội là cơ quan đại diện cho dân thì không thể có động lực làm luật để chế tài dân. Vậy thì cơ quan lập pháp phải được hiểu là cơ quan thẩm định và thông qua luật, chứ không phải là cơ quan làm luật.
Nếu Quốc hội là cơ quan làm luật thì năng lực soạn thảo văn bản pháp luật là quan trọng nhất. Nhưng nếu Quốc hội là cơ quan thẩm định và thông qua luật, thì năng lực và quy trình thẩm định luật lại quan trọng nhất. Rõ ràng, hai cách hiểu khác nhau sẽ đòi hỏi phải tổ chức công việc khác nhau.
Hay quyền giám sát chẳng hạn, rõ ràng chúng ta đang hiểu chức năng giám sát của Quốc hội rất khác với các nước trên thế giới. Với cách hiểu như vậy, phạm vi và đối tượng giám sát đã bị mở ra quá rộng. Quốc hội khó có đủ thời gian và nguồn lực để có thể triển khai hiệu quả chức năng này.
Theo khái niệm chuẩn của thế giới thì Quốc hội chỉ giám sát Chính phủ. Chức năng giám sát của Quốc hội ở đây được hiểu như là quyền lập pháp kiểm soát quyền hành pháp. Nếu chúng ta hiểu đúng như vậy thì mới có thể triển khai hoạt động giám sát hiệu quả được.
- Với mong muốn giải thích các khái niệm để bạn đọc hiểu tường tận, cuốn sách này làm được bao nhiêu phần so với nguyện vọng của ông?
- Nguyện vọng thì vô cùng. Nhưng rõ ràng phản ứng của bạn đọc mới mách bảo được cho tôi là đã thành công đến đâu. Bước đầu thì phản ứng của bạn đọc là khá tích cực.
- Ông nhận xét như thế nào về sách phổ biến kiến thức hoạt động của các thiết chế nhà nước dành cho bạn đọc phổ thông?
- Nhận xét của tôi là chúng ta đang thiếu hụt nghiêm trọng những cuốn sách như vậy. Phần nhiều sách chính trị của chúng ta là khá chung chung và khuôn sáo. Rất ít cuốn sách đề cập được những vấn đề đang được đặt ra một cách thiết thực và mang hơi thở của cuộc sống.
Ví dụ, sách nói về quốc hội có ba chức năng lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng thì rất nhiều. Nhưng sách phân tích được ba chức năng đó nghĩa là thế nào đối với cuộc sống của người dân thì quả thực rất hiếm.
- Làm thế nào khắc phục được tình trạng thiếu sách thiết thực dễ hiểu cho bạn đọc nói chung?
- Đây quả thực là một câu hỏi rất khó trả lời. Ít nhất là rất khó trả lời đối với tôi, vì tôi không phải là một người làm sách chuyên nghiệp. Tuy nhiên, tôi cho rằng cần tạo điều kiện cho các công ty làm sách như AlphaBooks, ThaihaBooks... chẳng hạn. Bởi những công ty như vậy đã cho ra đời những cuốn sách giá trị trong lĩnh vực chính trị và vận hành thể chế.
- Có một hiện trạng là một số cử tri quên luôn đại biểu mình bầu. Hiện trạng đó nói lên điều gì?
- Hiện trạng đó nói lên rằng giữa người ủy quyền và người đại diện ít có quan hệ gì với nhau. Mà như vậy, thì quả thực, nền dân chủ đại diện mới chỉ vận hành một nửa.
Ngoài ra, người có khuyến khích lớn nhất trong việc lắng nghe cử tri và giải quyết các vấn đề cho cử tri là đại biểu. Thế mà cử tri lại không nhớ cả tên đại biểu của mình thì thật đáng tiệc. Ở đây, có thể có hai nguyên nhân.
Một là, cử tri có thể chưa hiểu hết quyền của mình, cũng như động lực thúc đẩy đại biểu phục vụ cho mình. Hai là, đại biểu có thể chưa giải quyết được gì nhiều cho cử tri, nên cử tri cũng không thấy cần phải giữ quan hệ. Vì nguyên nhân gì thì đây cũng là những vấn đề rất lớn của việc vận hành thể chế.
- Điều đáng tiếc này bắt nguồn từ nhận thức về khái niệm của cử tri?
- Có lẽ, từ cả nhận thức của cử tri và cả năng lực của đại biểu.
- Gần đây sự việc bà Châu Thu Nga khai bỏ ra 30 tỷ để “chạy” đại biểu Quốc hội đặt ra tính minh bạch trong bầu cử, chất lượng đại biểu. Ông nghĩ sao về việc này?
- Đó là một câu chuyện buồn. Nếu các phương tiện truyền thông đã đưa tin tràn gập về việc bà Châu Nga khai đã chi 30 tỷ đồng để được làm đại biểu Quốc hội, thì tôi cho rằng tòa án nên làm rõ là bà ấy đã chi tiền cho ai. Cứ để lửng lơ như thế này sẽ làm mất uy tín của rất nhiều người và cả của Quốc hội.
Bởi vì rằng nếu người nào đó lấy tiền của bà Châu Nga để tạo điều kiện cho bà ấy vào Quốc hội, thì người đó sẽ phải chịu trách nhiệm. Cả hệ thống bầu cử có thể không có lỗi trong câu chuyện này. Thế nhưng, nếu chúng ta không làm rõ được việc đó, thì cả hệ thống sẽ bị nghi ngờ.
Bên cạnh đó, việc bà Châu Nga đã được giới thiệu và đã trúng cử cho thấy “con voi đã hoàn toàn có thể chui qua lỗ kim”. Mà như vậy thì quy trình bầu cử phức tạp, tốn kém của chúng ta không phải là không có vấn đề.
- Quốc hội khóa XIV vừa bắt đầu vào kỳ họp thứ 4, ông có kỳ vọng gì ở kỳ họp này?
- Kỳ vọng thì rất nhiều. Nhưng tôi mong muốn Quốc hội sẽ thẩm định các chính sách lập pháp được đề ra kỹ càng hơn để chất lượng luật của nước ta ngày càng được cải thiện. Ngoài ra, chất lượng các phiên thảo luận (tranh luận) của Quốc hội cũng cần được nâng cao.
Có như vậy các chính sách mới trở nên minh bạch và người dân mới có điều kiện nắm rõ các chuyển động của chính sách và tích cực tham gia đóng góp ý kiến.
- Sau cuốn “Bàn về Quốc hội”, ông còn có dự định gì trong việc viết sách nữa?
- Tôi ấp ủ viết một cuốn sách về kiến tạo nền quản trị quốc gia hiện đại, trong đó không chỉ nói về quyền lực lập pháp, mà nói về tất cả các thiết chế tạo nên hệ thống chính trị của chúng ta. Đó là tham vọng lớn, còn phải xem khả năng và điều kiện thực tế có cho phép mình làm được đến đâu.