Theo một số nguồn tin từ Washington, chính phủ Mỹ đang cho phép nhiều công ty tiếp tục cung cấp chip cho Huawei, với điều kiện những linh kiện này không liên quan đến mảng viễn thông 5G của công ty Trung Quốc.
Kể từ khi chính quyền ông Trump ban hành lệnh cấm kép nhắm đến mảng chip bán dẫn của Huawei, nhiều nhà phân tích tin rằng các đòn trừng phạt của Mỹ đang có dấu hiệu giảm dần. Sắc lệnh kép sẽ vẫn là mối đe dọa đến mảng viễn thông 5G của Huawei. Tuy nhiên, mảng sản xuất thiết bị cầm tay của công ty Trung Quốc đang được mở ra cơ hội phục hồi.
Mảng kinh doanh smartphone của Huawei đã phải đối mặt không ít sóng gió từ chính quyền ông Trump. Ảnh: AP. |
“Mặc dù hầu hết giấy xin phép cung cấp thiết bị cho Huawei thông qua Bộ Thương mại Mỹ bị từ chối, bạn vẫn có thể khắc phục nếu chứng minh được công nghệ của mình không hỗ trợ 5G”, một giám đốc mảng bán dẫn cho biết.
Sau lần ban hành sắc lệnh và thắt chặt hồi tháng 5 và tháng 8/2020, Washington đã cấm các công ty sử dụng công nghệ Mỹ trên toàn thế giới sản xuất và cung cấp chip cho Huawei. Tuy nhiên, chính quyền ông Trump đã có một số động thái mềm mỏng suốt thời gian gần đây đối với công ty Trung Quốc.
“Đây là dấu hiệu cho thấy Mỹ tạo điều kiện để Huawei tiếp tục kinh doanh thiết bị cầm tay”, Edison Lee, nhà phân tích tại Jefferies nhận xét.
Hôm 27/10, Samsung Electronics cho biết công ty đã được chính phủ Mỹ chấp thuận cung cấp thiết bị cho Huawei, bao gồm màn hình OLED, đi-ốt phát quang cùng những thành phần sản xuất smartphone khác. Ngoài Samsung, Sony và OmniVision cũng lần lượt được chính phủ Mỹ cấp giấy phép cung cấp cảm biến hình ảnh CMOS.
Trong cuộc họp báo cáo kết quả kinh doanh hôm 28/10, Sony đã từ chối bình luận về vấn đề này. Hãng công nghệ đã phải cắt giảm 38% lợi nhuận cả năm cho mảng kinh doanh cảm biến hình ảnh kể từ khi ngừng bán hàng cho Huawei ngày 15/9.
Mới ra mắt chưa được bao lâu, Huawei đã không thể xác định được tương lai của dòng flagship Mate 40 khi đang dần cạn kiệt chip. Ảnh: VCG. |
Sau khi lệnh trừng phạt đầu tiên được ông Trump áp dụng, Huawei đã bắt đầu dự trữ chip cho các thiết bị mạng viễn thông của mình. Theo nguồn tin trong ngành, đơn vị hạ tầng viễn thông của Huawei có đủ hàng tích trữ để sử dụng trong vòng 2 năm.
Mặc dù vậy, mảng kinh doanh tiêu dùng của công ty vẫn chịu ảnh hưởng nặng nề, chiếm hơn một nửa doanh thu. Các biện pháp siết chặt lệnh cấm của ông Trump không chỉ ngăn chặn nhà sản xuất chip theo hợp đồng, mà còn cấm những nhà cung cấp chip có sẵn như MediaTek của Đài Loan.
Trong năm 2020, hơn 300 công ty đã nộp giấy phép lên Bộ Thương mại Mỹ, khoảng 1/3 trong số đó, điển hình như AMD, Intel được chấp thuận làm ăn trở lại với Huawei. Theo ông Lee, nếu Washington sẵn sàng cho phép mảng điện thoại thông minh của Huawei “tồn tại”, các công ty cung cấp chip khác như Qualcomm hay MediaTek có thể sẽ nhận được giấy phép vào cuối năm 2020.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia trong ngành cảnh báo những chính sách thất thường của ông Trump có thể dập tắt kỳ vọng này.