Ngày 22/10, gã khổng lồ công nghệ Huawei vừa trình làng mẫu flagship Mate 40, chiếc smartphone cao cấp sẽ kế nhiệm vị trí của Mate 30. Trong sự kiện ra mắt, Mate 40 series được Huawei tung ra 4 phiên bản chính là Mate 40, 40 Pro, 40+ và 40 RS với giá bán dao động trên dưới 1.500 USD.
Tuy nhiên, dưới những sức ép của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, rất có thể chiếc Mate 40 sẽ trở thành mẫu điện thoại “limited” (số lượng bán có giới hạn) của Huawei.
Mate 40 ra đời giữa cuộc chiến ngành bán dẫn
Kể từ khi chính quyền ông Trump ban hành lệnh cấm kép nhắm vào mảng chip bán dẫn của công ty, Mate 40 là chiếc điện thoại mới đầu tiên được Huawei cho ra mắt. Mặc dù vậy, theo New York Times, Huawei vẫn chưa thể xác định được tương lai của mẫu flagship này sẽ đi về đâu.
Chỉ cần cạn kiệt một nguyên liệu trong số những thành phần sản xuất điện thoại, các lô hàng của Mate 40 sẽ ngay lập tức bị tạm dừng.
Tuy vừa mới ra mắt, tương lai của Mate 40 đang rơi vào thế bấp bênh. Ảnh: AP. |
“Chúng tôi đang rơi vào khoảng thời gian khó khăn”, Richard Yu, người đứng đầu bộ phận kinh doanh tiêu dùng của Huawei, chia sẻ ngắn gọn về tình hình hoạt động của công ty.
Cho đến nay, chính quyền Tổng thống Donald Trump vẫn kiên định với các quyết định của mình. Đối với giới chức Mỹ, vị trí của Huawei nằm trên ranh giới giữa doanh nghiệp và chính phủ Trung Quốc, thật khó để tin tưởng Huawei khi công ty này tham gia vào cơ sở hạ tầng thông tin thế giới. Đối mặt áp lực, công ty nhiều lần lên tiếng phủ nhận các cáo buộc liên quan đến vấn đề an ninh quốc gia.
Huawei đã phải nhiều lần tự mình xoay xở để thoát khỏi các lệnh giới hạn hoạt động kinh doanh. Năm 2019, sau khi Bộ Thương mại hạn chế khả năng giao dịch giữa công ty và các nhà cung cấp sử dụng công nghệ Mỹ, Huawei đã phải tìm đến HiSilicon, đơn vị chip tự phát triển của mình.
Tuy HiSilicon hoàn toàn có khả năng chủ động trong quá trình thiết kế chip bán dẫn, công ty con của Huawei vẫn phải nhờ đến TSMC, đơn vị gia công vật liệu bán dẫn hàng đầu thế giới, để sản xuất. Đó là lý do tại sao trong năm 2020, Bộ Thương mại Mỹ đã chặn đứng khả năng hợp tác của Huawei với TSMC, một đòn giáng nặng nề lên mảng chip bán dẫn của công ty.
“Tuy ngành công nghiệp bán dẫn mang tính toàn cầu, công nghệ lõi của ngành này vẫn phụ thuộc quá nhiều vào Mỹ”, Geoff Blaber, Phó chủ tịch công ty nghiên cứu CCS Insight, cho biết. Theo ông Blaber, công nghệ Mỹ đang có mặt ở khắp mọi nơi trong thế giới bán dẫn.
Thiết bị của Huawei gặp khó trăm bề
Phần mềm và thiết bị của các công ty Mỹ có vị trí quan trọng đối với quá trình sản xuất chip, chính điều đó đã biến TSMC trở thành điểm yếu của Huawei. Trong quá khứ, công ty Trung Quốc là một trong những khách hàng lớn nhất của TSMC. Thiếu TSMC, Huawei sẽ không thể có chip Kirin cho Mate 40.
Trước khi lệnh trừng phạt Huawei có hiệu lực vào tháng 9/2020, công ty đã thúc đẩy quá trình mua chip dự trữ cùng các thành phần khác. Nhờ các đơn đặt hàng số lượng lớn, xuất khẩu Đài Loan đạt mức cao kỷ lục trong tháng 8.
Tuy nhiên, C.C.Wei, Giám đốc điều hành TSMC, đã xác nhận công ty không còn giao hàng cho Huawei nữa.
Không thể làm chủ công nghệ chip bán dẫn, TSMC trở thành yếu điểm dễ khai thác của Huawei. Ảnh: Getty. |
Chip Kirin 9000 của Huawei được sản xuất trên tiến trình 5 nm, chứa 15,3 tỷ bóng bán dẫn, nhiều hơn 30% so với Apple A14 Bionic. Theo ông Yu, hiện chỉ có TSMC và Samsung đáp ứng được công nghệ sản xuất chip 5 nm. Ngoài Huawei, Apple cũng là một đối tác lớn của TSMC. Mẫu iPhone 12 mới ra mắt của hãng này đang sử dụng con chip A14 Bionic do TSMC gia công.
Không chỉ đối mặt những khó khăn về phần cứng, các hạn chế do chính phủ Mỹ ban hành còn khiến nhiều mẫu điện thoại mới của Huawei không thể tiếp cận những tiện ích như Google Play, Gmail hay Google Maps.
Theo Ben Stanton, nhà phân tích đến từ công ty nghiên cứu Canalys, nhiều nhà bán lẻ và cung cấp dịch vụ di động bên ngoài Trung Quốc đang tránh tích trữ sản phẩm của Huawei trong năm qua.
“Họ lo lắng không biết Huawei còn đủ sức tham gia thị trường điện thoại thông minh trong 2 hoặc 3 năm tới hay không. Huawei phải thể hiện hình ảnh của một công ty lớn mạnh, ổn định bất kể những gì đang diễn ra ở hậu trường”, Stanton cho biết.
Huawei vẫn đang chiếm lĩnh thị trường nội địa và được nhiều người ủng hộ tại quê nhà. Theo thống kê của Canalys, doanh số bán hàng tại Trung Quốc quý II/2020 đã góp phần giúp gã khổng lồ này soán ngôi Samsung để trở thành nhà cung cấp smartphone lớn nhất thế giới.
Mặc dù vậy, mảng kinh doanh thiết bị cầm tay của Huawei không phải lĩnh vực duy nhất hứng chịu áp lực từ ông Trump. Nhiều nước tại châu Âu như Anh, Thụy Điển đã cấm các nhà mạng di động trong nước sử dụng thiết bị 5G của Huawei và ZTE.