*Đây là nội dung đăng tải trên tờ South China Morning Post, Zing lược dịch.
Ren Zhengfei (Nhậm Chính Phi) - nhà sáng lập Huawei, người đã học tập cách quản lý của những gã khổng lồ công nghệ - đã cố gắng phát triển tại thị trường Mỹ từ đầu những năm 2000, nhưng vấp phải sự phản đối từ các nhà lập pháp - những người cho rằng công ty này nằm trong kế hoạch tình báo mở rộng của chính phủ Trung Quốc.
Những “quả ngọt” đầu tiên trên đất Mỹ
Tháng 1/2018, Huawei cảm thấy những nỗ lực của mình đã kết trái.
Giám đốc sản phẩm tiêu dùng - ông Richard Yu - là diễn giả quan trọng tại triển lãm công nghệ CES tại Las Vegas. Tại đây, ông Yu định công bố rằng Tập đoàn viễn thông AT&T của Mỹ sẽ sớm phân phối điện thoại của Huawei - thỏa thuận có thể đem lại cho 100 triệu người dùng Mỹ lựa chọn sử dụng sản phẩm và gói dịch vụ viễn thông của thương hiệu này.
Tuy nhiên, vài ngày trước tuyên bố chính thức, AT&T bị các nhà lập pháp “giật dây” để cắt đứt quan hệ với Huawei, và rút khỏi thỏa thuận.
Vài tiếng sau đó, ông Nhậm nhắn tin cho tờ SCMP nói rằng Huawei "lại bị tổn hại". Trong buổi diễn thuyết vào ngày thứ 2 của triển lãm công nghệ, ông cho rằng đây là "tổn thất lớn" với Huawei, nhưng còn lớn hơn cho người tiêu dùng Mỹ khi họ không có thêm lựa chọn là thiết bị của công ty này.
Với giới phân tích, vụ việc là dấu hiệu cho thấy Mỹ kiên quyết không để Huawei bước vào thị trường nước này. Với ông Nhậm, đó là một động thái khó hiểu, ngược với thế mạnh của Mỹ, không chỉ trong công nghệ, mà còn trong chính sách phân lập quyền lực.
Theo World Bank, GDP của Trung Quốc tăng 40 lần trong 3 thập kỷ, tạo ra những tập đoàn công nghệ lớn như Huawei, Tencent, Alibaba và DJI. Trước sự trỗi dậy của Trung Quốc, điển hình là đế chế Huawei, động thái mâu thuẫn này của Mỹ là khó tránh khỏi.
Năm 2017, Tổng thống Donald Trump đẩy mạnh cuộc thương chiến Mỹ - Trung, gồm tiền tệ và công nghệ, trong đó có án phạt 1,19 tỷ USD cho ZTE - đối thủ của Huawei, cũng được xem là đòn cảnh cáo hướng đến Huawei.
Mỹ xem Huawei là mối nguy cho an ninh quốc gia và các nước đồng minh. Trong khi đó, Bắc Kinh và Huawei lại xem động thái của Washington nhắm đến việc hạ bệ một gã khổng lồ công nghệ mới nổi.
Bảy tháng sau vụ việc với AT&T, Washington cấm các cơ quan chính phủ mua thiết bị và sử dụng dịch vụ của Huawei. Bốn tháng sau đó, Giám đốc tài chính của công ty và cũng là trưởng nữ của ông Nhậm - bà Mạnh Văn Chu - bị bắt ở Canada do cáo buộc gian lận tài chính từ Mỹ.
Richard Yu, CEO Tập đoàn Tiêu dùng Huawei trong bài phát biểu trong cuộc họp báo mở đầu triển lãm IFA tại Berlin, Đức (tháng 9/2019). |
Trong năm 2019, Mỹ và Huawei liên tục rơi vào các vụ kiện tụng. Đòn giáng mạnh nhất lên tập đoàn này là vào tháng 5/2019, khi bị Washington cho vào danh sách đen thương mại cấm giao dịch với các tập đoàn Mỹ. Điều này đồng nghĩa với việc công ty Trung Quốc này không tiếp cận được các dịch vụ của Google, kể cả hệ điều hành Android. Đồng thời, việc bán smartphone Huawei ngoài lãnh thổ Trung Quốc từ đây gặp nhiều bất lợi, khi người dùng không thể sử dụng Google, Gmail, YouTube...
Rạn nứt giữa Huawei và Mỹ còn đến từ mạng 5G - được ấn định ra mắt trong năm nay. Huawei là một trong những nhà cung cấp thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới và cũng là một trong những đơn vị tiên phong phát triển 5G.
Trong khi đó, đây là lĩnh vực Mỹ không có đại diện đủ mạnh, khiến đất nước siêu cường không thoải mái với Trung Quốc, khiến Huawei trở thành “gai trong mắt” của Mỹ. Từ đó, “thiết bị của Huawei không an toàn” trở thành lý do, thông điệp được truyền thông rộng rãi, và là nguồn cơn của những kiện tụng nhiều năm qua.
Vết rạn nứt đầu tiên trong mối quan hệ Mỹ và Huawei
Năm 2001, Charlie Chen – một lãnh đạo của Huawei Huawei - mở văn phòng đầu tiên tại Mỹ, nhưng gặp khó khăn trong việc hoạt động và thu hút người dùng viễn thông của quốc gia này. Lúc bấy giờ, phần lớn người Mỹ thậm chí còn chưa từng nghe đến hay biết cách phát âm cái tên “Huawei”.
Tuy nhiên, chuỗi ngày của Huawei tại thị trường Mỹ không mấy thuận lơi. Năm 2003, ngay trước khi ký hợp đồng với tập đoàn 3Com của Mỹ - đơn vị chuyên cung cấp các sản phẩm kết nối công nghiệp như router hay thiết bị chuyển mạch, Huawei vướng vào cáo buộc sao chép mã nguồn từ phần mềm router của Cisco, hay tranh chấp với Motorola. Năm 2015, sau 4 năm mở cửa hàng tại Mỹ, Huawei dính vào bê bối với cáo buộc có "quan hệ chặt chẽ với quân đội Trung Quốc", đồng thời, được hậu thuẫn bởi Bắc Kinh.
CEO Huawei - ông Ren Zhengfei (Nhậm Chính Phi) - phát biểu ở một phiên thảo luận trong cuộc họp thường niên của WEF tại Davos. |
Huawei không ngừng bác bỏ những cáo buộc này. “Nếu Nhậm Chính Phi bị gây áp lực phải tham gia hoạt động gián điệp, ông ấy sẵn sàng đóng cửa công ty”, John Suffolk - Phó chủ tịch cao cấp phụ trách an ninh mạng của Huawei nói về nhà sáng lập của hãng. Năm 2019, Nhậm Chính Phi cũng tuyên bố không bao giờ chia sẻ dữ liệu nhạy cảm của khách hàng với Chính phủ Trung Quốc.
Năm 2008, nỗ lực trở thành cổ đông 3Com của Huawei cũng thất bại khi bị cáo buộc mối liên hệ giữa Huawei và quân đội Trung Quốc.
Tuy nhiên, theo giới quan sát, vụ việc bị coi là "giọt nước tràn ly" với Washington là vào năm 2010, khi Huawei nỗ lực giành được hợp đồng nâng cấp mạng lưới di động cho công ty viễn thông Sprint của Mỹ.
Bill Plummer - Phó giám đốc Đối ngoại của Huawei tại Mỹ từ năm 2010 cho đến khi bị chấm dứt hợp đồng vào năm 2018 - viết trong hồi ký: "Các chính trị gia vốn không ưa Trung Quốc, bị kích động bởi các quan chức ngành an ninh và tình báo cũng như những đối thủ của Huawei, đã tổng tấn công vào thương hiệu này một cách công khai và mạnh mẽ suốt mùa thu năm 2010”. Sự hiểu lầm kéo dài, văn hóa cực đoan đã khiến nhiều thông tin thiếu chính xác trở thành “sự thật” tại Mỹ.
Để chứng minh sự minh bạch, thương hiệu này đề nghị giao thiết bị qua bên thứ ba - cũng là đơn vị thực hiện kiểm toán độc lập với phần cứng, hệ điều hành và phần mềm trước khi chuyển đến Sprint.
Đồng thời, Huawei thuê Cohen - tập đoàn do cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ William Cohen sáng lập - để đàm phán với Giám đốc Tình báo quốc gia Mỹ. Từ đó, hãng công nghệ Trung Quốc tuân theo cách thức phân phối thiết bị, dịch vụ phù hợp với thị trường Mỹ.
Tuy nhiên, sau đó, khi Huawei ra tuyên bố đơn vị thứ ba mà hãng chọn là Amerilink, cuộc đàm phán với Tập đoàn Cohen và Washington cũng được đặt dấu chấm hết. Chính quyền Washington cho rằng Huawei và có mối quan hệ mật thiết Amerilink.
“Bất chấp sự thành thật, thiện chí của Huawei, Amerilink trở thành cột thu lôi, hứng chịu cơn thịnh nộ của các chính trị gia và công ty đối thủ, nhằm phá vỡ hợp đồng giữa Huawei và Sprint" - Plummer viết trong cuốn tự truyện của mình.
Amerilink có thể là nước đi sai lầm của Huawei trong bàn cờ thế với chính quyền Mỹ vào thời điểm đó.
Năm 2011, Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Mỹ (CFIUS) - cơ quan giám sát giao dịch đầu tư từ nước ngoài để đảm bảo không làm nguy hại đến an ninh quốc gia - yêu cầu Huawei ngừng việc mua một startup có tên 3 Leaf Systems. Lý do được đưa ra là, Huawei không thông báo rộng rãi về thương vụ này, và đây là một “vi phạm nghiêm trọng”. Trong khi đó, tập đoàn Trung Quốc cho rằng thương vụ quá nhỏ để phải thông tin rộng rãi.
Tiếp đến, 10/2012, Ủy ban Tình báo Mỹ công bố một báo cáo là kết quả cuộc điều tra kéo dài 1 năm về Huawei và ZTE, khẳng định hai công ty tiềm ẩn nguy cơ về mặt quốc phòng, do thiết bị có thể nghe lén, theo chỉ thị của Chính phủ Trung Quốc.
Báo cáo còn đề nghị Mỹ ngăn chặn các hoạt động sáp nhập hay mua lại liên quan đến hai công ty Trung Quốc, đồng thời khuyến nghị chính phủ Mỹ không sử dụng thiết bị của Huawei và ZTE.
Huawei nhiều lần khẳng định mối quan hệ với Bắc Kinh là "không có gì khác biệt" so với các công ty tư nhân khác tại quốc gia tỷ dân này.
“Giống các công ty công nghệ hoạt động tại Trung Quốc, trong đó có cả doanh nghiệp nước ngoài, Huawei được hưởng một số chính sách hỗ trợ từ Chính phủ" - Karl Song, Phó giám đốc bộ phận truyền thông tập đoàn, nói trong một tuyên bố. "Nhưng chúng tôi không nhận đãi ngộ đặc biệt nào", ông khẳng định.
Với những căng thẳng giữa Mỹ và Huawei, ông Nhậm - người đứng đầu tập đoàn Trung Quốc, đồng thời, cũng là người thường xuyên công khai bày tỏ sự ngưỡng mộ với văn hóa kinh doanh của Mỹ, sử dụng sản phẩm của đối thủ Apple - cho rằng cuộc chiến này không có tính chất đại diện cho toàn thể quốc gia.
“Lệnh trừng phạt do một nhóm người tương đối nhỏ đưa ra. Họ không đại diện cho người dân hay các công ty Mỹ" - ông nói với SCMP.