Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ông Trump và Biden sẽ bị tắt mic trong cuộc tranh luận cuối cùng

Ủy ban tổ chức cuộc tranh luận giữa ông Trump và ông Biden sắp có thêm biện pháp để buộc hai ứng viên tuân thủ quy tắc trong buổi tranh luận cuối cùng.

Ở buổi tranh luận đầu tiên hôm 29/9, mỗi ứng viên có hai phút để trả lời câu hỏi ban đầu của người điều phối.

Lần này, trong khoảng thời gian hai phút trả lời của một ứng viên, mic của đối phương sẽ bị tắt để không xảy ra chuyện ngắt lời, theo thông cáo ngày 19/10 của ủy ban.

Sau khi hai ứng viên có hai phút trả lời mỗi người, họ sẽ được tự do tranh luận với nhau cho tới hết phần đó. Cuộc tranh luận được chia thành 6 phần cho 6 chủ đề khác nhau, mỗi phần dài 15 phút, theo New York Times.

Cuộc tranh luận ở Nashville tối 22/10 (giờ Mỹ), tức sáng 23/10 giờ Việt Nam, sẽ do nhà báo Kristen Welker của NBC điều phối, và là lần cuối ông Trump và ông Biden cùng xuất hiện trong nỗ lực thuyết phục cử tri.

Theo New York Times, kế hoạch của ủy ban tổ chức có thể là chưa đủ. Chẳng hạn, nếu ông Trump cố tình ngắt lời, thì dù mic của ông bị ngắt, tiếng của ông có thể vẫn vào mic của ông Biden, và khán giả có thể vẫn nghe thấy.

Ngoài ra, sau khoảng thời gian hai phút “không được cắt lời” của mỗi ứng viên ở đầu mỗi chủ đề, sẽ là “tranh luận mở”. Theo thông cáo của ủy ban tổ chức, mic sẽ không bị tắt trong thời gian tranh luận mở sẽ kéo dài khoảng 11 phút này. Cử tri phải trông đợi các ứng viên tôn trọng nhau.

“Trong thời gian dành cho tranh luận mở, Ủy ban hy vọng hai ứng viên sẽ tôn trọng thời gian của nhau, như vậy sẽ thúc đẩy tranh luận văn minh vì lợi ích của công chúng”, ủy ban tổ chức cho biết. “Như mọi khi, người điều phối sẽ phân chia thời gian ngang bằng nhau cho hai ứng viên trong suốt 90 phút. Thời gian bị lấy mất do ngắt lời sẽ được bù lại cho ứng viên kia”.

tranh luan tong thong anh 1

Tổng thống Trump (trái) liên tục nói đè lên khi đến lượt ông Biden phát biểu. Ảnh: New York Times.

Trước đó, ủy ban tổ chức đã cam kết ngăn không lặp lại cảnh hỗn loạn của tranh luận hôm 29/9, khi ông Trump liên tục ngắt lời đối thủ và cả người dẫn chương trình.

Nhưng ủy ban này dường như khá chậm trong việc thay đổi quy định, nhất là sau một tuần đau đầu với quyết định chuyển cuộc tranh luận 15/10 sang hình thức trực tuyến, để rồi ông Trump sau đó rút lui, theo New York Times.

Ông Trump và các cố vấn tỏ ra tức giận với việc ủy ban tổ chức tranh luận thông báo sẽ tắt mic của ứng viên. Trong bức thư gửi cho ủy ban, giám đốc tranh cử Bill Stepien của ông Trump nói việc tắt mic của ứng viên là “hoàn toàn không thể chấp nhận”.

Chiến dịch của ông Trump cũng tỏ ra bất bình về chủ đề của buổi tranh luận. Ông Stepien nói ủy ban đã “hứa” rằng cuộc tranh luận ở Nashville sẽ là về chính sách đối ngoại, và yêu cầu ủy ban bỏ đi 6 chủ đề đang có trong dự kiến.

Nhưng dù buổi tranh luận cuối ở các mùa bầu cử trước thường tập trung vào đối ngoại, ủy ban tổ chức chưa hề công bố hay hứa hẹn như vậy vào năm nay. Thay vào đó, ủy ban đã thông báo cuộc tranh luận cuối vẫn có 6 chủ đề, như format của cuộc tranh luận đầu tiên.

Các chủ đề đó bao gồm chống dịch Covid-19, gia đình Mỹ, vấn đề chủng tộc ở Mỹ, biến đổi khí hậu, an ninh quốc gia, và khả năng lãnh đạo, do nhà báo Kristen Welker của NBC lựa chọn.

Phía ông Biden nói ông Stepien gửi thư như trên “vì Donald Trump sợ phải đối mặt với thêm các câu hỏi về cách xử lý dịch bệnh tệ hại của mình”.

“Hai chiến dịch và ủy ban tranh luận đã đồng thuận từ nhiều tháng trước rằng người điều phối tranh luận sẽ được chọn chủ đề”, phát ngôn viên chiến dịch Biden, ông T. J. Ducklo, cho biết.

Ông Trump đả kích bác sĩ Fauci để thu hút cử tri

Đang tụt lại trong các thăm dò, ông Trump cần “cú hích” phút chót để lội ngược dòng như năm 2016. Nhưng ông tiếp tục có thông điệp khó hiểu và đả kích các chuyên gia.

Hàng nghìn phụ nữ Mỹ xuống đường phản đối ông Trump bổ nhiệm thẩm phán

Hàng nghìn người đã tuần hành đến Tòa án Tối cao tại Washington để tưởng nhớ bà Ruth Bader Ginsburg và phản đối việc ông Trump đẩy nhanh quá trình bổ nhiệm bà Amy Coney Barrett.

Trọng Thuấn

Bạn có thể quan tâm