Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ông Trump và bà Harris 'kịch chiến' trước giờ G

Sau nhiều tháng tranh cử đầy biến động, bà Kamala Harris và ông Donald Trump sẽ dành những nỗ lực cuối cùng trước ngày bầu cử để vận động tại một số tiểu bang quan trọng.

Phó Tổng thống Kamala Harris được cho là sẽ dành toàn bộ ngày 4/11 (giờ địa phương) để vận động cử tri tại Pennsylvania. Đây là bang chiến trường có 19 phiếu đại cử tri và được dự đoán sẽ định đoạt kết quả cuộc bầu cử, theo AP.

Bà Harris dự kiến đến thăm các khu vực sinh sống của tầng lớp lao động như thành phố Allentown và kết thúc chuyến đi bằng một buổi mít tinh vào đêm muộn ở Philadelphia với sự góp mặt của những tên tuổi trong ngành giải trí như Lady Gaga hay Oprah Winfrey.

Trong khi đó, cựu Tổng thống Donald Trump có kế hoạch tổ chức 4 cuộc mít tinh tại 3 tiểu bang, bắt đầu tại Raleigh, North Carolina và dừng lại hai lần tại Pennsylvania với các sự kiện ở Reading và Pittsburgh.

Cựu tổng thống dự kiến kết thúc chiến dịch tranh cử năm nay tương tự hai cuộc bầu cử trước đó với một sự kiện diễn ra vào đêm muộn 4/11 (giờ địa phương) tại thành phố Grand Rapids thuộc Michigan.

bau cu tong thong My anh 1

Grand Rapids (Michigan) được cho là điểm vận động tranh cử yêu thích của ông Trump. Cựu tổng thống và "phó tướng" JD Vance đã tổ chức mít tinh tại thành phố này vào tháng 7. Ảnh: New York Times.

Khoảng 77 triệu cử tri đã đi bỏ phiếu sớm, theo AP. Tuy nhiên, cả ông Trump lẫn bà Harris đều đang nỗ lực thúc đẩy thêm cử tri tham gia bỏ phiếu. Dù kết quả chung cuộc ra sao, cuộc bầu cử năm nay nhiều khả năng vẫn đi vào lịch sử Mỹ hiện đại.

Nếu ứng viên đảng Cộng hoà chiến thắng, ông Trump sẽ trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên bị truy tố và kết án trọng tội khi cựu chủ nhân Nhà Trắng sau phiên toà xét xử hồi tháng 7 liên quan đến vụ chi tiền bịt miệng diễn viên phim người lớn Stormy Daniels và tác động bầu cử năm 2016.

Trong trường hợp ông Trump đắc cử, chính trị gia gốc New York sẽ nắm trong tay quyền lực để chấm dứt các cuộc điều tra liên bang khác chống lại ông. Tỷ phú 78 tuổi cũng sẽ trở thành tổng thống thứ hai trong lịch sử Mỹ chiến thắng hai nhiệm kỳ không liên tiếp, sau Grover Cleveland vào cuối thế kỷ XIX.

Cùng lúc đó, bà Harris cũng đang nỗ lực để trở thành nữ tổng thống Mỹ đầu tiên. Nếu đắc cử, bà Harris đồng thời sẽ là phụ nữ da màu và là người gốc Nam Á đầu tiên ngồi vào vị trí quyền lực nhất Nhà Trắng.

Bà Harris trở thành ứng viên tranh cử tổng thống của đảng Dân chủ sau khi ông Joe Biden có màn tranh luận được nhận xét là thảm hoạ vào tháng 6, góp phần khiến tổng thống đương nhiệm rút khỏi cuộc đua. Tuy nhiên, đó chỉ là khởi đầu của một đợt tranh cử đầy biến động.

bau cu tong thong My anh 2

Quảng cáo cuối cùng của chiến dịch tranh cử ông Trump (trên) và chiến dịch bà Harris (dưới). Ảnh: New York Times.

Vào tháng 7, ông Trump đã sống sót sau vụ ám sát hụt ở Butler, Pennsylvania khi một viên đạn sượt qua tai ông. Đội mật vụ bảo vệ cựu tổng thống sau đó chặn đứng một nỗ lực ám sát tương tự tại Florida vào tháng 7 khi một người đàn ông cầm súng tiếp cận ông Trump trên sân golf.

Xuyên suốt quá trình tranh cử, bà Harris đã nỗ lực khắc hoạ bản thân là một ứng viên đại diện cho sự đổi mới và cố gắng giữ khoảng cách với màn thể hiện của chính quyền đương nhiệm.

Với sự trợ lực từ các chính trị gia tên tuổi như Hạ nghị sĩ New York Alexandria Ocasio-Cortez đến cựu phó Tổng thống Mỹ Dick Cheney, bà Harris đã nhiều lần tỏ ý rằng ông Trump là mối đe doạ đối với nền dân chủ Mỹ.

Vài chục tiếng đồng hồ trước ngày tổng tuyển cử, bà Harris gần như đã ngừng nhắc đến ông Trump. Bà hứa sẽ giải quyết các vấn đề và tìm kiếm sự đồng thuận, không quên lặp lại giọng điệu lạc quan rằng bà ủng hộ "nền chính trị đem lại niềm vui" và chủ đề của chiến dịch tranh cử là "tự do".

"Ngay từ đầu, chiến dịch của chúng tôi không hướng đến việc chống lại một thứ gì đó, mà xoay quanh việc chúng tôi ủng hộ điều gì", bà Harris phát biểu vào tối 3/11 (giờ địa phương) tại một sự kiện ở Michigan.

Ở phía bên kia, ông Trump lặp lại khẩu hiệu "Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại" và "nước Mỹ trên hết". Cựu tổng thống thể hiện lập trường cứng rắn đối với vấn đề nhập cư và dùng việc chỉ trích chính quyền ông Biden và bà Harris làm điểm tựa cho luận điệu của mình.

Ông Trump đã chỉ trích đảng Dân chủ vì nền kinh tế lạm phát và cam kết sẽ lãnh đạo một “thời kỳ hoàng kim” về kinh tế, chấm dứt xung đột quốc tế và thắt chặt biên giới phía nam của Mỹ.

Cựu tổng thống cũng thường xuyên phàn nàn về "tình trạng gian lận bầu cử" song không đưa được bằng chứng thuyết phục. Ông cũng gọi nước Mỹ dưới thời Tổng thống Biden là một "quốc gia thất bại".

Chỉ hơn 48 giờ trước ngày bầu cử, ông Trump cho rằng đáng lý ông không nên rời Nhà Trắng sau khi thất cử hồi 2020 và không quên mỉa mai truyền thông Mỹ.

"Khi tôi rời đi, chúng ta đã có biên giới an toàn nhất trong lịch sử nước Mỹ", ông Trump nói tại buổi mít tinh ở thị trấn Lititz thuộc bang chiến địa Pennsylvania hôm 3/11 (giờ địa phương). "Thành thật mà nói, tôi không nên rời đi, chúng tôi đã làm rất tốt, chúng ta đã có một...", ông Trump nói và đột ngột dừng lại.

Cùng ngày, trong một sự kiện tại Georgia, ông Trump tuyên bố sẽ viện dẫn Đạo luật chống Kẻ thù Ngoại bang 1978 nếu đắc cử tổng thống. Theo đạo luật này, những người nhập cư Mỹ không có giấy tờ sẽ chịu án tử hình nếu giết hại một công dân Mỹ khác.

"Nước Mỹ giờ đây là một quốc gia bị chiếm đóng bởi hàng nghìn người, họ ở khắp nơi trong các thị trấn và thành phố của chúng ta", ông Trump nói. "Mọi thứ đang gần lắm rồi. Đây là mọi thứ bạn cần biết: Kamala làm hỏng chuyện và tôi sẽ sửa lại thôi".

Cuộc bầu cử năm nay nhiều khả năng được định đoạt bởi kết quả tại 7 bang chiến trường. Vào năm 2016, ông Trump đã giành chiến thắng tại 3 bang chiến địa Pennsylvania, Michigan và Wisconsin song lại đánh mất những bang này vào tay ông Biden trong cuộc bầu cử năm 2020.

Trong lịch sử, ông Trump đã giành chiến thắng tại bang tranh chấp North Carolina hai lần và "thất trận" tại bang chiến trường Nevada hai lần. Cựu tổng thống giành được các bang chiến địa Arizona và Georgia vào năm 2016 nhưng hai bang này đã "chuyển xanh" vào cuộc bầu cử 4 năm trước.

Tiết lộ về tổng thống Mỹ

Mục Thế giới xin giới thiệu tủ sách về tổng thống Mỹ, cung cấp cho độc giả thông tin về các đời tổng thống Mỹ cùng những người thân của họ, qua đó cho phép chúng ta có cái nhìn sâu sắc hơn không chỉ vào cuộc đời của những nhà lãnh đạo xứ cờ hoa mà còn là vào nền chính trị Mỹ.

Người Mỹ đổ xô đi bỏ phiếu sớm

Hơn 75 triệu cử tri Mỹ đã đi bỏ phiếu sớm với hy vọng tiếng nói của họ được lắng nghe giữa bối cảnh sự lo lắng bao trùm cuộc bầu cử xứ cờ hoa.

Bà Harris và ông Trump so kè quyết liệt trước vạch đích

Các cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy tỷ lệ ủng hộ dành cho hai ứng cử viên tổng thống không có sự chênh lệch lớn và không ai nhận được sự ủng hộ rõ ràng ở đủ các bang.

Bức tranh trái ngược trước giờ G ở Mỹ

Trong chủ nhật cuối cùng trước ngày bầu cử tổng thống Mỹ 5/11, ông Trump và bà Harris đã lựa chọn cách truyền tải thông điệp hoàn toàn trái ngược tại các buổi vận động tranh cử.

Đại Hoàng

Bạn có thể quan tâm