Một nước Mỹ lo lắng và mệt mỏi vì những chiến dịch tranh cử hỗn loạn đã thể hiện sự dứt khoát trong việc bỏ phiếu. Điều này được phản ánh qua lượng cử tri khổng lồ đi bỏ phiếu sớm.
Tại North Carolina, lượng cử tri tham gia bầu cử sớm cao kỷ lục với 4,5 triệu người đi bỏ phiếu sau sự tàn phá nặng nề của cơn bão Helene.
Bang Georgia cũng ghi nhận kỷ lục mới khi 4 triệu cử tri bỏ phiếu sớm. Tại Pennsylvania, 1,7 triệu người đã bỏ phiếu qua thư. Tổng cộng 9 tiểu bang đã ghi nhận hơn 50% cử tri đủ điều kiện tham gia bầu cử đi bỏ phiếu sớm, theo New York Times.
Theo giáo sư Michael McDonald thuộc Đại học Florida, những dự đoán từ tình hình bỏ phiếu sớm cho thấy tỷ lệ cử tri tham gia bầu cử năm nay có thể dao động trong khoảng 60-66% cử tri đủ điều kiện bỏ phiếu.
Mặc dù tổng số cử tri bỏ phiếu năm nay có thể thấp hơn đôi chút so với kỷ lục năm 2020, cuộc bầu cử vẫn đang trên đà chứng kiến một lượng cử tri tham gia bỏ phiếu cao lịch sử, tờ New York Times nhận định.
Cử tri đi bỏ phiếu sớm ở Florida. Ảnh: New York Times. |
Giữa khoảng thời gian nhạy cảm của cuộc bầu cử, các quan chức bầu cử đang nỗ lực làm việc hết công suất nhưng vẫn không quên chuẩn bị các biện pháp bảo vệ cho sự an toàn của chính họ.
Phần lớn sự lo lắng bắt nguồn từ tiền lệ bạo lực của bộ phận cử tri quá khích trong cuộc bầu cử 4 năm trước, trực tiếp dẫn đến cuộc bạo loạn tại Điện Capitol vào ngày 6/1/2021.
Năm nay, ông Trump và một số đồng minh đảng Cộng hoà bị đồn đoán là đang chuẩn bị một kịch bản tương tự trong trường hợp cựu tổng thống thất cử.
Các quan chức bầu cử đã phải đối mặt với một số thử thách đáng kể dù chưa đến ngày tổng tuyển cử. Một khu vực bầu cử quan trọng tại Pennsylvania đã không gửi phiếu qua thư cho hàng nghìn cử tri và một hạt khác của bang này bị phát hiện từ chối cử tri bỏ phiếu trước hạn.
Tại Georgia, giới chức địa phương phát hiện sự can thiệp của thế lực nước ngoài vào quá trình bầu cử. Mật khẩu của một số máy kiểm phiếu cũng bị tiết lộ ở Colorado.
Tuy nhiên, các quan chức bầu cử cho rằng những vấn đề trên đều được phát hiện và xử lý. Điều này cho thấy hệ thống bầu cử vẫn đang vận hành tốt.
"Tình hình đang rất ồn ào, và vì mọi thứ ồn ào nên lại thu hút sự chú ý", Thư ký khối thịnh vượng chung Pennsylvania (đảng viên Cộng hoà), nhận xét. "Nhưng chuyện đó không nên ảnh hưởng tới việc bỏ phiếu của bất cứ cử tri nào, dù họ bỏ phiếu trực tiếp hay qua thư".
Cử tri đi bỏ phiếu sớm ở Phoenix, Arizona. Ảnh: New York Times. |
Dẫu vậy, vài chục tiếng đồng hồ trước ngày tổng tuyển cử, nước Mỹ vẫn đang trên bờ vực của sự hỗn loạn khi nhiều tin đồn thất thiệt về tình trạng gian lận bầu cử lan truyền nhanh chóng.
Tờ New York Times đã phỏng vấn hơn 40 cử tri tại 7 bang chiến trường và ghi nhận sự mệt mỏi cũng như lo lắng trước thềm bầu cử.
"Tình hình rất căng thẳng", Gunner Robblee, cử tri ở Nevada, mô tả giai đoạn bỏ phiếu sớm. "Cứ đi được 3 m tôi lại vã mồ hôi một lần".
Tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu cao đã khiến kết quả cuộc bầu cử 2024 trở nên khó đoán hơn, đặc biệt là trong bối cảnh các cuộc thăm dò phản ánh thế so kè quyết liệt giữa hai ứng viên.
Thêm vào đó, sự thay đổi về xu hướng bỏ phiếu sớm cũng khiến hai chiến dịch tranh cử của đảng Dân chủ và phe Cộng hoà cố gắng tuyên bố lợi thế đang thuộc về mình, gây nhiễu loạn thông tin trong giai đoạn bỏ phiếu sớm, theo New York Times.
Trong hai cuộc bầu cử gần nhất, đảng Dân chủ thường chiếm lợi thế trong giai đoạn bỏ phiếu sớm, dù là tính phiếu trực tiếp hay qua thư. Năm nay, chiến dịch tranh cử của ông Trump đã thay đổi thông điệp và khích lệ cử tri ủng hộ đi bỏ phiếu sớm nếu họ cảm thấy không thoải mái với tình hình hiện tại.
Một điểm nhấn phiếu qua thư sớm ở Doylestown, Pennsylvania. Ảnh: New York Times. |
Trên khắp nước Mỹ, đặc biệt là ở Pennsylvania, thông điệp nói trên dường như đang phát huy tác dụng.
Tại văn phòng bầu cử quận ở trung tâm thành phố Pittsburgh, bà Beth Conway đã cùng chồng là Larry Conway tham gia bỏ phiếu sớm.
"Chuyện này đi ngược lại mọi thứ mà tôi tin, tôi sẵn sàng bật khóc rồi", bà Conway (74 tuổi, ở Pennsylvania) nói, cố kìm nước mắt. "Tôi cảm thấy không an toàn với hệ thống này. Chuyện tôi đi bỏ phiếu sớm hay không giờ không còn quan trọng nữa, tôi chỉ cầu mong lá phiếu của mình sẽ đến được đúng người mà tôi bầu".
Ông Larry Conway (77 tuổi) cũng lưu ý rằng việc đi bỏ phiếu trực tiếp vào ngày bầu cử 5/11 có thể kéo theo những thử thách nhất định.
"Vào ngày bầu cử, người ta có thể nói 'máy kiểm phiếu đang không hoạt động' hoặc 'chúng tôi hết phiếu rồi'", ông Conway nói. "Hệ thống này có quá nhiều lỗ hổng".
Tiết lộ về tổng thống Mỹ
Tri Thức - Znews giới thiệu tủ sách về tổng thống Mỹ, cung cấp cho độc giả thông tin về các đời tổng thống Mỹ cùng những người thân của họ, qua đó cho phép chúng ta có cái nhìn sâu sắc hơn không chỉ vào cuộc đời của những nhà lãnh đạo xứ cờ hoa mà còn là vào nền chính trị Mỹ.