Khi ngày bầu cử (3/11) chỉ cách chưa đầy một tháng, các cuộc thăm dò cho thấy Tổng thống Mỹ Donald Trump đang bị ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden dẫn trước. Việc tổng thống mắc Covid-19 cũng tạo ra nhiều trở ngại, buộc chiến dịch tranh cử của ông phải nỗ lực hơn, Reuters đưa tin.
Theo nhiều cố vấn thân cận, tổng thống đang nỗ lực tương tác từ xa với cử tri trong thời gian bị cách ly ở Nhà Trắng. Ông cũng tìm cách ngăn chặn chiến thắng của đối thủ Joe Biden tại nhiều bang trung lập.
Tổng thống Mỹ Donald Trump rời Bệnh viện Walter Reed. Ảnh: AP. |
Ngoài ra, các cố vấn cũng đang thảo luận với ông Trump về bài diễn văn nhắm tới người dân trên toàn quốc, đồng thời chuẩn bị bài phát biểu trước các cử tri cấp cao trong ngày 8/10.
Các trợ lý cho biết tổng thống đang nóng lòng quay lại cuộc tranh cử và kiên quyết tham gia buổi tranh luận trực tiếp tại Miami hôm 15/10 với đối thủ Joe Biden. Dù vậy, ông Biden hôm 6/10 tuyên bố sẽ không tham gia buổi tranh luận nếu ông Trump chưa hồi phục hoàn toàn.
Quyết định bất ngờ
Đến nay, sự ủng hộ giành cho chính quyền Trump đang giảm dần, nhất là khi nền kinh tế thời dịch trở nên ảm đạm trong mắt người Mỹ. Ngày 6/10, tổng thống bất ngờ đình chỉ các cuộc đàm phán với đảng Dân chủ và hứa hẹn thông qua một dự luật cứu trợ ngay sau khi đắc cử.
“Tôi đã ra chỉ thị cho các đại diện của tôi ngừng đàm phán cho đến khi cuộc bầu cử kết thúc. Ngay khi giành chiến thắng, tôi sẽ thông qua dự luật cứu trợ nhằm giảm thiểu tác động của đại dịch, tập trung vào những người Mỹ chăm chỉ và các doanh nghiệp nhỏ”, ông tuyên bố.
Quyết định bất ngờ từ ông Trump đã phá hủy triển vọng nhận viện trợ sớm của hàng triệu người Mỹ đang lâm vào cảnh khó khăn.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cởi bỏ khẩu trang ngay khi quay về Nhà Trắng. Ảnh: Reuters. |
Trước động thái này, ứng viên từ đảng Dân chủ Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đều cáo buộc ông Trump cố tình bỏ rơi những người Mỹ đang chịu cảnh nghèo đói. Ngay cả một Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa từ bang Maine cũng coi hành động của ông Trump là “sai lầm lớn”.
Đến cuối ngày này (6/10), Reuters cho biết ông Trump lại quay sang thúc giục quốc hội thông qua 25 tỷ USD tài trợ cho các hãng hàng không dân dụng, 135 tỷ USD cho các doanh nghiệp nhỏ và nhiều ngân phiếu trị giá 1.200 USD cho mỗi người Mỹ.
Covid-19 là lợi thế?
Trong những ngày gần đây, dư luận Mỹ liên tục bối rối trước nhiều luồng thông tin mâu thuẫn về bệnh tình của tổng thống. Cùng lúc này, virus SARS-CoV-2 đang len lỏi trong Nhà Trắng, gây nguy cơ lây nhiễm cho hàng trăm nhân viên.
Tại Cánh Tây, nơi ưu tiên nhiệm vụ chính trị hơn các biện pháp phòng dịch, hàng loạt cố vấn cấp cao của ông Trump đã mắc Covid-19, bao gồm Cố vấn Chính sách của tổng thống Stephen Miller và Thư ký Báo chí Nhà Trắng Kayleigh McEnany.
Theo ước tính của hãng tin ABC News, số ca mắc Covid-19 trong Nhà Trắng đã lên đến 34 trường hợp, bao gồm Tổng thống Trump và Đệ nhất phu nhân Melania Trump.
Dù vậy, chiến dịch tranh cử của tổng thống đang tận dụng “cụm dịch” Nhà Trắng để tạo nên lợi thế chính trị.
Giám đốc truyền thông của chiến dịch tranh cử, Erin Perrine, chia sẻ với Fox News: “Ông Trump có kinh nghiệm làm tổng thống, có kinh nghiệm của một doanh nhân và thậm chí có cả kinh nghiệm thực chiến với virus corona. Những kinh nghiệm quý giá này là điều mà Joe Biden không hề có”.
Dù phải trải qua nhiều triệu chứng nghiêm trọng và cần đến oxy bổ sung, chính Tổng thống Trump vẫn giữ thái độ ung dung trước dịch bệnh. “Đừng sợ Covid-19. Đừng để nó chi phối cuộc sống của bạn”, ông thể hiện bản lĩnh của người chiến thắng trong một bài đăng trên Twitter.
Dù vậy, những lời này không được dư luận và các chuyên gia đánh giá cao.
Sự kiện siêu lây nhiễm ở Vườn Hồng hôm 26/9. Ảnh: Politico. |
Trên thực tế, đa số người Mỹ tỏ ra hoài nghi về cách chính quyền Trump xử lý dịch bệnh. Theo các cuộc thăm dò, người dân cảm thấy tổng thống coi thường đại dịch, làm chưa tròn chức trách để giải quyết cuộc khủng hoảng y tế, không bày tỏ sự cảm thông đối với các nạn nhân của Covid-19.
Hiện nay, ông Trump không thể góp mặt trong các buổi vận động tranh cử vì chữa bệnh. Do đó, chiến dịch tranh cử của tổng thống có nguy cơ thâm hụt hàng triệu USD tiền tài trợ tại các bang phía Tây. Trong khi đó, đối thủ từ đảng Dân chủ Joe Biden vẫn nắm chắc lợi thế về mặt tài chính.