South China Morning Post dẫn nguồn thạo tin nói tỉnh đảo Hải Nam, đôi khi được gọi là "Hawaii của Trung Quốc", nơi tổ chức Diễn đàn Châu Á Bác Ngao (BFA) năm nay, có thể là một trong những nơi được lựa chọn để thành lập các cảng mới.
Theo nguồn tin này, các cảng mới sẽ được hưởng nhiều quyền tự do hơn các khu thương mại tự do (FTZ) hiện có trong việc hoạch định chính sách, đồng thời sẽ "thoáng" hơn trong việc tiếp cận thị trường. Tiêu chuẩn quốc tế cũng như khuôn khổ pháp lý mới sẽ được áp dụng để đảm bảo tự do lưu thông hàng hóa, nhân lực, vốn và đầu tư.
"Mức độ cởi mở tại các cảng mới sẽ cao hơn nhiều so với FTZ Thượng Hải... và thậm chí còn cao hơn Hong Kong", nguồn tin giấu tên cho hay.
Diễn đàn Châu Á Bác Ngao năm nay sẽ diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế ở Bác Ngao, tỉnh Hải Nam. Ảnh: Xinhua. |
Kế hoạch trên từng được ông Tập đề xuất hồi tháng 10/2017. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hôm 3/4 nói bài phát biểu của ông Tập tại Diễn đàn Bác Ngao, đôi khi được gọi là "Davos châu Á", khai mạc ngày 8/4 này, sẽ là "lời giải thích xác tín nhất" về những biện pháp mới nhằm kỷ niệm 40 năm Trung Quốc thực hiện cải cách mở cửa.
Trong bối cảnh Trung Quốc và Mỹ đang đứng bên bờ vực chiến tranh thương mại toàn diện, phát biểu của Ngoại trưởng Vương cho thấy ông Tập có thể dùng Diễn đàn Bác Ngao năm nay là nơi để thể hiện cam kết của Bắc Kinh với việc mở cửa và tạo thuận lợi cho bên ngoài tiếp cận thị trường.
Kể từ năm 2013, Trung Quốc đã thành lập 11 FTZ trên khắp cả nước, và Thượng Hải được xem là phòng thí nghiệm trong việc tự do lưu thông vốn và đầu tư xuyên biên giới.
Wei Jianguo, cựu thứ trưởng Thương mại Trung Quốc, nói ông Tập sẽ công bố nhiều biện pháp "cấp cao" nhằm giúp Bắc Kinh đối phó với chủ nghĩa bảo hộ tại Mỹ và đạt được các tham vọng và phát triển kinh tế trong nước.
Các đại biểu dự Diễn đàn Châu Á Bác Ngao năm 2017. Ảnh: Kyodo. |
Diễn đàn Bác Ngao năm nay, diễn ra từ 8 đến 11/4 , sẽ đánh dấu lần thứ 4 ông Tập xuất hiện tại sự kiện. Bên cạnh việc thảo luận về các vấn đề kinh tế, hợp tác, xã hội và môi trường, diễn đàn sẽ "cho phép thảo luận" các vấn đề về an ninh và ổn định khu vực như tranh chấp Biển Đông, theo Ngoại trưởng Vương Nghị.
Diễn đàn Bác Ngao ra đời năm 2002, một năm sau khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), với tầm nhìn tạo ra đối trọng với Diễn đàn Kinh tế Thế giới, một sự kiện được tổ chức thường niên tại Davos, Thụy Sĩ.