Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ông Tập kêu gọi EU hợp tác chặt chẽ hơn

Tại hội nghị thượng đỉnh trực tuyến với các lãnh đạo hàng đầu của EU, ông Tập kêu gọi hai bên hợp tác chặt chẽ để đẩy lùi đại dịch Covid-19 và dẫn dắt kinh tế thế giới phục hồi.

Theo Nikkei Asian Review, phát ngôn của Chủ tịch Tập Cận Bình được đưa ra trong bối cảnh đang có sự hoài nghi ngày càng tăng về Trung Quốc giữa các quốc gia trong EU.

Trong hội nghị trực tuyến với Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Thủ tướng Đức Angela Merkel, ông Tập đã nói rằng Trung Quốc và EU nên chung tay đánh bại đại dịch Covid-19 và dẫn dắt nền kinh tế thế giới phục hồi.

"Để Trung Quốc và châu Âu kiên định thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, cả hai bên cần phải tuân thủ bốn nguyên tắc: chung sống hòa bình, mở cửa và hợp tác, chủ nghĩa đa phương cũng như đối thoại và tham vấn", ông Tập nói.

Dam phan EU Trung Quoc roi vao be tac anh 1

Từ trái qua: Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen trong hội nghị trực tuyến ngày 14/9. Ảnh: Reuters.

Tuy vậy, hố sâu ngăn cách mối quan hệ song phương đang ngày càng mở rộng, khi Trung Quốc nhấn mạnh thành công trong việc kiểm soát sự lây lan của virus cũng như đóng góp về viện trợ y tế, trong khi né tránh mọi thảo luận về nguồn gốc của virus.

Gần đây, EU đã công bố tài liệu chiến lược, gọi Trung Quốc là "đối thủ mang tính hệ thống" chứ không chỉ đơn thuần là "đối thủ cạnh tranh" hay "đối tác".

Hồi tháng 6, sau cuộc điện đàm với ông Tập, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cho biết phải nhận ra rằng hai bên không chia sẻ những giá trị chung hay cách tiếp cận với chủ nghĩa đa phương.

Cả hai bên đang trong quá trình đàm phán Thỏa thuận Đầu tư Toàn diện, tiền thân của một thỏa thuận thương mại tự do tham vọng hơn, nhằm giải quyết sự phân biệt đối xử mà các công ty của EU phải đối mặt tại Trung Quốc.

"Chúng ta cần đẩy mạnh và nâng cuộc đàm phán lên một cấp độ chính trị cao hơn", bà Von der Leyen nói sau hội nghị, dấu hiệu cho thấy đang thiếu sự đồng thuận trong quá trình đàm phán.

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ 2 của EU sau Mỹ, và EU là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc với tổng kim ngạch thương mại hai chiều đạt 710 tỷ USD trong năm 2019.

Các nhà phân tích không tỏ ra lạc quan về kết quả của hội nghị trực tuyến hôm 14/9, vì không có sự trao đổi có ý nghĩa nào về thương mại, nhân quyền hay các chính sách chống biến đổi khí hậu.

"EU nhấn mạnh cam kết đối thoại, nhưng ngày càng có nhiều cảm giác thất vọng trên toàn châu Âu với các chính sách hiện tại của Bắc Kinh", bà Janka Oertel, giám đốc chương trình châu Á của Hội đồng châu Âu về Quan hệ Đối ngoại, nhận định.

EU cảnh báo Anh tuân thủ thỏa thuận Brexit

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã cảnh báo Thủ tướng Anh Boris Johnson không nên vi phạm luật quốc tế liên quan đến khu vực Bắc Ireland trong thỏa thuận Brexit.

Trung Quốc sẽ ngày càng bị cô lập?

Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ, với mục tiêu giữ cho khu vực được “tự do và mở”, đang đón nhận ngày càng nhiều sự ủng hộ trong các tháng vừa qua.

Sơn Trần

Bạn có thể quan tâm