Sự kết hợp của các yếu tố liên quan đến bán đảo Triều Tiên có thể tạo ra những thay đổi đáng kể tình hình địa chính trị của khu vực. Nhiều động thái về chính trị và ngoại giao đã bắt đầu diễn ra, theo Nikkei Asian Review.
Triều Tiên đã quyết định tổ chức đại hội đảng vào tháng 1/2021, 5 năm sau kỳ đại hội gần nhất. Trong khi đó, Trung Quốc và Hàn Quốc nhất trí về chuyến thăm sớm tới Hàn Quốc của ông Tập Cận Bình.
Hai sự kiện này có thể gây ra những tác động lớn đối với cấu trúc quyền lực của Đông Á. Cấu trúc này cũng sẽ bị ảnh hưởng lớn bởi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào ngày 3/11.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un phát biểu tại cuộc họp của Ủy ban Trung ương đảng Lao động Triều Tiên ở Bình Nhưỡng vào ngày 19/8. Ảnh: Reuters. |
Phát biểu tại cuộc họp của Ủy ban Trung ương đảng vào ngày 19/8, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un thẳng thắn thừa nhận Triều Tiên không đạt được nhiều mục tiêu đề ra trong kế hoạch phát triển kinh tế thông qua tại đại hội đảng lần thứ 7 vào tháng 5/2016.
Ông Kim nói "những gián đoạn và thiếu sót" trong các dự án để đạt mục tiêu phát triển đặt ra tại đại hội lần 7 sẽ được "đánh giá toàn diện" tại đại hội đảng tiếp theo.
Triều Tiên đợi kết quả bầu cử
Đại hội đảng năm 2016 là lần đầu tiên một đại hội như vậy được tổ chức trong 36 năm. Mặc một bộ vest xuất hiện, ông Kim cam kết mở rộng và nâng cấp quan hệ của Triều Tiên với các quốc gia khác theo hướng tương xứng với vị thế cường quốc hạt nhân mà nước này mới giành được.
Trong đại hội 4 năm trước, nhà lãnh đạo mới bày tỏ mong muốn cải thiện mối quan hệ với Hàn Quốc và bắt đầu đàm phán với Mỹ để đạt được thỏa thuận hòa bình. Lúc đó, ông Kim hào hứng và tự tin tuyên bố về một kỷ nguyên mới cho Triều Tiên.
Sau đại hội, ông Kim bắt đầu tiến hành một loạt vụ thử hạt nhân và phóng tên lửa đạn đạo theo chiến lược dường như nhằm tăng cường khả năng đàm phán với nước ngoài.
Sau khi đẩy căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên lên mức đáng lo ngại, ông Kim bất ngờ chuyển sang chính sách đối thoại vào đầu năm 2018. Ông tổ chức hội nghị thượng đỉnh lịch sử với Tổng thống Mỹ Donald Trump vào tháng 6 năm đó. Rõ ràng, mọi thứ diễn ra nhanh hơn ông Kim mong đợi.
Nhưng sau cuộc gặp thứ hai với Tổng thống Trump tại Hà Nội vào tháng 2/2019 kết thúc mà không đạt được thỏa thuận, chiến lược của ông Kim dần sáng tỏ. Ông quay lại tập trung xây dựng quân đội và nói quyết định lãnh đạo đất nước vượt qua "cuộc đấu tranh gian khổ và trường kỳ một lần nữa".
Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đi dạo sau cuộc gặp đầu tiên tại khách sạn Sofitel Legend Metropole ở Hà Nội vào ngày 28/2/2019. Ảnh: AP. |
Đảng Lao động Triều Tiên nhấn mạnh đại hội tiếp theo được tổ chức để "vạch ra kế hoạch mới cho cuộc đấu tranh và đưa ra các nguyên tắc chiến lược và chiến thuật nhằm củng cố đảng về tổ chức và tư tưởng".
Tuy nhiên, Triều Tiên chưa quyết định điều gì quan trọng liên quan đến đại hội này, ngoại trừ thời gian tổ chức.
Đại hội sẽ diễn ra hai tháng sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Bình Nhưỡng có thể mong muốn ông Trump tái đắc cử. Tuy nhiên, nếu cựu phó tổng thống Joe Biden giành chiến thắng, Triều Tiên sẽ phải đánh giá lại các mối quan hệ và chiến lược của Washington với Trung Quốc và Triều Tiên.
Dựa trên đánh giá này, ông Kim sẽ quyết định nên tìm kiếm thỏa thuận với Washington hay tiếp tục theo đuổi lập trường cứng rắn trong vấn đề này.
Quyết định chiến lược này có lẽ sẽ được ca ngợi như "thành tích" tại đại hội đảng. Vì Bình Nhưỡng cần thảo luận và phối hợp cùng Bắc Kinh trong chính sách mới với Mỹ, ông Kim hẳn đã quyết định rằng đại hội sẽ diễn ra sau cuộc bầu cử Mỹ ít nhất hai tháng.
Chính phủ của ông Kim cũng đang chịu áp lực mạnh mẽ trong việc phải công bố một kế hoạch phát triển kinh tế mới vào đầu năm tới để ngăn công chúng mất niềm tin. Kế hoạch kinh tế 5 năm đầy tham vọng được thông qua tại đại hội đảng năm 2016 nhằm xây dựng một "đất nước xã hội chủ nghĩa vĩ đại" trước năm 2020 đã không thành công.
Ảnh hưởng từ các biện pháp trừng phạt kinh tế nghiêm ngặt, thiệt hại từ đại dịch Covid-19 và lũ lụt khiến Triều Tiên không thể hoàn thành được kế hoạch.
Ngay cả lãnh đạo đảng cũng buộc phải thừa nhận thất bại. "Việc đạt được các mục tiêu theo kế hoạch nhằm cải thiện nền kinh tế đã bị trì hoãn nghiêm trọng và mức sống của người dân không được cải thiện đáng kể", theo một tài liệu được thông qua tại cuộc họp ủy ban trung ương ngày 19/8.
Hàn Quốc lâm vào tình huống khó
Việc nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc, ông Dương Khiết Trì, đến thăm Hàn Quốc vào ngày 21-22/8 cũng không phải chuyện ngẫu nhiên.
Trung Quốc rất ủng hộ ý tưởng về chuyến thăm sớm của ông Tập tới Hàn Quốc - chuyến đi Seoul nhiệt tình theo đuổi trong một khoảng thời gian.
Rất khó để nghi ngờ việc Bắc Kinh đang cố gắng kéo Hàn Quốc - đồng minh của Mỹ - về phía mình.
Các chuyên gia cho biết, để đổi lấy lời hứa về chuyến thăm sớm của ông Tập tới Hàn Quốc, ông Dương có khả năng yêu cầu Seoul hỗ trợ Trung Quốc trong một số vấn đề đã khiến quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington căng thẳng.
Các vấn đề này có thể bao gồm luật an ninh quốc gia mới với Hong Kong, tranh chấp liên quan đến Huawei và các xung đột lãnh thổ ở Biển Đông. Bắc Kinh ít nhất sẽ thúc giục Seoul giữ thái độ trung lập.
Ông Dương Khiết Trì (trái) và cố vấn an ninh quốc gia Hàn Quốc Suh Hoon chụp ảnh trong cuộc gặp tại Busan, Hàn Quốc, vào ngày 22/8. Ảnh: Reuters. |
Nói cách khác, Trung Quốc sẽ buộc Hàn Quốc phải thể hiện lòng trung thành với Bắc Kinh bằng cách tận dụng sự bất ổn chính trị ở Mỹ do bầu cử tổng thống.
Truyền thông Hàn Quốc đã cảnh báo chính quyền của Tổng thống Moon Jae In sẽ đặt mình vào tình huống khó khi cố gắng đạt được sự cân bằng giữa việc duy trì quan hệ đồng minh với Washington và giành được sự ủng hộ của Bắc Kinh.
Theo Nikkei Asian Review, với chính quyền ông Moon, giữ cho mối quan hệ của Hàn Quốc với Trung Quốc - đối tác thương mại lớn nhất của nước này - đi đúng hướng là rất quan trọng đối với khả năng tồn tại chính trị.
Chính phủ Hàn Quốc cũng hy vọng rằng chuyến thăm của ông Tập sẽ giúp “hồi sinh” các cuộc đàm phán bị đình trệ giữa Mỹ và Triều Tiên, và giữa hai miền bán đảo Triều Tiên về tham vọng hạt nhân của ông Kim.
Rõ ràng là Hàn Quốc đã cố gắng làm hài lòng Trung Quốc khi nước này quyết định không ký một tuyên bố gồm 27 quốc gia, trong đó có Nhật Bản, của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc. Tuyên bố này chỉ trích luật an ninh quốc gia Bắc Kinh áp đặt lên Hong Kong vào cuối tháng 6.
Mỹ cũng mời Hàn Quốc tham gia cuộc gặp giữa các lãnh đạo quốc phòng mà nước này dự định tổ chức với Nhật Bản tại Guam vào ngày 29/8. Tuy nhiên, truyền thông Hàn Quốc đưa tin Seoul đang xem xét từ chối lời mời hoặc chỉ tham gia hội nghị từ xa.
Điều này phản ánh sự miễn cưỡng của Seoul trong thực hiện bất kỳ hành động nào có thể khiến Trung Quốc hoặc Triều Tiên “xù lông”. Cả Trung Quốc và Triều Tiên đều không muốn đối phó với các nỗ lực ngoại giao chung trong khuôn khổ Mỹ - Nhật - Hàn.