Theo RT, khi bị phóng viên chất vấn lý do hệ thống phòng không của Saudi Arabia được trang bị tên lửa Patriot không thể ngăn chặn "tên lửa phóng xuyên qua Vùng Vịnh" trong vụ tấn công 2 cơ sở dầu mỏ của nước này hôm 13/9, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho rằng những hệ thống tốt nhất đôi khi cũng gặp phải thất bại.
"Chúng tôi đã chứng kiến những hệ thống phòng không khắp thế giới mang lại những kết quả trái ngược. Ngay cả những hệ thống phòng không hiện đại nhất cũng không thể luôn luôn theo dõi được các mục tiêu", ông Pompeo nói hôm 18/9.
Hệ thống phòng không được trang bị tên lửa Patriot do Mỹ sản xuất. Ảnh: National Interest. |
Ngoại trưởng Mỹ cũng gợi ý Saudi Arabia có thể chưa trang bị đủ "cơ sở hạ tầng" do Mỹ sản xuất để ngăn chặn những cuộc tấn công tương tự. Ông Pompeo cho biết Washington và Riyadh đang tiếp tục phối hợp để giải quyết vấn đề.
Theo CNN, Tổng thống Donald Trump đã ra lệnh cho Lầu Năm Góc lên kế hoạch một chiến dịch quân sự nhằm vào Iran nhằm đáp trả vụ tấn công hôm 13/9. Tuy nhiên, giới chức Mỹ chưa lựa chọn kế hoạch quân sự chi tiết nào.
Một nguồn tin quen thuộc với các cuộc thảo luận của Nhà Trắng cho biết chính quyền Tổng thống Trump cảm thấy đây là thời điểm thích hợp để có biện pháp cứng rắn chống lại Iran, nước đã phủ nhận trách nhiệm về các vụ tấn công thời gian qua nhắm vào các tàu và cơ sở dầu mỏ tại khu vực.
Vụ tấn công làm hai cơ sở Abqaiq ngừng hoạt động sản xuất dầu. Ảnh: AFP. |
Hai cơ sở dầu mỏ Abqaiq và Khurais của Saudi Arabia đã buộc phải ngừng sản xuất, khiến Saudi tổn thất 5 triệu thùng dầu mỗi ngày, tương đương 50% sản lượng toàn quốc sau vụ tấn công bằng máy bay không người lái hôm 13/9.
Lực lượng phiến quân Houthi tại Yemen tuyên bố nhận trách nhiệm cho vụ tấn công. Tuy nhiên, Mỹ và Saudi Arabia cáo buộc các máy bay xuất phát từ miền Bắc, không phải từ Yemen, đồng thời cho rằng Iran trực tiếp can dự gây ra vụ tấn công các cơ sở dầu mỏ của Saudi Arabia.