Hôm nay, ngày thi đấu đầu tiên sau lễ khai mạc SEA Games 31, là ngày thi đấu sôi động của đoàn Việt Nam với 16 môn thể thao. Trong đó, nhiều môn nằm trong chương trình Olympic như rowing, đấu kiếm, TDDC, bóng đá. Những môn này, tại SEA Games 22 đã giành những kết quả tốt đầu tiên sau nhiều năm chuẩn bị.
Có thể kể đến đua thuyền có 7 HCV (trong đó có 4 nội dung canoing, 3 rowing), TDDC có 4 HCV. Thành tích của TDDC xuất sắc bởi sau thời gian rất lâu, từ HCV cầu thăng bằng của Nguyễn Thị Nga tại Jakarta 1997, chúng ta mới tiếp tục có thêm HCV. Đấu kiếm cũng là môn ghi nhận thành công tại SEA games 2003, với 3 HCV.
TDDC Việt Nam chỉ đặt mục tiêu giành 3 HCV tại SEA Games 31 dù có thời điểm đã có tới 11 HCV. Ảnh: Việt Linh. |
Thể dục dụng cụ yếu thế
TDDC là môn thể thao Olympic cơ bản, xuất hiện từ kỳ Thế vận hội đầu tiên năm 1986. Hiện tại, TDDC đã phát triển lên tới trình độ rất cao, với 6 nội dung của nam, 4 nội dung của nữ. SEA Games 22 năm 2003 là lần đầu tiên trong lịch sử nội dung đồng đội nữ giành HCV.
Sau kỳ Đại hội đó, TDDC Việt Nam ghi nhận nhiều sự tiến bộ. Một số nội dung, VĐV đã đạt tới trình độ châu lục và thế giới. Phan Thị Hà Thanh giành HCĐ giải thế giới năm 2014. Lê Thanh Tùng, Phạm Phước Hưng hay Đinh Phương Thành đều có huy chương châu lục. Đỗ Thị Ngân Thương đạt điều kiện dự Olympic 2008, Phan Hà Thanh dự Olympic 2012.
Dù vậy, tôi phải nói nhìn chung các VĐV Việt Nam còn khoảng cách xa với với nhóm hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, những thành tích đó ghi nhận sự tiến bộ đáng kể của bộ môn này.
Ở đấu trường SEA Games, sau những lận đận ban đầu, từ SEA Games 2003, TDDC Việt Nam có sức bật mới, với những VĐV ưu tú nhờ đào tạo dài hạn tại nước ngoài, cùng sự tiến bộ về khoa học kỹ thuật trong nước. Các VĐV dần chiếm thế thượng phong ở các kỳ thi đấu.
Đến SEA Games 2011 tại Philippines, chúng ta giành 11 HCV ở 14 nội dung thi đấu. Đó là thời kỳ TDDC Việt Nam đạt tới đỉnh cao, nhất là TDDC nam, với sự phát triển toàn diện của Phạm Phước Hưng, Lê Thanh Tùng, Trương Minh Sang, Nguyễn Hà Thanh.
Vài năm trở lại đây, TDDC Việt Nam gặp vấn đề với lực lượng kế cận. Các VĐV trẻ chưa đáp ứng được nhiệm vụ. Nhìn tổng thể, TDDC tại SEA Games lần này đã giảm ưu thế rõ rệt, nhất là ở các nội dung toàn năng và cá nhân nam.
TDDC nữ cũng chưa ra lò được những VĐV kế cận xuất sắc như đàn chị ngân Thương hay Hà Thanh, vì nhiều yếu tố như khó khăn trong việc phương tiện tập luyện hiện đại.
Đấu kiếm Việt Nam đặt kỳ vọng đóng góp HCV cho Đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 31. |
Đấu kiếm có kỳ vọng
Môn đấu kiếm bắt đầu phát triển tại Việt Nam trong khoảng 10 năm trước kỳ SEA Games 2003. Môn thể thao này cũng có những yếu tố đặc thù tương tự như TDDC. Ngoài trình độ kỹ thuật cao, chúng ta không thiết bị tập luyện hiện đại, không chỉ giáp hay kiếm, mà còn là đường băng và thiết bị điện tử.
Đấu kiếm Việt Nam còn gặp vấn đề khác, là không có HLV chuyên nghiệp mà phải thuê chuyên gia nước ngoài. Dù vậy, tại SEA Games 2003, chúng ta có 3 HCV của Lệ Dung, đồng đội nam và đồng đội nữ, đều ở nội dung kiếm chém.
Những nỗ lực không ngừng của môn đấu kiếm giúp các VĐV đã có cơ hội thi đấu ở tầm châu lục. Đó là điều rất đáng trân trọng. Tại SEA Games này, đội tuyển đấu kiếm Việt Nam cố gắng phấn đấu để giành một số HCV. Chúng ta đang ở thời kỳ đỉnh cao. Dù vậy, Indonesia, Malaysia hay Thái Lan là những đối thủ khó.
Cái khó của đấu kiếm còn nằm ở tư duy trong nhiều năm. Khoảng 20-30 năm về trước, những nhà phát triển thể thao chỉ quan tâm đến võ thuật mà bỏ quên các môn trong chương trình Olympic hiện đại, trong đó có đấu kiếm. Có những sự ái ngại nhất định khi nhắc đến các môn Olympic, xuất phát từ sự thiếu hiểu biết. Tư duy cũng thiếu sự phát triển.
Các VĐV đua thuyền nữ đóng góp lớn vào thành tích chung của thể thao Việt Nam. Ảnh: Hoàng Hà. |
Sự tôn trọng dành cho đua thuyền
Ở Việt Nam, phát triển đua thuyền là sự đấu tranh gian khổ cả về mặt tư duy lẫn đầu tư. Công lao rất lớn là của thể thao Hà Nội, dưới sự lãnh đạo của cố giám đốc Hoàng Vĩnh Giang đã kiên trì, đơn độc trong nhiều năm. VĐV phải tập luyện trong điều kiện gian khổ, thiếu thốn, đối mặt với nắng mưa, gió rét, không có thiết bị bổ trợ và cơ sở hạ tầng ngày càng là trở ngại lớn cho sự phát triển thành tích.
Chúng ta không có phương tiện kỹ thuật để tập luyện bổ trợ. Đua thuyền cứ âm thầm diễn ra như vậy tại hồ tây với các HLV như Nguyễn Văn Thắng, Vũ Đăng Tuấn, Lê Văn Quang... Họ chịu hy sinh trong nhiều năm. Ngay cả thể hình người Việt cũng không phải là lý tưởng để tập luyện môn này.
Sau những năm 2000 đua thuyền phát triển thêm ở một số tỉnh thành như Hải Dương, Thanh Hóa, Đà Nẵng. Đua thuyền có sự phát triển và đạt kết quả khả quan, có huy chương châu Á, đạt chuẩn Olympic 2004 và tiếp tục tham dự Thế vận hội tại Rio 4 năm sau. Trong những thành công đó, không thể không nhắc đến sự giúp đỡ nhiệt tình của chuyên gia người Australia Joseph Donnelly.
Đua thuyền hiện tại là nội dung thế mạnh của thể thao Việt Nam ở đấu trường Đông Nam Á. SEA Games lần trước chúng ta có 4 HCV, 3 HCB. Kết quả thi đấu ở những ngày đấu trước khai mạc, đặc biệt là thành tích giành 3 HCV của các VĐV nữ là sự khích lệ lớn cho Đoàn Thể thao Việt Nam. Ngày thi đấu hôm nay cũng như sắp tới, đua thuyền có thể giành thêm những HCV mới.
U23 Việt Nam tự làm khó mình khi không thể đánh bại Philippines ở lượt trận thứ 2. Ảnh: Y Kiện. |
U23 Việt Nam buộc phải thắng
Trong 16 môn, tâm điểm là bóng đá. Các chuyên gia bóng đá và quý báo sẽ phân tích sâu hơn. Tôi chỉ muốn nói đây là trận đấu U23 Việt Nam buộc phải thắng. Khả năng thắng lợi lớn, nhưng trạng thái tâm lý và chiến thuật trước lối đá phòng ngự là vấn đề. Cầu thủ Myanmar không giỏi nhưng đá rắn và không dễ vượt qua.
Khả năng thắng rất lớn, nhưng nếu không có chiến thuật, thay đổi lối đá để thích ứng với cách chơi phòng ngự của đối thủ, không thể đảm bảo cho việc giành chiến thắng cho U23 Việt Nam.
Nội dung đáng chú ý khác là kickboxing. Được du nhập Việt Nam trong quãng 2004-2007, nhờ sự nỗ lực của trưởng bộ môn Vũ Đức Thịnh cùng cộng sự, chúng ta mời chuyên gia hàng đầu đến tập huấn trọng tài và VĐV. Đó là thời điểm đầu tiên giới kickboxing Việt Nam được tiếp cận kỹ thuật hiện đại.
Những năm đầu kickboxing không có giải quốc gia, về sau có nhưng không được đầu tư. Dù vậy, nhờ sự nỗ lực của các đơn vị, hiện nay chúng ta đang duy trì 2 giải đấu là giải trẻ quốc gia và vô địch quốc gia. Hôm nay có tới 5 trận chung kết, chúng ta cũng có hy vọng giành 1-2 HCV.
Tôi nói thêm một số ý kiến về wushu. Trong tiến trình phát triển, giai đoạn 1990 đến 2000, wushu góp phần quan trọng làm thay đổi diện mạo và vị thế của thể thao Việt Nam. Từ 1993 đến 1997, chúng ta đã có những nhà vô địch thế giới. Môn đấu này cũng đóng góp nhà vô địch thế giới đầu tiên cho thể thao Việt Nam. Sau này, có nhiều VĐV đạt tới trình độ châu lục. SEA Games 2003, wushu Việt Nam giành tới 13 HCV.
Tất cả kỳ Đại hội, wushu Việt Nam đều đứng hàng đầu. Ở một số giải đấu, chúng ta có sự tranh chấp của Malaysia. Wushu Việt Nam có thế mạnh ở cả taolu (biểu diễn) và tán thủ (đối kháng), đặc biệt là các VĐV nữ. Chúng ta có vô địch thế giới, vô địch châu Á, có HCV rồi cả HCB Asian Games. HCV của Dương Thúy Vị tại Incheon 2004 là dấu ấn đặc biệt sâu sắc.
SEA Games lần này, chúng ta vẫn có thế mạnh ở cả 2 nội dung và sẽ có nhiều HCV. Dương Thúy Vi vẫn là ngôi sao sáng, dù đây là lần cuối VĐV nữ này tham dự SEA Games.
Môn thể hình phát triển khắp thế giới, nhưng không có trong chương trình Olympic vì phương pháp trọng tài mang nhiều chủ quan. Thể hình việt Nam có nhà vô địch thế giới Phạm Văn Mách là nhân vật bảo vệ HCV SEA Games. Trình độ thể hình Việt Nam đã đạt tới trình độ hàng đầu thế giới. SEA Games 31, mục tiêu của thể hình Việt Nam là phấn đấu giành 4-5 HCV. Ở ngày thi đấu hôm nay, với 3 nội dung ở các hạng cân khác nhau, tôi dự đoán có thể giành 1-2 HCV. Phạm Văn Mách, Phạm Văn Phước hay Đặng Thanh Tùng đều có khả năng giành huy chương.
Vấn đề của thể hình là các võ sĩ phải có chế độ ăn uống đặc biệt, dùng nhiều thực phẩm chức năng và có nguy cơ liên quan đến các chất cấm cao. Nhiều môn thi đấu khác cũng bắt đầu vào cuộc hoặc tiếp tục thi đấu vòng loại. Chúng là mở đầu cho giai đoạn sau. Hôm nay, Đoàn Thể thao Việt Nam phấn đấu có 7-10 HCV.