Viết trên Telegram ngày 31/5, ông Medvedev cho biết các lệnh trừng phạt kinh tế "vô tận" không nhắm vào giới tinh hoa chính trị, nhưng đã khiến các doanh nghiệp lớn chịu tổn thất.
Cựu tổng thống Nga nói các biện pháp trừng phạt dầu khí ảnh hưởng trực tiếp đến người dân Nga và buộc chính phủ phải cắt giảm ngân sách.
"Mục đích của việc đóng băng tài sản Ngân hàng Trung ương và tài sản nhà nước là gì? Đơn giản. Để làm nền kinh tế tồi tệ hơn, đồng ruble tăng, lạm phát tăng, đồng nghĩa với việc giảm mức sống của người Nga", ông Medvedev nói, nhấn mạnh lệnh trừng phạt dầu khí cũng có mục đích tương tự.
Tuyên bố của ông Medvedev được đưa ra sau khi Liên minh châu Âu (EU) ngày 30/5 nhất trí gói trừng phạt cắt giảm 2/3 lượng dầu nhập khẩu từ Nga, và 90% vào cuối năm nay, theo Guardian.
Nhà máy lọc dầu Danube ở Hungary. Trong gói trừng phạt ngày 30/5, EU đã miễn trừ để Hungary tiếp tục nhập khẩu dầu Nga qua đường ống Druzhba. Ảnh: Reuters. |
Người đứng đầu Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đầu ngày 31/5 cho biết bà "rất vui" vì về mặt nguyên tắc, các nhà lãnh đạo đã đồng ý gói trừng phạt thứ sáu, theo AFP.
Trước động thái của EU, ông Mikhail Ulyanov, đại diện thường trực của Nga tại các tổ chức quốc tế ở Vienna, cho biết sẽ tìm những nhà mua dầu thô khác để thay thế các đối tác châu Âu. Theo Reuters, Ấn Độ và Trung Quốc là hai quốc gia có thể tăng cường mua dầu thô từ Nga.
Khoảng 36% lượng dầu nhập khẩu của EU đến từ Nga. Moscow cũng là quốc gia sản xuất dầu thô lớn nhất thế giới, theo CNBC.
Ngoài ra, gói trừng phạt thứ 6 cũng bao gồm việc loại ngân hàng Sberbank - ngân hàng cho vay lớn nhất của Nga - khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT.