Thông báo này được Chủ tịch Hội đồng Liên minh châu Âu Charles Michel cho biết trên mạng xã hội Twitter giữa phiên họp tại Brussels hôm 30/5.
Sberbank là ngân hàng cho vay lớn nhất của Nga. Việc EU cho thêm ngân hàng này vào danh sách trừng phạt sẽ khiến hệ thống tài chính của Nga cô lập hơn nữa, ngay khi lệnh trừng phạt có hiệu lực, theo AFP.
Ông Michel cũng thông báo gói trừng phạt mới sẽ cắt giảm 2/3 lượng dầu nhập khẩu từ Nga nhằm “gây sức ép tối đa” để Moscow chấm dứt chiến sự. Lệnh cấm vận được nhất trí chỉ bao gồm cấm dầu của Nga vận chuyển bằng đường biển, cho phép loại trừ trừng phạt lên hàng vận chuyển bằng đường ống, theo AP.
Tổng thống Pháp và thủ tướng Hungary trò chuyện tại hội nghị thượng đỉnh EU hôm 30/5. Ảnh: Reuters. |
Người đứng đầu Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đầu ngày 31/5 cho biết bà "rất vui" vì về mặt nguyên tắc, các nhà lãnh đạo đã đồng ý gói trừng phạt thứ sáu, Reuters đưa tin.
"Giờ đây, Hội đồng châu Âu có thể hoàn tất lệnh cấm với gần 90% tổng số dầu nhập khẩu từ Nga vào cuối năm nay. Đây là bước tiến quan trọng. Chúng tôi sẽ sớm bàn thảo về 10% còn lại. 10% còn lại đến từ đường ống", bà nói thêm.
Lệnh cấm vận được đưa ra sau nhiều giờ giới lãnh đạo tranh luận trực tiếp tại hội nghị thượng đỉnh bất thường tại Brussels hôm 30/5.
“Đây là thành tựu đáng kể”, Euronews dẫn lời ông Michel. “Hơn bao giờ hết, điều quan trọng là chúng ta phải chứng tỏ sự mạnh mẽ và cứng rắn để bảo vệ các giá trị của mình".
Ông Michel cho hay EU đã đồng ý gửi cho Ukraine 9,7 tỷ USD để hỗ trợ "nhu cầu thanh khoản tức thời" của Kyiv.
Vấn đề an ninh lương thực sẽ được đưa ra bàn thảo vào ngày 31/5. EU dự kiến khuyến khích chính phủ các quốc gia thành viên thúc đẩy nhanh tiến độ thực hiện "các làn đường đoàn kết" để giúp Ukraine xuất khẩu ngũ cốc và các sản phẩm khác.
Trước đó, EU đã áp đặt 5 vòng trừng phạt với Nga vì “chiến dịch quân sự” của nước này ở Ukraine. Gói trừng phạt thứ 6 dự kiến công bố vào ngày 4/5 nhưng bị trì hoãn do một số quốc gia thành viên lo ngại về nguồn cung dầu.