“Thỏa thuận này cấm xuất khẩu dầu của Nga sang EU. Điều này ngay lập tức áp dụng lên hơn 2/3 lượng dầu nhập khẩu từ Nga”, AFP dẫn lời Chủ tịch Hội đồng Liên minh châu Âu Charles Michel cho biết trên mạng xã hội Twitter giữa phiên họp tại Brussels hôm 30/5.
Lệnh cấm vận được nhất trí chỉ bao gồm cấm dầu của Nga vận chuyển bằng đường biển, cho phép loại trừ trừng phạt lên hàng vận chuyển bằng đường ống, theo AP.
Ông Michel nói thêm lãnh đạo EU cũng nhất trí loại ngân hàng lớn nhất của Nga là Sberbank khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT. Ba đài truyền hình thuộc sở hữu nhà nước Nga cũng có tên trong danh sách trừng phạt mới, ông cho biết.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky xuất hiện tại cuộc họp đặc biệt của Hội đồng châu Âu tại Brussels, Bỉ hôm 30/5. Ảnh: Reuters. |
Trước đó, EU đã áp đặt 5 vòng trừng phạt với Nga vì “chiến dịch quân sự” của nước này ở Ukraine. Các gói trừng phạt nhắm vào hơn 1.000 cá nhân, trong đó có cả Tổng thống Nga Vladimir Putin và các quan chức chính phủ hàng đầu, cũng như giới tài phiệt, các ngân hàng, lĩnh vực than đá và nhiều lĩnh vực khác.
Gói trừng phạt thứ 6 dự kiến công bố vào ngày 4/5 nhưng bị trì hoãn do một số quốc gia thành viên lo ngại về nguồn cung dầu.
Hungary cho biết lệnh cấm vận sẽ gây hại đến kinh tế nước này. Ngoài ra, Slovakia và Cộng hòa Czech cùng bày tỏ quan ngại tương tự.
Theo Euro News, khoảng 70-85% lượng dầu Nga nhập khẩu vào EU được vận chuyển từ các cảng, phần còn lại đến trực tiếp từ đường ống Druzhba - đường ống lớn cung cấp trực tiếp cho các nhà máy lọc dầu ở Ba Lan, Hungary, Slovakia, CH Czech và Đức.
EU là khách hàng dầu mỏ số một của Nga. Các số liệu trước chiến sự cho thấy khối này mua trung bình khoảng 2,2 triệu thùng dầu thô cùng với 1,2 triệu thùng sản phẩm tinh chế mỗi ngày.
Kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột vào ngày 24/2, 27 quốc gia thành viên của EU đã chi khoảng 30 tỷ euro cho dầu của Nga, theo Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí sạch (CREA).