Ngày 25/10, Samsung đã thông báo về sự ra đi của Chủ tịch Lee Kun Hee sau thời gian dài nằm trên giường bệnh bởi một cơn đau tim vào năm 2014.
Trong thời gian lãnh đạo tập đoàn, ông Lee đã góp phần đưa Samsung từ hãng sản xuất đồ điện tử vô danh trở thành đế chế công nghệ lớn nhất Hàn Quốc, một trong những thương hiệu hàng đầu thế giới.
Ông Lee Kun Hee là chủ tịch tập đoàn Samsung từ năm 1987. Ảnh: Reuters. |
Luôn thích ứng với sự thay đổi
Lee Kun Hee là con trai thứ 3 của Lee Byung Chul, nhà sáng lập tập đoàn Samsung. Ông trở thành chủ tịch vào ngày 24/12/1987, chỉ 2 tuần sau cái chết của cha mình. Ông Lee được cho là có phong cách lãnh đạo quyết đoán, tầm nhìn xa và luôn đề cao chất lượng sản phẩm.
Câu chuyện được nhắc đến nhiều nhất về phong cách lãnh đạo này là khi một lô điện thoại Samsung bị lỗi vào năm 1995, ông Lee đã trực tiếp đến nhà máy của hãng tại tỉnh Gumi. Dưới sự chứng kiến của hơn 2.000 công nhân, ông Lee đã cho thiêu rụi, san phẳng toàn bộ 150.000 thiết bị lỗi.
“Nếu còn làm ra những sản phẩm kém chất lượng như vậy, tôi sẽ quay lại và làm điều tương tự”, ông Lee tuyên bố.
Chúng ta phải tuyển những người giỏi nhất. Con người thiên tài trị giá hơn một tỷ USD.
Lee Kun Hee, cố Chủ tịch tập đoàn Samsung
Trong cuốn sách phát hành năm 1997, chủ tịch Samsung viết rằng một công ty muốn thành công cần trải qua “cảm giác khủng hoảng cực độ”, luôn hướng về phía trước ngay cả khi hoạt động ổn định, thích ứng với những thay đổi của thị trường.
Năm 1999, Samsung ra mắt mẫu điện thoại SGH-600 tại châu Âu với thiết kế khá độc đáo so với những sản phẩm cùng thời điểm. SGH-600 là thành công của Samsung khi bán được 10 triệu chiếc tại thị trường khó tính như châu Âu.
Sự bùng nổ của điện thoại di động vào những năm 2000 là cơ hội để Samsung vươn mình ra thế giới. Các thiết bị có thiết kế độc đáo, tích hợp công nghệ mới giúp hãng xây dựng hình ảnh tích cực với người dùng toàn cầu.
Ra mắt vào năm 2000, Samsung M100 là mẫu điện thoại đầu tiên có tính năng nghe nhạc MP3. Nó được tạp chí Time chọn là một trong 100 thiết bị ảnh hưởng nhất mọi thời đại (giai đoạn 1923-2010).
Sự kiện tiêu hủy lô điện thoại lỗi năm 1995 cho thấy chất lượng sản phẩm là ưu tiên hàng đầu của ông Lee. Ảnh: Patently Apple. |
Năm 2005, ông Lee được Time bình chọn là một trong 100 người có ảnh hưởng nhất thế giới. Vị chủ tịch đã tái cơ cấu Samsung Electronics sau khi nhìn thấy các sản phẩm của công ty bám đầy bụi trong một cửa hàng điện tử ở Los Angeles (Mỹ).
Thập niên 2000, Samsung ra mắt nhiều mẫu điện thoại nổi bật như SPH-A500 (2003) với màn hình màu cùng kiểu dáng nhỏ gọn, dòng điện thoại siêu mỏng Ultra Edition (2006-2007), Samsung E1100 (2009) xếp thứ 9 trong danh sách điện thoại bán chạy nhất mọi thời đại, hay Galaxy i7500 (2009) là smartphone đầu tiên của hãng chạy hệ điều hành Android.
Chỉ chiếm thị phần 2,7% vào năm 1998 nhưng đến năm 2009, thống kê của Gartner cho thấy thị phần Samsung đã đạt 19,5%, trở thành nhà sản xuất điện thoại lớn thứ 2 thế giới sau Nokia.
Ông Lee Kun Hee được mô tả là người lãnh đạo quyết đoán và có tầm nhìn xa rộng. Ảnh: Bloomberg. |
“Chúng ta phải tuyển những người giỏi nhất”
Năm 2008, ông Lee từ chức chủ tịch Samsung sau những bê bối liên quan đến tham nhũng. 2 năm sau, ông quay lại ghế nóng và tiếp tục điều hành tập đoàn.
Năm 2012 đánh dấu 25 năm dẫn dắt Samsung của ông Lee. Trong thời gian ấy, Samsung đã phát triển thành đế chế công nghệ Hàn Quốc khi doanh thu đạt 178,5 tỷ USD, tăng 20 lần so với mức 8,7 tỷ USD năm 1987, tương đương khoảng 15% GDP Hàn Quốc. Cũng trong năm 2012, Samsung Electronics được Interbrand đưa vào danh sách 10 thương hiệu giá trị nhất thế giới.
Trong 27 năm lãnh đạo, ông Lee cũng giúp giá trị Samsung tăng mạnh. Tính đến thời điểm ông lâm bệnh năm 2014, giá trị vốn hóa của Samsung là 282,4 tỷ USD, tăng hơn 350 lần so với con số 797 triệu USD của năm 1987. Tổng doanh thu của tập đoàn trong năm 2014 là 294,7 tỷ USD, giá trị xuất khẩu tăng từ 6,3 tỷ USD lên 156,7 tỷ USD sau 27 năm.
Thập niên 2010 đánh dấu sự bùng nổ của smartphone, đặc biệt sau thành công của dòng iPhone. Nắm bắt điều này, Samsung đã ra mắt Galaxy S, một trong những smartphone Android mạnh nhất thời điểm ấy, đạt doanh số 25 triệu chiếc trên toàn cầu. Sau hơn 10 năm, Galaxy S vẫn là dòng smartphone Android cao cấp, được người dùng ưa thích.
Con trai duy nhất của Chủ tịch Lee Kun Hee đóng vai trò quan trọng trong tương lai của tập đoàn. Ảnh: Reuters. |
Không chỉ trên thị trường di động, Samsung còn trở thành cái tên đi đầu trong lĩnh vực thiết bị điện tử, bóng bán dẫn và chip nhớ.
“Chúng ta phải tuyển những người giỏi nhất. Con người thiên tài trị giá hơn một tỷ USD” là chia sẻ của ông Lee vào năm 2012.
Năm 2014, ông Lee trải qua cơn đau tim và nằm liệt giường. Đó là thời điểm mảng smartphone của Samsung gặp nhiều khó khăn, dưới áp lực phải đổi mới để tồn tại trước sự bành trướng của các đối thủ Trung Quốc. Cũng trong năm đó, ông Lee được Forbes xếp thứ 35 trong danh sách những người đàn ông quyền lực nhất thế giới.
Những năm qua, Lee Jae Yong, con trai của Lee Hee Kun là người dẫn dắt tập đoàn, trên danh nghĩa Phó chủ tịch Samsung. Tuy vướng nhiều bê bối, ông được xem là người đóng vai trò quan trọng đối với những quyết định trong tương lai của tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc. Trọng trách này sẽ còn lớn hơn khi cha ông qua đời.