Dù bận rộn, ông Hoàng Nam Tiến - Chủ tịch công ty FPT Telecom - vẫn thu xếp thời gian bên sách vở. Ông cho rằng trong tình thế giãn cách hiện nay, mọi người có thể tận dụng thời gian ở nhà để nấu ăn, bắt đầu học nghiêm túc một kiến thức mới và đặc biệt là có thêm thời gian đọc sách.
"Giãn cách, tôi dành 1-2 tiếng mỗi ngày để tự học và đọc sách"
- Trong những bức ảnh ông đưa lên mạng xã hội gần đây, có thể thấy không gian làm việc của ông tràn ngập sách. Việc đọc sách có vai trò ra sao với ông trong tình thế giãn cách xã hội, hạn chế tiếp xúc hiện nay?
- Trong khi giãn cách, công ty chúng tôi làm việc tại nhà, trừ trường hợp đặc biệt. Bàn làm việc của tôi ngay trước giá sách. Vào những lúc rảnh một chút, tôi cầm và xem lại những cuốn sách cũ. Có những cuốn sách từ thời ba tôi, có những cuốn sách tôi mua từ khi ngoài 20 tuổi. Có những cuốn được mua khi tôi đi khắp nơi trên thế giới.
- Điều gì khiến ông đọc lại sách cũ vào thời điểm này? Những cuốn sách ông vừa đọc lại là gì?
- Khi đọc sách cũ, tôi tìm thấy những giá trị mới. Có nhiều điều trước đây đọc tôi chưa hiểu hoặc chưa thể chia sẻ. Bây giờ trong hoàn cảnh giãn cách, tôi thấu hiểu hơn những cuốn sách ấy rất nhiều. Không biết lý do gì đó tôi không đọc sách thời thượng trong thời điểm này.
Tôi đọc lại cuốn sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong hoàn cảnh khó khăn, không đầy đủ thông tin, rất khó đoán định tương lai, Bác Hồ vẫn có những dự đoán, quyết sách sáng suốt.
Một trong những cuốn tôi đọc lại không phải một lần, đó là sách của ba tôi (thiếu tướng Hoàng Đan - PV). Ông kể những câu chuyện khi tham gia hai cuộc chiến trong cuốn Những điều đọng lại qua hai cuộc chiến tranh.
Trước đây, tôi đã đọc và tôi rất tâm đắc với những điều ông viết trong sách. Nhưng hôm nay đọc lại, những điều ông viết về hoàn cảnh, suy nghĩ, quyết định, hành động của ông ở các tình thế khác nhau trong chiến tranh làm tôi cảm thấy “sáng ra”, rất phù hợp hoàn cảnh hiện tại của chúng tôi.
Rất nhiều điều ông kể về một trận đánh, một chiến dịch, tôi thấy chia sẻ được nhiều hơn. Tôi cũng thấy mình và mọi người như đang trong một chiến dịch, trận đánh. Khi tôi đang làm việc ở nhà, hàng nghìn đồng nghiệp vẫn trên đường để đảm bảo kết nối giữa mùa phong tỏa, cách ly. Khi này, điện, nước, Internet cũng thiết yếu cho cuộc sống của mọi gia đình.
- Một doanh nhân bận rộn phân chia quỹ thời gian ra sao để có những khoảnh khắc bên sách vở?
- Tôi thường dành 1-2 tiếng mỗi ngày để tự học và đọc sách. Hiện tại, mỗi ngày, tôi học trực tuyến từ 15-45 phút. Tôi theo học qua Coursera (tôi rất mong các bạn trẻ thời gian này hãy học online, trên đó có nhiều chương trình từ lập trình, tiếng Anh, kinh doanh…).
Tôi đang theo học tiến sĩ ở Nhật Bản. Dù đang tạm hoãn vì Covid-19 không thể qua được, tôi tiếp tục học. Thứ ba là tôi dành thời gian đọc sách cũ.
Ngoài đọc lại sách cũ, tôi cũng dành khoảng 30 phút để đọc sách mới. Gần đây nhất, tôi đọc cuốn sách về FOMO (Fear of Missing Out - hội chứng sợ bị bỏ lỡ).
- Hiện nay, nhiều người ở nhà thực hiện giãn cách. Theo ông, họ nên tận dụng thời gian làm gì?
- Nếu được khuyên, tôi khuyên các bạn lên mạng học nấu ăn. Nấu ăn là thú vui tốt, đặc biệt là nấu những món lạ. Nó như là trải nghiệm vậy. Nấu ăn là cách hay, nó kéo mọi người trong gia đình đến với nhau (đôi khi nó cũng giúp ta biết rõ kẻ nào dè bỉu ta khi nấu hỏng).
Đây cũng là dịp hiếm có để ta đặt kế hoạch học nghiêm túc một kiến thức nào đó.
Tất nhiên chúng ta cũng nên đọc sách. Về sách, nên chọn cuốn phù hợp với mình. Có những quyển sách các bạn nghe ai đó nói mãi rồi mà chưa đọc, dịp này hãy ngồi xuống và thử khám phá giá trị của nó.
Ông Hoàng Nam Tiến dành thời gian tự học, đọc sách khi làm việc ở nhà. Ảnh: NVCC. |
Đọc sách để học làm người
- Ông từng chia sẻ đã đọc “Chiến tranh và hòa bình” năm 8 tuổi, đọc nhiều tác phẩm kinh điển trước 10 tuổi. Tình yêu đọc sách của ông đã được hình thành, nuôi dưỡng như thế nào?
- Có lẽ nó xuất phát từ truyền thống gia đình. Tôi thấy ba tôi, ngoài những lúc đi làm, đi chỉ huy chiến đấu, thời gian còn lại bao giờ ông cũng làm hai việc. Một là tăng gia sản xuất, trồng rau và nuôi gà. Hai là đọc sách.
Hồi bé, chúng tôi ít thứ để chơi lắm, ngoài đá bóng không biết chơi cái gì. Tôi tìm thú vui trong việc đọc sách. Hồi đó, có một cuốn sách hay để đọc là điều quý giá và hãnh diện. Sau này, khi lớn lên, khi trong nhà đã có điều kiện để mua thật nhiều sách, sở thích ấy càng được tôi “chiều chuộng”.
Khi đọc lại sách cũ, tôi tìm thấy giá trị mới. Có nhiều điều trước đây đọc tôi chưa hiểu hoặc chưa thể chia sẻ. Bây giờ trong hoàn cảnh giãn cách, tôi thấu hiểu hơn những cuốn sách ấy rất nhiều.
Ông Hoàng Nam Tiến
Con tôi về sau cũng vậy, chúng cũng đọc sách. Tôi “lây” việc đọc truyện tranh từ con. Với tôi, 3 bộ truyện tranh Nhật Bản xuất sắc là: Bộ Tiểu đầu bếp cung đình, bộ Hikira No Go (tên khác là Kỳ thủ cờ vây), và Doraemon. Khi đọc lại Doraemon, tôi cũng có mơ ước giản dị như Nobita: Tôi mở cánh cửa và ngửi thấy mùi biển, sóng biển ở trước mặt trong mùa cách ly này.
- Nhiều người cho rằng lớp trẻ ngày nay bỏ bê đọc sách. Ông nghĩ sao về quan điểm đó?
- Nói về việc đọc sách của giới trẻ, tôi thấy có 3 vấn đề. Thực tế chúng ta chưa hình thành truyền thống đọc sách. Số lượng sách trên đầu người rất nhỏ. Đi ngoài đường, nhìn thấy người cầm sách đọc là hiếm. Ông bà, bố mẹ không đọc sách thì con cái ít đọc.
Thứ hai, hôm nay, thông tin đến không chỉ được dạy, truyền thụ từ ông bà bố mẹ, từ sách, mà còn từ mạng Internet. Việc ít đọc sách lại càng rõ hơn.
Thứ ba, ngày xưa, chúng ta ít sách, còn giờ sách nhiều đến mức một bạn trẻ muốn tìm cuốn phù hợp cũng như bơi trong biển sách vậy. Nhiều sách quá cũng là vấn đề.
Lời khuyên tôi nhận được của anh Lê Doãn Hợp (nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông) đại ý thế này: Để biết thông tin thì đọc báo (và đọc Internet), để học nghề thì phải đọc tạp chí (tạp chí chuyên môn, website chuyên ngành), để học làm người thì cần đọc sách.
Tôi tâm đắc với lời khuyên ấy và mong bạn trẻ tìm được ý nghĩa của việc đọc sách.