Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người hạnh phúc trong giới viết văn

Tác giả "Mắt biếc" là nhà văn hạnh phúc, bởi rất khó tìm ra ai trong giới cầm bút hiện đại ở xứ ta có thể sánh với Nguyễn Nhật Ánh về sách cho thiếu nhi và số lượng người đọc.

Đã có nhiều tuyển các bài viết về Nguyễn Nhật Ánh. Quyển thứ nhất, Nguyễn Nhật Ánh - hoàng tử bé trong thế giới tuổi thơ do Lê Minh Quốc biên soạn, NXB Kim Đồng ấn hành năm 2012 trong tủ sách "Nhà văn của em", 144 trang, khổ 15x21cm.

Cuốn sách tập hợp các thông tin liên quan tiểu sử và hành trình văn chương của Nguyễn Nhật Ánh, đồng thời cung cấp những góc nhìn khác nhau của báo chí, đồng nghiệp trong và ngoài nước về nhà văn.

Quyển 2, Nguyễn Nhật Ánh và tôi, là 42 bài của bạn đọc viết về tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh ảnh hưởng lớn thế nào đến cuộc đời của họ, NXB Trẻ ấn hành năm 2013, khổ 13x20cm.

Quyển 3, Nguyễn Nhật Ánh - hiệp sĩ của tuổi thơ, do Trung tâm ngôn ngữ và văn học - nghệ thuật trẻ em, Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức biên soạn, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2015; khổ lớn 15,5x23,5cm, 362 trang, chọn in 36 bài của các nhà nghiên cứu phê bình, nhà khoa học, nhà giáo.

Quyển 4: Nguyễn Nhật Ánh trong mắt đồng nghiệp, NXB Trẻ, 2017; 366 trang, khổ 15,5 23,5 cm, gồm 74 bài của đồng nghiệp bạn bè của anh là các nhà thơ, nhà văn, nhà báo, nhạc sĩ, đạo diễn… trong và ngoài nước.

Nha van Nguyen Nhat Anh anh 1

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Ảnh: Y.N.

Đến năm 2020, Nguyễn Nhật Ánh đã có 46 đầu sách, phần lớn là cho thiếu nhi (nếu kể những tựa sách có nhiều tập như Kính vạn hoa, Chuyện xứ Lang Biang thì con số này là đến hơn 100 đầu sách), cuốn nào cũng được bạn đọc trẻ đón nhận nồng nhiệt.

Và xem ra, càng về sau, càng nồng nhiệt, khiến cho mỗi cuốn sách ra đời đều là một sự kiện lớn, các em rồng rắn sắp hàng chờ mua và xin tác giả ký tặng mỗi lúc ra sách.

Cuốn sách ấn hành tháng 11/2020, có tên Con chim xanh biếc bay về, NXB Trẻ ấn hành ngay lần đầu đã 150.000 bản, trong đó 20.000 bản đẹp, in bìa cứng đặc biệt. Chưa nói đến hơn 100 đầu sách của anh thường xuyên được tái bản cho các lớp độc giả mới lớn lên đọc.

Là người có hân hạnh quen biết tác giả ngót 30 năm nay, kể từ giữa thập niên 1990, tôi đã quen chứng kiến cách bạn đọc trẻ tuổi mong mỏi đón nhận tác phẩm mới của Nguyễn Nhật Ánh.

Lần nào cũng chỉ có thể nói với anh một câu ngắn gọn: “Anh là người hạnh phúc nhất trong giới người viết văn nói chung, chứ không riêng viết cho thiếu nhi”.

Hạnh phúc nhất, bởi rất khó tìm ra ai trong giới các nhà văn hiện đại ở xứ ta, là người có thể sánh với anh, về sách cho thiếu nhi và số lượng người đọc.

Hạnh phúc lớn nhất của nhà văn là có người đọc

Theo tôi, hạnh phúc lớn nhất của nhà văn, và rộng ra của người viết nói chung, là có người đọc. Lớn nhất và có thể là duy nhất. Cố nhiên, có trường hợp chỉ viết cho một số nhỏ người đọc, cho một đối tượng cụ thể hoặc được khoanh vùng nào đấy, thậm chí chỉ là viết cho riêng mình.

Nhưng ngay cả cho riêng mình, rồi ra cũng sẽ có con đường đến với người đọc, ít hoặc nhiều, bằng một cách nào đó, và bằng con đường nào đó. Để thấy biển sách là gồm rất nhiều chủng loại, là bao la và vô hạn.

Ở đây xin trở lại chỉ với câu chuyện sách văn học, với hạnh phúc của nhà văn là có người đọc. Luôn luôn có người đọc, kể từ khi bắt đầu vào nghề, và không bao giờ là ít - đó là câu chuyện gần như không có gì phải phân vân, bàn cãi khi nói đến Nguyễn Nhật Ánh.

Bởi, số lớn hoặc tất cả đầu sách của anh in ra trong hai thập niên gần đây, đều thuộc con số nhiều chục nghìn, hoặc nhiều trăm nghìn (tính cả tái bản), trong khi, cũng thời gian này, tính từ trước sau thập niên 1990, con số trung bình đáng mơ ước cho mỗi đầu sách văn xuôi (gồm truyện ngắn, tiểu thuyết) của giới nhà văn, cả trong và ngoài Hội Nhà văn Việt Nam (có tổng số trên dưới 1000 hội viên) vẫn chỉ dừng lại ở con số một vài nghìn.

Còn con số trăm là dành cho thơ và nghiên cứu - lý luận - phê bình mà vẫn khó tiêu thụ... nhanh. Một (hoặc vài nghìn) cho một đầu sách trên tổng số dân 95 triệu, đó là tỷ lệ đáng nghĩ.

Phương diện thứ hai cho hạnh phúc của một người viết văn, ngoài số lượng người đọc, đương nhiên, còn là chất lượng. Tôi phải tạm dùng chữ này để nói đến những đặc trưng riêng thuộc lứa tuổi, trình độ nghề nghiệp, phẩm chất chuyên môn.

Trước hết là lứa tuổi. Với Nguyễn Nhật Ánh, đối tượng đọc chủ yếu đó là các lứa tuổi thuộc thế hệ trẻ, gồm cả trước và sau vị thành niên. Một lứa gồm nhiều... lứa. Có vượt được chỗ khó, rất khó đó mới là một cây viết cho thiếu nhi thực thụ và hoàn hảo. Cũng khỏi cần phải nói đây là lứa tuổi chiếm tỷ lệ cao trong tổng số cư dân của dân tộc; và chính là tương lai của dân tộc.

Một đối tượng đọc ở lứa tuổi này, theo tôi nghĩ, đó là hạnh phúc cao nhất của người viết, bởi những gì được gieo trồng ở lứa tuổi này sẽ là hoa thơm quả ngọt cho mọi mùa sau.

Như bất cứ lĩnh vực sáng tạo nào khác, viết cho thiếu nhi cũng là viết cho nhân quần; nhưng đây là cái phần nhân quần thuộc số đông, có thể là chiếm ngót một nửa nhân loại, và quyết định tương lai của nhân loại.

Cái nhân quần mà sự đọc chính là sự lưu giữ gần như nguyên vẹn tất cả những gì đã đến với bộ nhớ tinh khôi của mình, chứ không phải đọc xen, đọc để qua giờ, hoặc đọc rồi quên.

Nhìn lại hơn 60 năm văn học cho thiếu nhi dưới chế độ mới, sau Cách mạng tháng Tám 1945, cho đến thập niên 1990, nếu tính cho thật chặt chẽ ở tư cách tác gia tiêu biểu, thật sự bền bỉ, thật sự sáng danh tôi vẫn chỉ mới thấy có bốn người.

Đó là Tô Hoài từ Dế mèn phiêu lưu ký... và thế giới loài vật ở tuổi ngoài 20 đến bộ ba Nỏ thần, Đảo hoang, Nhà Chử ở tuổi ngoài 60.

Là Nguyễn Huy Tưởng với những mảng truyện cổ tích và lịch sử viết cho thiếu nhi vào cuối đời, như là sự gắn nối với những truyện và kịch lịch sử viết cho người lớn ở đầu đời.

Là Võ Quảng trong 40 năm theo đuổi thầm lặng, với một chuyên tâm rất đáng trọng nể trước và sau đỉnh cao Quê nộiTảng sáng ở tuổi ngoài 50.

Là Phạm Hổ, người có tài làm mới những cổ tích cho các em, và kể rất hay những “chuyện hoa - chuyện quả”…

Chung quanh “bộ tứ” trên là rất nhiều tên tuổi cũng đáng trọng nể trong nền văn học thiếu nhi có lịch sử chỉ hơn 60 năm ở xứ ta. Nhưng sau các vị, và tiếp tục tạo được sức hấp dẫn từ các tên sách của các vị là ai trong hai thập niên mở đầu thế kỷ mới này?

Rõ ràng nếu sự thưa vắng của đội ngũ viết là có thật, thì cũng có một sự thật khác, làm nên sự bù đắp, hoặc cân bằng - đó là những tên sách của Nguyễn Nhật Ánh, những tên sách gọi tên sách, với Tôi là Bêtô, Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Lá nằm trong lá, Ngồi khóc trên cây, Chúc một ngày tốt lành, Bảy bước tới mùa hè, Cảm ơn người lớn, Làm bạn với bầu trời

Những tên sách luôn nằm trong sự chờ đợi mong mỏi của bạn đọc trẻ tuổi, qua hình ảnh những hàng người rồng rắn xếp hàng xin chữ ký tác giả như tôi đã nói ở phần trên.

GS Phong Lê / NXB Trẻ

SÁCH HAY