Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ông Duterte đề cập phán quyết Biển Đông gây bất ngờ lẫn hoài nghi

Trong bài phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Tổng thống Duterte đã quyết liệt bảo vệ phán quyết năm 2016 trong vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc về vấn đề Biển Đông.

Giữa sức ép gia tăng từ tình hình trong nước, Tổng thống Rodrigo Duterte ngày 22/9 bất ngờ đề cập đến phán quyết Biển Đông trong bài phát biểu đầu tiên của mình tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.

"Phán quyết giờ là một phần của luật pháp quốc tế, vượt qua những thỏa hiệp và vượt khỏi tầm các chính phủ muốn xóa nhòa, suy yếu hay bãi bỏ nó", ông Duterte nhấn mạnh trong bài diễn văn được phát tại phiên họp toàn thể trực tuyến của Đại hội đồng.

Ong Duterte de cap phan quyet Bien Dong anh 1

Tổng thống Rodrigo Duterte ngày 22/9 có bài phát biểu đề cập đến phán quyết Biển Đông tại Liên Hợp Quốc. Ảnh: AP.

"Chúng tôi kiên quyết bác bỏ mọi nỗ lực làm suy yếu phán quyết này. Chúng tôi hoan nghênh việc ngày càng nhiều quốc gia ủng hộ phán quyết và những điều mà nó đại diện - chiến thắng của lý lẽ trước hung hăng, của luật pháp trước sự mất trật tự, của tình thân ái trước tham vọng", ông nói.

Hành động đã nhận được sự tán dương từ cả những người thường xuyên chỉ trích ông, theo South China Morning Post.

Trong khi đó, theo lưu ý của một chuyên gia, bài phát biểu của tổng thống Philippines cũng cần đặt trong bối cảnh ông đang chịu nhiều sức ép trong nước, cụ thể là đại dịch Covid-19 và hình ảnh ngả quá nhiều về Trung Quốc những năm qua.

Bài phát biểu gây bất ngờ

Những người phản đối Tổng thống Duterte thời gian qua đã lên tiếng khen ngợi bài phát biểu đầy bất ngờ tại Liên Hợp Quốc. Một số nhân vật đề xuất ông đi xa hơn và kêu gọi ủng hộ quốc tế.

Cựu thẩm phán Tòa án Tối cao Philippines Antonio Carpio kỳ vọng ông Duterte sẽ hành động quyết liệt hơn "trong vấn đề bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế, đàm phán Bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông (COC), và tập hợp ủng hộ quốc tế cho thực thi phán quyết".

Albert del Rosario, cựu ngoại trưởng Philippines, cũng kêu gọi ông Duterte tập hợp nhiều hơn nữa sự ủng hộ từ các nước khác để phán quyết Biển Đông thu hút thêm sự chú ý tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc năm 2021.

Theo ông Collin Koh, chuyên gia của Trường Nghiên cứu Quốc tế Rajaratnam ở Singapore, bài phát biểu ngày 22/9 sẽ giúp ông Duterte giảm những chỉ trích trong nước. Ông cũng tạm thời đánh lạc hướng dư luận khỏi các vấn đề nội bộ như ứng phó đại dịch còn bất cập và luật chống khủng bố gây tranh cãi về xâm phạm quyền tự do.

Đại sứ Philippines tại Liên Hợp Quốc Chito Romana nhấn mạnh bài phát biểu của Tổng thống Duterte là bằng chứng cho chính sách đối ngoại độc lập mà Philippines đang theo đuổi.

"Bài phát biểu thể hiện cách tiếp cận chiến lược là ủng hộ Liên Hợp Quốc giữa giai đoạn căng thẳng leo thang toàn cầu, kêu gọi đảm bảo luật pháp quốc tế và giải quyết các bất đồng một cách hòa bình", ông Romana chia sẻ.

"Bài phát biểu cũng đại diện cho chính sách phát triển quan hệ hữu nghị với mọi quốc gia, đồng thời kiên định lập trường trong những vấn đề liên quan đến chủ quyền quốc gia và quyền chủ quyền", ông nhấn mạnh.

Ong Duterte de cap phan quyet Bien Dong anh 2

Tàu hải cảnh Trung Quốc hoạt động ở khu vực bãi cạn Scarborough vào tháng 4/2017. Ảnh: Reuters.

Không có thay đổi với Trung Quốc

Theo Collin Koh, ông Duterte có thể đã khiến Bắc Kinh khó chịu sau hành động này. Tuy nhiên, phía Trung Quốc có thể không trả đũa bài phát biểu của tổng thống Philippines.

"Sau bài phát biểu, nhiều khả năng chính quyền ông Duterte vẫn tiếp tục chính sách quan hệ từ trước đến nay với Bắc Kinh trên nhiều phương diện, đặc biệt là vấn đề kinh tế", ông nhắc rằng Tổng thống Duterte từ năm 2016 đã cam kết với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ gác lại phán quyết Biển Đông nhằm xây dựng quan hệ hữu nghị.

"Chính quyền của ông Duterte đã có những tín hiệu mong muốn tạo quan hệ thân thiết với Bắc Kinh, điển hình là chỉ thị cho lực lượng vũ trang hạn chế tập trận chung với những nước khác bên ngoài giới hạn 12 hải lý lãnh hải trên Biển Đông", Collin Koh nhận định.

Trước bài phát biểu của Tổng thống Duterte, Ngoại trưởng Teodoro Locsin Jr. vẫn bác bỏ khả năng đề cập phán quyết Biển Đông tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Ông nói Philippines chắc chắn thua vì "Liên Hợp Quốc áp đảo bởi những nước trân trọng Trung Quốc đã hào phóng viện trợ phát triển".

Theo Collin Koh, Bắc Kinh sẽ không phản ứng vì "họ biết đang có lợi thế, không chỉ về kinh tế mà còn thực tế là họ đang hiện diện dài hạn ngay trong vùng đặc quyền kinh tế Philippines". Các hoạt động hàng hải trái phép khác của Trung Quốc cũng không vấp phải phản ứng quyết liệt từ Manila.

Theo một quan chức Philippines giấu tên, quan hệ song phương với Trung Quốc hiện "đủ mạnh để vượt qua những khác biệt này". Ông nói các vấn đề bất đồng giữa hai nước "không trở thành vật cản trong phát triển hữu nghị và hợp tác".

Bên cạnh đó, ông Duterte từ năm 2019 đã thông báo lại lập trường của mình về phán quyết Biển Đông cho ông Tập. Nguồn tin cho biết hai nhà lãnh đạo đã "chấp nhận vẫn còn bất đồng" và tình hình sắp tới sẽ không thay đổi.

Mỹ công bố video suýt va chạm tàu Trung Quốc trên Biển Đông Hải quân Mỹ công bố đoạn video cho thấy binh sĩ Trung Quốc đã chủ động chuẩn bị phao bảo vệ khi tàu chiến hai nước tiến sát nhau trên Biển Đông tháng 10/2018.

Đối đầu tàu ngầm - tâm điểm chiến lược của Mỹ, Trung ở Biển Đông

Mỹ hé lộ chiến lược nhằm đối phó với lực lượng tàu ngầm của Trung Quốc, sức mạnh chính trong năng lực răn đe của Bắc Kinh ở Biển Đông.

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ: Yêu sách của TQ ở Biển Đông là 'lố bịch'

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ nói các yêu sách của Bắc Kinh ở Biển Đông là "lố bịch" và thông báo sắp gặp các đồng cấp Nhật Bản, Ấn Độ và Australia để tăng cường hợp tác quốc phòng.

Hồ sơ bất hảo của công ty xây đảo nhân tạo ở Biển Đông

Giới chức Mỹ nêu đích danh Công ty Xây dựng Giao thông Trung Quốc (CCCC) là nhà thầu dẫn đầu các hoạt động xây đắp đảo nhân tạo và hỗ trợ quân sự hóa trái phép trên Biển Đông.

Thanh Danh

Bạn có thể quan tâm