Ông Robert O'Brien nói yêu sách của Trung Quốc đối với gần như toàn bộ Biển Đông đã bị "mọi nước lớn, mọi quốc gia đi lại trên biển bác bỏ", trong cuộc thảo luận trực tuyến với Paula Dobrianky, Phó chủ tịch Trung tâm Chiến lược và An ninh Scowcroft thuộc tổ chức nghiên cứu Hội đồng Đại Tây Dương.
"Nó đã bị [tòa án] Luật Biển bác bỏ, và bây giờ Trung Quốc tổ chức các cuộc tập trận quân sự ở những vùng biển này, nơi họ coi như vùng biển nước họ, nhưng thực tế hoàn toàn không phải vậy", ông nói, theo South China Morning Post.
Ông đề cập đến phán quyết của tòa trọng tài tại The Hague năm 2016, xác định Trung Quốc không có "quyền lịch sử" tại Biển Đông.
Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Robert O'Brien. Ảnh: AP. |
"Mỹ sẽ không từ bỏ các nguyên tắc lâu nay của mình rằng các tuyến đường biển và vùng biển quốc tế của thế giới phải được tự do đi lại, tương tự với đường không và quyền di chuyển trong không phận quốc tế", ông nói.
Đây là câu trả lời của ông O'Brien khi được hỏi về cáo buộc của Trung Quốc rằng máy bay do thám U-2 của Mỹ đi vào vùng cấm bay mà không xin phép trong cuộc tập trận bắn đạn thật của hải quân Trung Quốc ở vịnh Bột Hải, cũng như tin Trung Quốc sau đó phóng hai tên lửa, bao gồm một "sát thủ diệt tàu sân bay", vào Biển Đông.
Trước đó, chính quyền Trump tuyên bố các yêu sách biển của Trung Quốc tại Biển Đông là "hoàn toàn phi pháp".
Ông O’Brien cho biết các cuộc gặp cấp cao của nhóm "Bộ Tứ Kim cương", bao gồm Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ, đang được lên kế hoạch thực hiện vào tháng 9 và tháng 10.
"Nhóm 'Bộ Tứ' đang thực sự thành hình… là một trong những sáng kiến ngoại giao thú vị nhất và… là một trong những lĩnh vực có nhiều khả năng thành công và mang lại lợi ích lớn trong tương lai", ông nói. "Vì vậy, tôi sẽ họp với các đối tác của mình, có thể là ở Hawaii vào tháng 10, với [cố vấn an ninh quốc gia của] các nước đó".
"Tôi nghĩ [Ngoại trưởng Mike Pompeo] sẽ gặp ngoại trưởng các nước đó trong tháng 9 và tháng 10", ông cho biết thêm. "Chúng tôi rất chú trọng những liên minh đó".
Ông Pompeo đã làm việc với các bộ phận trong chính quyền Trump để thách thức các yêu sách của Bắc Kinh ở Biển Đông. Hôm 26/8, ông công bố biện pháp trừng phạt đối với các thực thể Trung Quốc bao gồm Công ty Xây dựng Giao thông Trung Quốc (CCCC), gọi hành động này là phản ứng đối với việc Bắc Kinh "quân sự hóa" đảo, đá thành tiền đồn ở Biển Đông.
Thông báo đó bao gồm tin Bộ Thương mại Mỹ đã bổ sung 24 công ty quốc doanh Trung Quốc, được xác định là lực lượng chủ lực trong việc xây dựng các tiền đồn này, vào danh sách thực thể mà các doanh nghiệp Mỹ buộc phải hạn chế giao dịch.