Harry Roque, người phát ngôn của Tổng thống Rodrigo Duterte, ngày 16/8 bất ngờ cho cho biết nhà lãnh đạo 73 tuổi "có nguyện vọng từ chức" nếu như người kế nhiệm ông đủ năng lực lèo lái đất nước, theo Reuters.
Người phát ngôn cho biết chính trị gia Ferdinand Marcos Jr, được biết đến với biệt danh "Bongbong", là một trong những nhân vật được ông Duterte đánh giá cao.
Bongbong Marcos về nhì trong cuộc tranh cử phó tổng thống năm 2016 trước lãnh đạo đảng đối lập Lenni Roberdo. Ông đã gửi đơn cáo buộc kết quả kiểm phiếu có sai phạm và yêu cầu Tòa án Tối cao Philippines tổ chức kiểm lại toàn bộ phiếu bầu. Quá trình này đã được xúc tiến vào tháng 4 vừa qua và có thể kéo dài vài năm.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. Ảnh: Reuters. |
"Nếu kháng nghị thành công và ông ấy (Bongbong Marcos) giành chiến thắng, ghế phó tổng thống sẽ thuộc về ông ấy. Khi đó, tổng thống sẽ giữ lời hứa của mình", Roque trả lời tại buổi họp báo tại thủ đô Manila.
Nhiệm kỳ của ông Duterte kết thúc vào tháng 6/2022. Tuy nhiên, thời gian qua, cựu thị trưởng thành phố Davao đã nhiều lần đề cập đến khả năng từ chức.
Tại hai sự kiện trong ngày 14/8, ông Duterte đều nói ông "sẵn sàng ra đi". Ông chia sẻ rằng bản thân rất thất vọng khi không thể chiến thắng trong cuộc chiến chống ma túy và tình trạng tham nhũng trong chính phủ.
Ông chần chừ không từ chức vì người kế nhiệm ông sẽ là lãnh đạo đối lập Phó Tổng thống Leni Roberdo. Ông cho rằng nữ chính trị gia này không đủ khả năng thay thế ông gánh vác trọng trách lãnh đạo đất nước.
Ông Ferdinand "Bongbong" Marcos thất bại trong cuộc tranh cử phó tổng thống năm 2016. Ảnh: Reuters. |
Marcos đã gửi lời cảm ơn đến Tổng thống Duterte vì sự tin tưởng dành cho mình. Tuy nhiên, ông nói nhà lãnh đạo cứng rắn của Philippines nên ở lại đến hết nhiệm kỳ.
"Người dân vẫn cần ông ấy bảo vệ cuộc sống của họ và lợi ích của đất nước", Marcos nhấn mạnh.
Cựu nghị sĩ 60 tuổi đến từ vùng Ilocos Norte chính là con trai của nhà độc tài Ferdinand Marcos.
Ông lãnh đạo Philippines từ năm 1972-1981 trước khi bị lật đổ bởi phong trào "Quyền lực Nhân dân" được chống lưng bởi quân đội. Trong 14 năm đặt đất nước dưới tình trạng thiết quân luật, chính quyền của cựu tổng thống Philippines bắt giam hơn 70.000 người và ra lệnh xử tử 3.240 người, theo tổ chức Ân xá Quốc tế.
Cựu tổng thống Marcos bị chỉ trích vì lối sống xa xỉ và những chính sách kinh tế sai lầm, khiến nợ quốc gia tăng vọt từ 2 tỷ USD lên 30 tỷ USD. Tuy nhiên, ông đã thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng và chất lượng cuộc sống tại quê nhà Ilocos Norte, khiến người dân nơi đây luôn dành sự ủng hộ cho dòng họ Marcos.