Gần hai năm sau khi Trung Quốc cam kết đầu tư 24 tỷ USD cho Philippines, hầu như không có dự án nào được hiện thực hóa. Điều này làm dấy lên những quan ngại sâu sắc rằng Tổng thống Rodrigo Duterte đã đánh đổi lợi ích chủ quyền mà không nhận lại được "món quà" nào đáng giá.
"Bị Trung Quốc lợi dụng"
Trong số 27 thỏa thuận được ký kết giữa Trung Quốc và Philippines trong chuyến thăm của ông Duterte đến Bắc Kinh vào tháng 10/2016, Trung Quốc đã đồng ý cho Philippines vay 9 tỷ USD với lãi suất thấp, bao gồm cả khoản tín dụng trị giá 3 tỷ USD với Ngân hàng Trung Quốc. Ngoài ra, Trung Quốc cam kết đầu tư trực tiếp vào các dự án đường sắt, cảng, năng lượng và khai thác mỏ với tổng trị giá 15 tỷ USD, dù không nêu cụ thể thời gian.
Kể từ đó, Philippines chỉ được giải ngân một thỏa thuận vay với Trung Quốc trị giá 73 triệu USD cho dự án thủy lợi ở phía bắc thủ đô Manila, theo Bộ trưởng Kế hoạch Kinh tế Ernesto Pernia. Hai cây cầu ở Manila được xây bằng số tiền viện trợ 75 triệu USD của Trung Quốc khánh thành vào tuần trước.
Quá trình giải ngân từ Trung Quốc "có vẻ chậm hơn" so với việc nhận viện trợ từ các nước khác như Nhật Bản, ông Pernia cho biết tại một cuộc họp báo hồi đầu tháng này.
Tổng thống Duterte và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh tháng 10/2016. Ảnh: Reuters. |
Tổng thống Duterte đã nhiều lần nói rằng hỗ trợ tài chính của Trung Quốc là lý do chính để Manila xa rời Mỹ và châu Âu, các mối quan hệ mà ông nói không tạo ra lợi ích vật chất cho Philippines. Tuy nhiên, trong khi Bắc Kinh vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Philippines, khi nói đến đầu tư trực tiếp nước ngoài, Trung Quốc vẫn xếp sau Nhật Bản, Mỹ, Hà Lan, Hàn Quốc và Singapore.
Là đồng minh chính thức duy nhất của Philippines, Mỹ cũng là đối tác an ninh chủ chốt, cung cấp những hỗ trợ thiết yếu cho lực lượng vũ trang đảo quốc vào năm 2017 khi họ chiến đấu với hàng trăm chiến binh Hồi giáo đang chiếm lấy thành phố Marawi.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc bác bỏ cáo buộc rằng họ đã không tuân thủ các cam kết đầu tư của mình tại Philippines, chỉ ra các dự án cầu và thủy lợi.
"Quan hệ Trung Quốc - Philippines liên tục được củng cố và đi vào chiều sâu", Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói trong một tuyên bố gửi qua email. "Trung Quốc coi trọng việc hợp tác hữu nghị với Philippines và tích cực hỗ trợ kế hoạch 'Xây dựng Lớn, Xây dựng Mạnh' của Tổng thống Duterte".
Chuyến thăm Bắc Kinh của ông Duterte vào năm 2016 được xem là bước ngoặt trong nhiệm kỳ của ông, củng cố việc Philippines xa rời" Mỹ và "xoay trục" về Trung Quốc. Những người chỉ trích cáo buộc ông không phản ứng mạnh mẽ sau khi Bắc Kinh cho máy bay ném bom đến lãnh thổ mà Philippines tuyên bố chủ quyền và củng cố sự hiện diện ở Biển Đông.
"Dưới thời Duterte, Philippines đã có những nhượng bộ về địa chính trị", ông Richard Heydarian, chuyên gia tại Viện nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Stratbase ADR (ADRi) ở Manila, nhận xét. "Chúng tôi đã bị Trung Quốc lợi dụng".
"Trái đắng" cam kết đầu tư
Uy tín của Trung Quốc tại Philippines đã sụt giảm nghiêm trọng khi sự tin tưởng dành cho Bắc Kinh giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 4/2016, vài tháng trước khi ông Duterte đắc cử tổng thống, theo một khảo sát của tổ chức Social Weather Station trên 1.200 người hồi cuối tháng 6. Gần 9 trong số 10 người nói rằng họ muốn Philippines mạnh mẽ khẳng định những tuyên bố chống lại Trung Quốc trên Biển Đông.
Đối với Alvin A. Camba, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Johns Hopkins, thời điểm không phải là vấn đề. Thước đo thực sự là đầu tư trực tiếp nước ngoài hàng năm từ Trung Quốc và Hong Kong, vốn đã đạt 800 triệu USD, gần bằng hai phần ba số tiền đầu tư dưới thời chính quyền trước.
"Không nên có bất cứ kỳ vọng nào về việc những thỏa thuận này sẽ được hoàn thành, hoặc sắp hoàn thành", ông Camba, người từng viết rất nhiều về đầu tư của Trung Quốc tại Philippines, trả lời qua email. "Mở cửa nền kinh tế cho FDI của Trung Quốc là bước đi đúng đắn".
Tuy nhiên, một số thỏa thuận thuộc loại lớn nhất dường như không được thực hiện.
Nhiều ý kiến cho rằng ông Duterte đã đánh đổi chủ quyền đất nước nhưng không nhận lại được gì đáng kể từ Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg. |
Greenergy Development Corp., công ty có trụ sở tại Mindanao, đã ký thỏa thuận để xây dựng một nhà máy thủy điện 300 MW trị giá 1 tỷ USD với Power China, doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc trong lĩnh vực điện năng, vào tháng 10/2016.
Khi Power China yêu cầu lùi thời hạn đặt ra ban đầu cho dự án đến vài lần hồi tháng 1/2017, Cerael Donggay, giám đốc điều hành của Greenergy, đã đồng ý.
"Lần gia hạn cuối cùng là đến tháng 2/2017 và vẫn không có gì xảy ra, vì vậy chúng tôi đã chấm dứt thỏa thuận", ông Donggay nói trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại. Ông cũng cho biết thêm rằng công ty của ông đang đàm phán với một công ty ở Hong Kong để hoàn thành dự án.
Một trong những nhà khai thác niken lớn nhất Philippines, Global Ferronickel, đã ký một thỏa thuận với Tập đoàn Baiyin Nonferrous (trụ sở tại Cam Túc, Trung Quốc, chuyên khai thác quặng đồng) vào tháng 10/2016 để thăm dò việc xây dựng một nhà máy thép không gỉ ở Philippines với tổng vốn đầu tư lên tới 700 triệu USD.
"Dự án đang bị trì hoãn", chủ tịch Ferronickel Dante Bravo cho biết, bởi vì chính phủ vẫn chưa gỡ bỏ sắc lệnh cấm các dự án khai thác mỏ mới. "Đó là một dự án nhiều tiềm năng. Chúng tôi phải thuyết phục họ rằng dự án thực sự khả thi", ông Bravo nói.
Một thỏa thuận khác được ký kết vào tháng 10/2016 là kế hoạch trị giá 780 triệu USD nhằm nâng cao ba hòn đảo từ một khu vực bị ngập nước ở Davao, quê nhà ông Duterte. Kế hoạch bị hủy bỏ vào tháng 7/2017 sau khi thị trưởng thành phố đồng thời là con gái tổng thống, Sara Duterte-Carpio, cho biết một nghiên cứu đánh giá dự án không khả thi về mặt thương mại.
"Sau sự hưng phấn chào đón những tuyên bố đó trong năm 2016, chúng tôi nhận ra rằng những cam kết đầu tư của Trung Quốc đã bị thổi phồng quá mức", chuyên gia Heydarian của ADRi cho biết. "Trước mắt, tôi nghĩ Nhật Bản, Mỹ và các nước khác ở châu Âu vẫn là những nhà cung cấp đầu tư nước ngoài chính tại Philippines".