Kế hoạch hiện đại hóa quân đội do Tổng thống Duterte khởi xướng được giới chức quốc phòng Philippines xác nhận hôm 20/6.
"Chúng tôi phải mua sắm những thiết bị hoàn toàn mới, như tiêm kích, máy bay không người lái, xe tăng, radar, tàu khu trục và tàu ngầm để tăng cường năng lực quốc phòng", Straits Times dẫn lời một quan chức quân sự Philippines giấu tên cho biết.
Tàu chiến Sierra Madre từ thời Chiến tranh thế giới 2 từng được Philippines triển khai ở Biển Đông. Ảnh: Phil Star. |
Kế hoạch 5 năm của ông Duterte bao gồm 33 dự án hiện đại hóa quân đội, tập trung vào cải thiện an ninh nội địa và bảo vệ đường biên giới trên biển của Philippines, quốc gia quần đảo nằm ở Tây Thái Bình Dương.
Manila có kế hoạch mua 4 tàu ngầm mới sau năm 2023, tuy nhiên kế hoạch này có thể được đẩy nhanh trong bối cảnh tranh chấp trên biển với Trung Quốc. Các thiết bị khác được ưu tiên bao gồm máy bay giám sát không người lái, tiêm kích tuần tra tầm xa và tàu tuần tra bờ biển.
Quân đội Philippines hiện đối mặt với nhiều thách thức. Ở trong nước, Manila đang truy quét lực lượng phiến quân Hồi giáo và ngăn chặn hình thức chiến tranh nổi dậy tại khu vực nông thôn. Trên Biển Đông, Philippines phải đối phó với các động thái ngày càng gia tăng từ phía Trung Quốc.
Quân đội Philippines chiến đấu chống lực lượng phiến quân Hồi giáo Maute. Ảnh: Inquirer. |
Trong giai đoạn 2010 - 2016, Philippines dưới thời Tổng thống Benigno Aquino từng chi 1,7 tỷ USD để hiện đại hóa lực lượng vũ trang. Tuy nhiên, quân đội Philippines vẫn ở trong tình trạng lạc hậu với nhiều tàu chiến từ thời Thế chiến II và trực thăng có tuổi đời từ thập niên 1960.
Philippines nhận viện trợ quân sự từ Mỹ, Trung Quốc, Nga, Australia và Nhật Bản, chủ yếu để ứng phó với các thảm họa thiên nhiên, đối phó với nạn cướp biển và các nhóm phiến quân trong nước.