Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Ông Draghi 'sập bẫy' và sự sụp đổ khó ngờ của chính phủ Italy

Quyết định từ chức của thủ tướng Italy khiến dư luận nước này dậy sóng. Trong khi đó, không ai dám chịu trách nhiệm cho sự sụp đổ của chính phủ hiện tại.

thu tuong Italy tu chuc anh 1

Thủ tướng Mario Draghi được các thành viên nội các hoan nghênh khi đến Quốc hội vào ngày 21/7. Ảnh: AP.

"Ông Draghi tự kết thúc” là tiêu đề bài viết được đăng trên trang nhất của tờ báo bảo thủ Il Tempo, ngay sau khi Thủ tướng Italy Mario Draghi từ chức lần hai. Ngược lại, trang tin đối thủ La Stampa gọi ông là nạn nhân của một vụ tấn công chính trị, cho rằng chính phủ của ông đã bị "nhấn chìm".

Việc ai chịu trách nhiệm cho sự sụp đổ của vị thủ tướng, từng là cựu giám đốc đáng kính của Ngân hàng Trung ương châu Âu, đang là chủ đề tranh luận gay gắt giữa các chính trị gia Italy, trong bối cảnh dư luận dậy sóng vì sự sụp đổ của liên minh cầm quyền.

Các cuộc thăm dò vào tuần trước cho thấy người Italy hoàn toàn muốn ông Draghi tiếp tục tại vị để dẫn dắt đất nước vượt qua các thách thức kinh tế và địa chính trị, hơn là tiến hành một cuộc bỏ phiếu sớm.

Sự sụp đổ khó tin

Lorenzo Pregliasco, người sáng lập YouTrend, cơ quan phân tích và thăm dò chính trị có trụ sở tại Turin, cho biết: “Sự sụp đổ của chính phủ đã được dự đoán, nhưng cách nó xảy ra thật khó tin, ngay cả theo tiêu chuẩn của Italy. Không ai thực sự muốn chịu trách nhiệm về điều này".

Tuy nhiên, các nhà phân tích chính trị cho rằng tính toán sai lầm của đảng Phong trào 5 sao, sự chính trực và bản chất không khoan nhượng của ông Draghi, kết hợp với chủ nghĩa chính trị thực dụng từ đảng Liên đoàn cực hữu của ông Matteo Salvini, đã khiến chính quyền hiện tại sụp đổ.

thu tuong Italy tu chuc anh 2

Thủ tướng Italy Mario Draghi (trái) cùng Ngoại trưởng Luigi Di Maio. Ảnh: Bloomberg.

Quyết định từ chức và giải tán Quốc hội của ông Draghi được đưa ra vào ngày 21/7, sau khi Phong trào 5 sao (M5S), chính đảng lớn thứ hai trong liên minh cầm quyền của ông Draghi, cùng đảng Liên đoàn và đảng trung hữu Forza, quyết định tẩy chay cuộc bỏ phiếu tín nhiệm ở Quốc hội.

Trước đó, ông Draghi đã kêu gọi bỏ phiếu tín nhiệm sau khi cáo buộc những đảng này cố gắng phá hoại chương trình nghị sự của chính phủ và yêu cầu họ tuân theo các kế hoạch cải cách của ông.

Trong khi đó, sau một ngày tranh luận gay gắt hôm 20/7, lãnh đạo đảng Liên đoàn cực hữu Salvini đã nắm bắt cơ hội từ bỏ liên minh cầm quyền, vốn ngày càng khiến ông không hài lòng, và thúc đẩy các cuộc bầu cử sớm, tạo cơ hội cho các đảng cánh hữu chiến thắng.

Theo giáo sư Daniele Albertazzi, Đại học Surrey (Anh), Thủ tướng Draghi đã “sa vào một cái bẫy”. Đảng Liên đoàn “không gây ra điều này, tất cả đều được dọn sẵn cho họ”.

Trong khi đó, ông Roberto D’Alimonte, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Luiss (ở Rome), nói rằng phe cánh hữu ở Italy tin tưởng “họ sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tiếp theo. Họ đã nhận được một cơ hội vàng”.

Không nhân nhượng

Ông Draghi, 74 tuổi, được bổ nhiệm chức thủ tướng vào đầu năm 2021, để dẫn dắt Italy vượt qua cuộc khủng hoảng Covid-19.

Ban đầu, liên minh đa đảng của ông giành được nhiều thành tựu, thúc đẩy phục hồi kinh tế mạnh mẽ từ mức suy giảm 9% GDP năm 2020, đồng thời giành được sự chấp thuận của Brussels đối với chương trình cải cách kinh tế, mở ra 200 tỷ euro trong quỹ phục hồi Covid-19 của EU.

thu tuong Italy tu chuc anh 3

Thủ tướng Mario Draghi đến dinh tổng thống vào ngày 21/7. Ảnh: Reuters.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng ông đã thất vọng vì gặp khó khăn khi đàm phán với liên minh về việc cải cách, bao gồm tăng cường kiểm soát đăng ký tài sản để thu thuế, bán đấu giá các bãi biển sinh lợi và ban hành luật cạnh tranh mới.

Lập trường cứng rắn của ông chống lại xung đột Nga - Ukraine cũng khiến các bên lo ngại. Đảng Phong trào 5 sao và đảng Liên đoàn được cho là có mối liên hệ với Moscow.

Cuối cùng, căng thẳng bùng lên vào tuần trước khi đảng Phong trào 5 sao tẩy chay một cuộc bỏ phiếu về gói viện trợ 26 tỷ euro để ứng phó với lạm phát.

Các nhà phân tích cho rằng lãnh đạo đảng này, ông Giuseppe Conte, đã giận dữ vì sự chia rẽ trong nội bộ và muốn quyết đoán hơn để chống đỡ nền tảng quyền lực đang dần sụp đổ. “Đảng Phong trào 5 sao đã rạn nứt, chia rẽ và mất phương hướng vì một nhà lãnh đạo yếu kém”, Pregliasco nói.

Điều mà ông Conte dường như không mong đợi là Thủ tướng Draghi cảm thấy buộc phải từ chức ngay lập tức, dù dự luật đã được thông qua bất chấp sự phản đối của đảng Phong trào 5 sao.

Những người ủng hộ Draghi cho rằng ông không còn nhiều lựa chọn sau động thái phản đối của một đồng minh quan trọng như vậy. Thủ tướng cũng tức giận vì đảng Liên đoàn đã ủng hộ một cuộc đình công của các tài xế taxi nhằm phản đối dự thảo luật cạnh tranh.

Tuy nhiên, ông D’Alimonte cho rằng đơn từ chức đầu tiên của Thủ tướng Draghi là một sai lầm. “Tôi hiểu lý do, ông ấy cảm thấy mệt mỏi vì bị chia rẽ nên muốn kết thúc trận chiến của họ. Nhưng nếu ở trong vị trí của ông ấy, tôi sẽ không làm vậy".

Tổng thống Sergio Mattarella đã bác bỏ đơn từ chức của thủ tướng vào tuần trước, nhưng chỉ thị yêu cầu ông Draghi kêu gọi Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm trong tuần này đã đẩy cuộc khủng hoảng đến đỉnh điểm.

Trong một bài phát biểu trước Quốc hội hôm 20/7, ông Draghi dùng giọng điệu cứng rắn, chỉ trích các thành viên liên minh và khẳng định chỉ sẵn sàng ở lại nếu họ ủng hộ chương trình cải cách của ông.

“Ông ấy đến gặp Quốc hội mà không có bất kỳ thương lượng nào. Những gì ông ấy làm là nói với họ rằng ‘tôi sẽ không nhân nhượng, nếu không thích, hãy tự quản lý chính phủ'”, Albertazzi nói.

Trong khi đó, đối với các đảng thiên hữu của Italy, sức hấp dẫn của một cuộc bầu cử chớp nhoáng và việc thoát khỏi liên minh cầm quyền là rất lớn. “Họ đã lợi dụng cuộc khủng hoảng do đảng Phong trào 5 sao gây ra để giật dây”, ông Pregliasco cho biết.

Song các nhà phân tích cho rằng các bên có thể phải trả giá khi “nhấn chìm” một trong những nhà lãnh đạo nổi tiếng và được kính trọng nhất trong lịch sử thời hậu chiến của Italy.

Sau tất cả biến động kịch tính trên chính trường Italy, dòng tiêu đề u ám trên trang nhất của tờ La Repubblica vào sáng 21/7 có thể tóm tắt tâm trạng cả đất nước: “Italy bị phản bội”.

Lý do chính phủ Italy sụp đổ

Sau khi chính phủ liên minh của Thủ tướng Mario Draghi tan rã, chính trường Italy rơi vào cảnh vô định. Các đảng thiên hữu nhiều khả năng sẽ cầm quyền trong cuộc bầu cử sớm.

16 thành phố ở Italy phát cảnh báo đỏ

Italy ngày 22/7 phải đối mặt với ngày có nhiệt độ cao nhất trong đợt nắng nóng lần này, buộc 16 thành phố phải phát cảnh báo đỏ, theo AFP.

Hải Linh

Theo Financial Times

Bạn có thể quan tâm