Ông chủ trẻ mới khởi nghiệp đã gặp nạn
Ế ẩm, không cân bằng được chi tiêu, tiền lãi vay chất chồng khiến không ít bạn trẻ mới khởi nghiệp đã phải ngừng kinh doanh.
Sa lầy vào nợ nần
Thành lập và hoạt động được hơn hai năm, cách đây khoảng 3 tháng, công ty của anh Nguyễn Bảo Tình - chuyên cung cấp và lắp đặt thiết bị điện nước và dịch vụ du lịch tại khu vực Hoàng Mai (Hà Nội) - phá sản do nợ nần chồng chất. Anh Tình cho biết, trước đây cũng đã đi làm tại một số chỗ, thu nhập được cho là khá ổn định so với những người bạn cùng học nhưng có chí kinh doanh, làm giàu nên anh vay mượn tiền bạn bè, người thân để mở một công ty riêng.
Hơn một năm đầu, công việc khá suôn sẻ. Thấy mọi chuyện tiến triển tốt, anh vay mượn thêm để mở rộng hoạt động kinh doanh. Cứ nghĩ mọi chuyện sẽ ngày tốt hơn, ai ngờ bắt đầu sang tới năm nay, số hợp đồng mang về cho công ty ngày một ít dần, nhiều hợp đồng làm xong nhưng bị nợ.
"Công việc làm ăn càng ngày càng bết bát hơn khi thị trường xây dựng, điện nước, điện lạnh gần như đóng băng, nhân viên cả ngày ngồi chơi không có việc làm, trong khi đó hợp đồng cũ nợ đọng lại ngốn hết sạch vốn mà tiền thuê mặt bằng, lương nhân viên rồi tiền lãi phải gánh hàng tháng vẫn cứ phải trả đều đặn", anh Tình, ngao ngán kể lại.
Tình trạng không có việc cho nhân viên làm, vốn bị thâm hút nghiêm trọng, tiền đầu tư trong tay không còn một xu mà khoản nợ ngày càng nhiều, lãi mẹ đẻ lãi con. Không thể cầm cự được lâu hơn, sau gần một năm làm ăn thua lỗ anh Tình đã phải cho nhân viên nghỉ việc và tuyên bố giải tán công ty.
Anh Tình cho biết, mặc dù đã thanh lý hết số tài sản ở công ty nhưng đến nay số tiền vốn tích cóp và tiền của gia đình cho đều bị mất sạch và anh còn phải chịu một khoản nợ lớn mà chưa biết chưa đến bao giờ mới trả được. Anh tính, riêng khoản vay lãi từ bạn bè là gần 400 triệu với lãi suất 5% một tháng đó là chưa kể số tiền vay bên nhà vợ lên đến gần 2 tỷ đồng.
"Hiện tại với công việc làm công ăn lương, thu nhập mỗi tháng không ăn tiêu gì chỉ để trả lãi hàng tháng đã vất vả rồi chứ đừng nói tới tích cóp để trả cả tiền gốc", anh Tình than thở.
Tương tự, anh Đào Văn Hòa (Bách Khoa - Hà Nội) sau khi ra trường cùng với bạn chung vốn mở một công ty tư vấn xây dựng nhưng hoạt động cầm chừng chỉ được gần một năm thì phải giải thể vì không có việc làm. Anh Hòa cho biết, công ty không thể kiếm nổi hợp đồng khi thị trường bất động sản đóng băng không có dấu hiệu hồi phục. Số hợp đồng có được thì phải ngừng lại do dự án của nhà đầu thầu thiếu vốn.
"Giải thể công ty không đến mức nợ nần nhưng toàn bộ số tiền gia đình cho để làm ăn đều tan tành theo mây khói và giờ lại chấp nhận về làm công ăn lương chứ không mơ tưởng kinh doanh này nọ nữa", anh Hòa cười buồn.
Cú sốc khi khởi nghiệp
Ngoài việc tự mở công ty riêng, nhiều bạn trẻ khác cũng tự kinh doanh bằng cách mở các cửa hàng buôn bán. Tuy nhiên, đến thời điểm này, dù mở công ty hay cửa hàng họ đều chung cảnh khó khăn.
Bạn Thu Hương học một chuyên ngành bên xã hội chẳng liên quan gì đến kinh doanh. Nhưng vì sở thích cộng với ham muốn làm giàu nên sau khi ra trường, Hương không đi xin việc theo đúng ngành mình học mà xin bố mẹ tiền và vay thêm của người thân lấy vốn mở một shop quần áo thời trang công sở trên phố Nguyễn Công Hoan (Đống Đa, Hà Nội).
Hương chia sẻ: "Ra trường được hơn một năm và kinh doanh quần áo công sở cũng được hơn một năm. Năm trước còn khấm khá chứ năm nay mặc dù cửa hàng khuyến mãi quanh năm nhưng vẫn không vớt nổi một phần khách so với thời gian đầu shop mới khai trương".
Theo lời Hương, một tháng tiền thuê mặt bằng mất gần 6 triệu đồng trong khi tiền bán hàng thì chẳng được bao nhiêu, thường phải bù lỗ. Tháng nào có ngày lễ may ra số tiền lãi thu được mới đủ trả tiền thuê mặt bằng. Hương đã quyết định thanh lý toàn bộ, đóng cửa hàng. "Bây giờ nghĩ tới kinh doanh là thấy nản luôn, không còn hào hứng như dạo mới đâu nữa. Bao nhiêu tiền bố mẹ bỏ ra đầu tư, rồi công sức của mình bỏ ra giờ tiêu tan hết", Hương nói.
Kinh doanh thời khủng hoảng |
Nhưng với Hương, đóng cửa shop quần áo mà không vướng nợ thì còn may mắn bởi có những người bạn cùng học đại học với Hương trên Hà Nội thì 10 người nhảy vào kinh doanh giờ có tới 9 đã chấp nhận đóng cửa.
Hương dẫn chứng, cậu bạn tên Long, học Đại học Ngoại thương Hà Nội, ra trường vay tiền bạn bè mở tiệm café ở khu vực Hồ Tùng Mậu (Cầu Giấy - Hà Nội), vốn đầu tư ban đầu mất khoảng trên 200 triệu, chưa kể tiền thuê nhà, tiền thuê nhân viên. Nhưng khai trương mới được chưa đầy một năm đã phải đóng cửa vì quá ế ẩm. Lúc đóng cửa, toàn bộ tài sản bỏ tiền ra đầu tư phải bán thanh lý với giá thấp nên chỉ thu lại được 70 triệu đồng so với vốn ban đầu. Hiện tại cậu ấy còn nợ khoảng 100 triệu nữa.
Chị Mỹ Hạnh, chủ một shop thời trang trên đường Cầu Giấy - Hà Nội chia sẻ: Mình kinh doanh quần áo thời trang nhiều năm nay mà còn thấy khó sống, còn có nguy cơ đóng cửa huống chi các bạn trẻ mới bước vào nghề lại đúng vào thời điểm thị trường ế ẩm, người bán nhiều hơn người mua. Kinh tế khủng hoảng, người dân thắt chặt chi tiêu nên việc mua sắm cũng hạn chế bớt, nếu người kinh doanh mà không có sẵn vốn quay vòng việc phải đóng cửa tiệm trong năm nay là điều hoàn toàn dễ hiểu.
Theo VietnamNet