Chủ nhân mô hình trang trại có một không hai giữa lòng thủ đô này là ông Nguyễn Mạnh Tiến (52 tuổi, phố Khâm Thiên). Trước những thắc mắc của phóng viên Dân Việt về việc liệu mô hình này có gây ảnh hưởng tới môi trường xung quanh, ông Tiến một lần nữa khẳng định: “Nếu gây ô nhiễm môi trường thì người chịu đầu tiên trước hết chính là gia đình tôi, sau mới đến các gia đình hàng xóm. Vì vậy khâu xử lý vệ sinh môi trường xung quanh trong chăn nuôi đối với tôi và cả gia đình là điều vô cùng quan trọng”.
Bí quyết tồn tại hơn 15 năm
Ông Tiến hào hứng nói: “Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống làm nông nghiệp, việc chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi thả thủy sản, trồng hoa màu không phải là điều xa lạ đối với tôi. Nhưng đến thời con tôi, có lẽ chúng không thể bằng tôi được. Có lẽ tôi chính là 'gen' cuối cùng trong gia đình biết tăng gia sản xuất từ nghề nông”.
Ông Nguyễn Mạnh Tiến (52 tuổi, phố Khâm Thiên), chủ nhân mô hình trang trại có một không hai giữa lòng thủ đô. |
Cũng chính vì lẽ đó, hơn ai hết, ông Tiến ý thức rõ việc nuôi trồng như thế nào để không gây ô nhiễm môi trường nhưng vẫn đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ông tiết lộ, ngay từ khâu chọn giống, ông đã phải hết sức chú trọng. Chọn những giống lợn không có thói quen kêu nhiều, gà ít tiếng gáy và những động vật có thể phát triển tốt trong môi trường chăn nuôi khô là bí quyết đầu tiên trong việc "nuôi sạch - trồng xanh", không gây ảnh hưởng tới mọi người xung quanh của ông nông dân đô thị.
Không chỉ luôn giữ chuồng trại sạch sẽ, thoáng mát vào mùa hè, đủ ấm vào mùa đông, ông còn chia sẻ về bí quyết chọn thức ăn cho lợn, đó là cho ăn thật đơn giản. Mỗi sáng sớm, gia đình ông lại đun cám lợn với những thực phẩm sạch như ngô, rau. Nhờ vậy, chỉ hôm nào thật nóng thì mới có mùi từ cống bốc lên, còn với chất thải của lợn, gia đình ông đóng trong thùng kín, để trên tầng cao nhất của nhà và ủ lại trong 6 tháng rồi mới sử dụng để bón rau.
Nuôi hơn trăm con gà, loài vật gây ra nhiều mùi nhất, ông Tiến càng phải tỉ mỉ trong việc chọn giống: Giống gà mà gia đình ông lựa chọn là gà Sơn Tây (loài gà thích ứng được với thời tiết lạnh, không gáy nhiều và thích hợp với kiểu chăn nuôi khô). “Nhà tôi cao nhất trong khu này, nên tôi đưa chuồng trại lên cao hơn như vậy thì mùi hôi sẽ bay lên trên và cũng giảm thiểu mùi ở dưới mặt đất.” "Thực đơn" cho gà gồm tép, moi cùng cám gạo, ngô, thóc, rau. Tất cả được ông đồ chín rồi mới cho gà ăn. Gà chỉ ăn đồ khô, chín nên phân thải ra cũng khô và giảm thiểu mùi.
Chưa hết, ông Tiến còn thường xuyên vệ sinh chuồng trại bằng cách dùng vôi, tro và các phụ gia hóa chất để làm sạch đất. Hàng tuần, ông cùng cậu con trai phun thuốc xử lý toàn bộ chuồng trại và vẩy vôi bột, khoảng 2-3 tháng lại quét dọn đất và 1-2 năm đổi đất lên trên thượng để trồng rau. Còn đất trồng rau khi đã hết chất dinh dưỡng lại được “lộn xuống” tầng dưới để lót chuồng nuôi gà.
Cá trong "trang trại thẳng đứng 7 tầng" với khối lượng "khủng". |
Đối với việc nuôi thả cá, ông Tiến chia sẻ bí quyết: Để mỗi vụ thu hoạch được khoảng một tấn cá mà vẫn bảo vệ tốt môi trường xung quanh. Về nguồn thức ăn cho cá, ông lấy giống cá từ hai nhà bán, một cá nước biển và một cá nước ngọt. Ông tận dụng thức ăn thừa cho cá ăn chứ không cho các loại thức ăn tăng trọng khác. Không dùng nước máy có chất sát trùng để nuôi cá mà nguồn nước gia đình ông sử dụng để thả cá chủ yếu là nước giếng. Cứ 2-3 ngày ông lại tháo nước, vệ sinh các bể cá. Với ông Tiến và gia đình, việc nuôi cá chỉ để cung cấp thực phẩm cho gia đình, đồng thời là một thú vui tao nhã mỗi khi bạn bè đến nhà chơi, xem và sau đó cùng thưởng thức thịt cá tươi ngon.
Chưa từng nghe kêu ca, phàn nàn về ô nhiễm
Có lẽ nếu không được mục sở thị “trang trại” ngập tràn gà, cá, lợn, rau từ trên cao thì nhiều người sẽ đặt ra câu hỏi về sự tồn tại của mô hình này và việc gây ô nhiễm. Để tìm hiểu cách mà ông chủ “ trang trại nhà ống” đã làm để tránh gây ô nhiễm môi trường, Dân Việt đã thử trò chuyện với những người hàng xóm của ông Nguyễn Mạnh Tiến.
Chị Nguyễn Thị Loan (người thuê nhà tại tầng 4, ngay cạnh tầng 5,6,7 đang có mô hình chăn nuôi) chia sẻ: “Mình đã ở nhà chú Tiến được hơn 3 năm rồi, từ những lần đầu tiên đến đây hay trong khoảng thời gian 3 năm mình ở tại đây thì mình không hề thấy mô hình này gây ô nhiễm hay bị ngửi thấy mùi gì khó chịu cả. Thậm chí, thi thoảng mỗi sáng sớm khi mình nghe tiếng gà gáy nho nhỏ cũng cảm thấy thú vị vô cùng”.
Ông Nguyễn Cương (hàng xóm nhà ông Tiến) đánh giá: “Tôi thấy đây là một mô hình hay, nó tận dụng được mọi điều kiện và khả năng mình có để chăn nuôi sử dụng thực phẩm sạch cho gia đình. Thực sự tôi không thấy mô hình này ảnh hưởng gì đến việc ô nhiễm môi trường hay ô nhiễm tiếng ồn ở khu chúng tôi. Nếu thực sự có ô nhiễm, thì hàng xóm chúng tôi đã kêu rồi chứ không đợi đến bao nhiêu năm nay”.
Bà Nguyễn Thị Liên (hàng xóm liền kề gia đình ông Tiến) kể: “Gia đình tôi ở đây đã được 15 năm nay rồi, bên hàng xóm là gia đình anh Tiến được biết là có chăn nuôi lợn, gà, cá, ngan… nhưng môi trường ở chỗ chúng tôi rất thoáng đãng, sạch sẽ, không ồn ào và cũng không ảnh hưởng gì tới cuộc sống của những người xung quanh”. Bà Liên còn hóm hỉnh chia sẻ thêm: "Thực ra, ban đầu tôi còn không hề biết gia đình bác Tiến có chăn nuôi cả gia súc, gia cầm và thủy sản như vậy cho đến một hôm khi thấy có một... con ngan bay sang nhà tôi”.