Đó là lời tâm sự của anh Trần Bá Khánh - chủ trang trại na trên đất Sơn La. Về cuộc mưu sinh trên đất Sơn La hơn 20 năm trước, anh Trần Bá Khánh kể: “Năm 1991, sau khi học hết cấp 2, mình từ quê hương (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) lên Sơn La thăm gia đình anh trai đang sống ở xã Hát Lót (Mai Sơn) này. Thấy cuộc sống của anh chị quá khó khăn, mình ở lại giúp đỡ anh chị ấy một thời gian. Ngày ấy công việc hàng ngày của mình là chăm sóc các cháu của anh chị, thái chuối, kiếm rau rừng nuôi lợn, gà…”.
Chân dung nông dân giỏi Trần Bá Khánh. |
Người yêu đất, đất mến người
Lần lữa tháng ngày, thấy mến đất Sơn La, nghĩ lại cảnh nhà ở quê cũng nghèo, chẳng thể theo học hết phổ thông mà anh chị thì lại rất cần người giúp việc, thế là Khánh bỏ học và ở hẳn lại Sơn La với gia đình anh chị. “3 năm sau, các cháu đã lớn hơn, mình được anh chị bố trí cho mảnh đất ở riêng. Thế là thành nông dân từ đấy với vẻn vẹn một căn nhà lá và mấy chục m2 đất vườn. Cứ túc tắc nuôi con lợn, con gà, trồng mấy cây ngô, rau khoai lang, làm thuê, làm mướn qua ngày. Tích cóp được đồng nào là mình mua đất nương đồng ấy. Làm nông dân mà không có đất thì làm thế nào được”, Khánh tâm sự.
Dải đất hẹp bên chân đồi phía đông tiểu khu I (Hát Lót, Mai Sơn, Sơn La) nơi Khánh lập nghiệp vốn hẹp và sâu, mùa có nước thì ngập úng, mùa khô thì lại cằn cỗi nên chỉ có cỏ hoang mọc. Những hộ có đất ở đấy chỉ biết trông chờ vào thời tiết nên chẳng ai tha thiết gì với đất. Nhưng với Khánh thì khác. Nhiều lần anh đứng nhìn mảnh ấy một cách thèm khát bởi những dự định tràn ngập trong đầu.
Sau khi kết hôn, anh bàn với vợ mở rộng đất sản xuất. Tiền ít, Khánh cứ nhằm chỗ đất nương rẻ mà mua rồi dồn sức vào cải tạo và đương nhiên mảnh đất “chó ỉa” ấy được nhắm đến đầu tiên.
Người có đất cũng đang muốn bán cho rảnh mà mình thì đang muốn mua nên việc sang nhượng nhanh chóng lắm. Có đất, anh tranh thủ bạt đá, san đất, đốt cỏ, làm đường đi… lần lữa mấy năm trời thế mà cũng được 2,5 ha. Cứ được ít nương nào là trồng vào đấy cây nhãn, cây cà phê, cây na… Lúc cây chưa khép tán thì trồng xen đậu tương, đậu xanh, đỗ, lạc, vừng để lấy thu nhập ngắn ngày nuôi cái cây dài ngày.
"Tuy vườn của mình rất tốt, nhưng so với cây na thì cây trồng khác không bằng được. Vậy là mình tỉa dần những cây khác để chuyên canh cây na. Nhưng na không phải là cây dễ tính, vì thế phải học hỏi rất nhiều. Mình lấy chính cái vườn này và công sức để làm các thử nghiệm về cây na. Nhờ thế mà bây giờ mình thành tỷ phú từ cây na”, Khánh tâm sự.
“Sướng nhất là làm nông dân”
Đưa tôi đi thăm khu vườn na của mình trên con đường bê tông chạy ngang, dọc khắp khu vườn, Khánh bảo xác định đã làm nông dân là phải đầu tư cho xứng tầm thì hiệu quả kinh tế mới cao mà thương hiệu cũng mới có được. Vì thế không chỉ dồn vào đây hàng ngàn ngày công cải tạo đất, làm đường mà mỗi năm Khánh vẫn chi vào cho vườn cây này ngót nghét 200 triệu đồng tiền vật tư, phân bón, thuê nhân công lao động.
Lúc nào rảnh rỗi là Khánh đi tham quan, học tập kinh nghiệm làm vườn, trồng na từ những mô hình khác ở miền Bắc. Nhờ thế na của Khánh không chỉ sai quả mà còn có nhiều quả to tới 1,2-1,4 kg. Những trái như thế, bán giá gấp 3 lần so với na thường mà các thương lái vẫn tranh nhau mua.
Đã vào cuối vụ na nhưng cả vườn na của Khánh vẫn không có biểu hiện lá vàng, rụng lá hoặc quả khô, thối như ở một số vườn na khác trong vùng.
Đèn bắt côn trùng được anh Khánh sử dụng như một công cụ để bảo vệ cây quanh năm. |
Bà Lò Thị Yên, một nông dân thường làm thuê ở vườn na cho Khánh, nhận xét: “Nhà anh Khánh chăm bón rất tốt. Anh ấy thường học tập những kinh nghiệm mới và áp dụng vào vườn nên na của anh ấy luôn tốt tươi cây và trái. Mỗi năm anh ấy thu khoảng ngót tỷ đồng từ na và đang có kế hoạch mở rộng vườn ra thêm vài ha nữa. Chúng tôi làm thuê nhưng được hướng dẫn rất tỷ mỉ từ cách thu quả, tỉa cành, phun nước, bón phân, phát hiện sâu bệnh… nên đi làm thuê lại giống như đi tập huấn khuyến nông dài ngày, học được nhiều kinh nghiệm lắm.
Chúng tôi vận dụng những kinh nghiệm này vào làm vườn nhà mình, kết quả cũng cao hơn hẳn. Vì thế năm 2014 tỉnh Sơn La chọn anh Khánh làm nông dân tiêu biểu đi vinh danh ở Trung ương Hội Nông dân Việt Nam. Họ đã chọn đúng người. Tôi làm thuê nhưng cũng thấy tự hào vì ông chủ của mình”.
Trong khi nhiều vườn na khác cứ đến mùa đông là úa lá, trơ cành, thậm chí khô ngọn, thì vườn na của anh Khánh xanh tốt 4 mùa. Anh Khánh cho biết cây na cũng như con người, nếu cứ bóc lột sức sinh sản của nó liên tục thì nhanh hại cây lắm. Ở vườn này, anh phải xây cả hệ thống bể nước để tưới ẩm.
Tuy na là cây không ưa nước nhưng nếu thiếu nước quá thì cũng không chịu được nên Khánh còn trang bị cả những đèn bắt muỗi, côn trùng cho cây bởi có nhiều loại côn trùng gây hại lắm. Còn phân bón thì ông chủ vườn kết hợp nhiều loại cộng với vôi bột bón quanh gốc với liều lượng phù hợp nên vừa tránh được sâu bệnh cho cây, vừa đảm bảo cây luôn có lực để phát triển quanh năm.
Chỉ vào chiếc xe tải đang đỗ trên sân nhà, Khánh tâm sự: “Mình đã từng chạy xe khách, rồi xe tải nhưng thời gian tới em sẽ bán hết để đầu tư mở rộng vườn na. Mình muốn vườn na của mình gắn với mô hình du lịch trang trại. Ý tưởng này đã ấp ủ lâu rồi, giờ mình sẽ biến nó thành hiện thực. Làm nông dân mà đủ lực, đúng tầm, đi đúng hướng thì sướng hơn cả làm cán bộ. Khi làm trang trại na này, mình cũng chỉ nghĩ tới đủ ăn nhưng bây giờ thì thu tiền tỷ đơn giản lắm”.