Ông Jake Sullivan, người được chọn làm cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống đắc cử Joe Biden, nói với CNN hôm 3/1: “Mục tiêu của chúng tôi là lập tức ra ngoài, không chỉ để thảo luận về vấn đề Trung Quốc mà còn để giải quyết những khác biệt về kinh tế. Từ đó, chúng tôi có thể chấm dứt cuộc thương chiến mà chính quyền Trump đã khởi xướng”.
Ông Sullivan cho biết Mỹ không rút lại các biện pháp thuế quan với Trung Quốc song sẽ tham vấn các đồng minh ở châu Âu. Từ đó, họ mong mối quan hệ giữa Mỹ và EU được cải thiện để cùng đối đầu Trung Quốc trên nhiều mặt trận, bao gồm thương mại, công nghệ, quân sự.
Ông Sullivan đề cập đến Mỹ và “các nền kinh tế cùng chung chí hướng”: “Chúng tôi có thể đưa ra một chương trình nghị sự chung về các vấn đề gây quan ngại sâu sắc, có liên quan đến Trung Quốc. Không chỉ về mặt thương mại, mà còn về công nghệ, nhân quyền và tham vọng quân sự”.
“Kế hoạch này sẽ củng cố vị trí của chúng ta để đối phó với Trung Quốc một cách hiệu quả và rõ ràng. Đây là những điều chưa từng có trong 4 năm của chính quyền Trump”, ông Sullivan tuyên bố.
Tổng thống đắc cử Joe Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình. Ảnh: AP. |
Trung Quốc và EU vừa đạt được một thoả thuận đầu tư toàn diện. Thoả thuận này đưa ra sự ràng buộc pháp lý với các doanh nghiệp từ Trung Quốc, đồng thời cấm các hoạt động chuyển giao công nghệ nhằm tạo môi trường đầu tư bình đẳng tại EU.
Giới quan sát nhận định động thái mạnh mẽ của chính quyền ông Biden sẽ tạo thêm áp lực về kinh tế và thương mại cho Trung Quốc, đồng thời thúc đẩy nhiều mục tiêu dài hạn của Mỹ như tranh giành tầm ảnh hưởng tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Chuyên gia quan hệ quốc tế Tang Xiaoyang từ Đại học Thanh Hoa, Trung Quốc, bình luận: “Khi xác định Trung Quốc là đối thủ chiến lược, chính quyền Biden đã cho thấy đây là một cuộc cạnh tranh toàn diện và lâu dài, không chỉ ảnh hưởng đến nền kinh tế mà còn chi phối toàn cầu”.
“Do đó, ông Joe Biden sẽ không thực hiện các chính sách ngắn hạn với Trung Quốc như Tổng thống Donald Trump từng làm”, chuyên gia Tang dự đoán.