Nhiệm kỳ tổng thống của ông Biden được dự đoán sẽ mang đến những thay đổi đáng kể về đường lối ngoại giao so với 4 năm thời Trump.
Zing trao đổi với cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Dov Zakheim (thời cựu Tổng thống George W. Bush), nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao - cựu Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh, và giáo sư Carl Thayer (Đại học New South Wales, Australia) để hình dung bức tranh toàn cảnh về lập trường của Mỹ đối với các vấn đề quốc tế trong 4 năm tới.
Nhìn chung, các chuyên gia cho rằng chính quyền Biden sẽ tăng cường khôi phục việc thắt chặt quan hệ với các đồng minh, bao gồm đối tác ở châu Á - Thái Bình Dương. Song song đó, nước Mỹ trong 4 năm tới được cho là sẽ duy trì thái độ cứng rắn với các đối trọng như Trung Quốc, Nga hay Triều Tiên. Vấn đề Biển Đông và khu vực ASEAN sẽ được các giới chức ngoại giao Mỹ đặc biệt chú ý.
"Bản hòa tấu đồng điệu dưới thời ông Biden"
- Ông nghĩ gì qua việc ông Antony Blinken được bổ nhiệm là ngoại trưởng cho chính quyền mới? Liệu điều này sẽ đánh dấu sự thay đổi đáng kể trong chính sách đối ngoại của Mỹ, hay sẽ là sự tiếp nối phương hướng ngoại giao dưới thời chính quyền Obama?
- Đại sứ Phạm Quang Vinh: Ông Antony Blinken là người từng làm việc với ông Biden trong một thời gian dài, từ khi ông Biden còn là thượng nghị sĩ và chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, nên chắc chắn hai người rất hiểu nhau. Trong giai đoạn bầu cử, ông Blinken cũng là cố vấn về đối ngoại của ông Biden.
Trong quá khứ, ông Blinken vừa làm việc cho ông Biden, vừa làm thứ trưởng Bộ Ngoại giao dưới thời cựu Tổng thống Obama. Vì vậy, ông Blinken chắc chắn sẽ kế thừa những chính sách trong chính quyền Obama - Biden. Tuy nhiên, ông ấy cũng sẽ có những cập nhật mới cho phù hợp với tình hình thế giới 4 năm sau, khi các khu vực và nước Mỹ có sự thay đổi.
Điểm thứ ba, ông Blinken là người chọn phương pháp ngoại giao hợp tác với các nước, các đối tác. Ông sẽ hướng đến chủ nghĩa toàn cầu nhiều hơn, chú trọng hợp tác với bên ngoài.
Những điểm này có thể thấy ngay trong đội ngũ của ông Biden. Không chỉ ông Blinken mà cả cố vấn an ninh quốc gia, đại sứ tại Liên Hợp Quốc cũng như giám đốc cơ quan tình báo (DNI) đều quen biết nhau. Họ có thể tạo nên một bản hòa tấu đồng điệu dưới thời ông Biden.
Ông Blinken từng đảm nhiệm vai trò giám đốc nhân sự của đảng Dân chủ trong Ủy ban Đối ngoại Thượng viện (giai đoạn 2002-2008) khi ông Biden còn là thượng nghị sĩ. Trong chính quyền Obama, ông Blinken từng là Phó cố vấn An ninh Quốc gia từ 2013-2015, sau đó là thứ trưởng Bộ Ngoại giao giai đoạn 2015-2017. Ảnh: Reuters. |
- Cựu Thứ trưởng Zakheim: Tôi cho rằng chính sách dưới thời Biden sẽ khác với chính sách của chính quyền Obama. Thế giới đã thay đổi. Ông Biden và các cộng sự sẽ có 5 ưu tiên lớn.
Cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Dov Zakheim (thời cựu Tổng thống George W. Bush). Ảnh: Getty. |
Đầu tiên, nhiều khả năng họ sẽ tập trung vào mối quan hệ với khu vực châu Âu và châu Á. Trọng tâm sẽ xoay quanh việc tái thiết các liên minh, đồng thời thể hiện lập trường cứng rắn với Trung Quốc và Nga.
Điều thứ hai, chính quyền Biden được cho là sẽ tập trung vào vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu.
Song song đó, ông Biden cũng được kỳ vọng sẽ nỗ lực lập lại thỏa thuận hạt nhân mới với Iran.
Nhân quyền cũng là vấn đề mà chính quyền Biden quan tâm. Do đó, quan hệ với Saudi Arabia và Thổ Nhĩ Kỳ nhiều khả năng sẽ lạnh nhạt hơn đôi chút.
Cuối cùng, chính sách dưới thời tổng thống mới sẽ tập trung vào chủ nghĩa đa phương. Điều này có thể được cụ thể hóa bằng những động thái như đưa nước Mỹ trở lại Hiệp định Paris hay xem xét tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (TPP, hiện đã trở thành CPTPP - PV) hoặc cơ chế tương tự.
Quay lại với đồng minh
- Chính sách ngoại giao của chính quyền Biden với các đồng minh chủ chốt?
- Đại sứ Phạm Quang Vinh: Phải nhìn rộng hơn chính sách đối ngoại của ông Biden để có thể thử dự đoán chính sách của ông ấy trong tình hình cục diện mới.
Một là, ông Joe Biden vừa phải đối diện với những vấn đề đối nội, vừa phải đối diện với những vấn đề đối ngoại rất khó khăn của thời hiện đại này.
Trong đó, ông phải đưa nước Mỹ thoát khỏi cuộc khủng hoảng kép: đại dịch và kinh tế. Đồng thời, phân hóa chính trị trong xã hội Mỹ cũng gia tăng sâu sắc trong thời gian vừa qua.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam, cựu Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh. Ảnh: Việt Linh. |
Điều thứ hai là về đối ngoại. Thế giới đang trong tình hình khủng hoảng về dịch bệnh và kinh tế nhưng cạnh tranh nước lớn cũng đang gia tăng.
Hệ lụy là trong thời gian vừa qua, lòng tin vào nước Mỹ có chiều hướng suy giảm do sự phối hợp với đồng minh và các tổ chức đa phương kém đi.
Từ đó, có thể thấy những nét chính về chính sách đối ngoại của ông Joe Biden.
Một là, ông Biden nói nước Mỹ sẽ trở lại, trở lại làm lãnh đạo và hợp tác với các nước đồng minh và các nước đối tác. Chúng ta sẽ thấy ông Biden trở lại với ngoại giao truyền thống nhiều hơn, dễ đoán định hơn.
Điều thứ hai là tăng cường tham vấn và hợp tác với các đồng minh nhiều hơn.
Điều thứ ba có lẽ là thông qua đó, ông Biden sẽ sử dụng các công cụ, thiết chế đa phương trên thế giới nhiều hơn.
Và cuối cùng, ông Biden từng nói ông đề cao hệ giá trị chia sẻ chung của thế giới, nó không chỉ về dân chủ, nhân quyền mà còn về lao động, môi trường, biến đổi khí hậu. Như vậy, có thể thấy ông Biden sẽ trở lại chương trình nghị sự toàn cầu và hợp tác nhiều hơn.
Chính quyền Biden được dự đoán sẽ chú tâm hơn đến mối quan hệ với các đồng minh và đối tác quan trọng. Ảnh: AP. |
Châu Á vẫn là ưu tiên
- Châu Á nói chung và ASEAN nói riêng sẽ có vai trò thế nào trong chính sách đối ngoại của ông Biden?
- Đại sứ Phạm Quang Vinh: Trước hết, chắc chắn khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ vẫn là trọng tâm ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Cục diện thế giới đang chuyển từ Đông sang Tây về địa chính trị. Châu Á - Thái Bình Dương cũng là khu vực phát triển rất năng động. Khu vực này có những cường quốc số 2, số 3 thế giới. Vì vậy, ông Biden vẫn sẽ quan tâm đến khu vực này.
Bên cạnh đó, khi ông Biden còn làm phó tổng thống, cả ông và ông Obama đều rất coi trọng khu vực châu Á - Thái Bình Dương và đặt ASEAN trong quan hệ đối tác chiến lược với Mỹ. Vì vậy, ông Biden có thể tiếp nối chính sách này. ASEAN sẽ là một phần quan trọng trong chính sách của chính quyền Biden với khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, ông Biden cũng phải đối diện với những thay đổi rất sâu sắc của cục diện thế giới nói chung và châu Á - Thái Bình Dương nói riêng. Ông sẽ tiếp tục một cách chọn lọc, có điều chỉnh từ chính sách "tái cân bằng" thời Obama và chính sách Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và mở của chính quyền Trump.
- Cựu Thứ trưởng Zakheim: Ông Blinken đã thể hiện rõ cam kết của ông Biden đối với các đồng minh, bao gồm Nhật Bản và Hàn Quốc. Điều này hẳn là sẽ áp dụng cho các nước thuộc khối ASEAN.
Tôi chưa nắm được lập trường của ông Biden và các cộng sự về vấn đề Triều Tiên. Nhưng tôi cho rằng chính quyền mới sẽ tiếp tục cân nhắc về quy trình phi hạt nhân hóa Triều Tiên.
- Giáo sư Thayer: Chính quyền Biden sẽ hợp tác chặt chẽ với Nhật Bản và Hàn Quốc. Các nước này sẽ không bị xem là “khách quá giang miễn phí” của Mỹ về vấn đề an ninh quốc gia nữa. Ông Biden sẽ khuyến khích Tokyo và Seoul dung hòa sự khác biệt của nhau.
Chính quyền mới cũng sẽ tiếp tục ủng hộ các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc đối với Triều Tiên, đồng thời thúc đẩy phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên. Chính quyền ông Biden sẽ không tham gia ngoại giao thượng đỉnh (như cách làm của ông Trump) trừ khi ông Kim Jong Un nghiêm túc về việc phi hạt nhân hóa.
Dưới sự chỉ đạo của ông Biden, chính quyền mới cũng sẽ nhanh chóng bổ nhiệm các đại sứ để đại diện cho tiếng nói của tổng thống. Các vị trí đại sứ thường không bị bỏ khuyết quá lâu.
Tinh tế với Trung Quốc
- Liệu ông Biden có tiếp tục cứng rắn với Trung Quốc hay không?
- Đại sứ Phạm Quang Vinh: Nước Mỹ nhìn nhận Trung Quốc là đối thủ (không phải kẻ thù) cạnh tranh với Mỹ: cạnh tranh chiến lược, cạnh tranh về vị trí, ngôi vị số 1, cạnh tranh cả về những vấn đề lợi ích như kinh tế.
Do đó, cạnh tranh Mỹ - Trung không phải chỉ là vấn đề của chính quyền Obama hay các chính quyền trước đó.
Nước Mỹ nhìn nhận chuyện này rất rõ ràng. Một số chính sách về hợp tác hay cạnh tranh với Trung Quốc nhận được sự ủng hộ từ cả hai đảng. Vì vậy, cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung sẽ tiếp tục.
Nước Mỹ dưới thời ông Biden sẽ tiếp cận vấn đề Trung Quốc tinh tế hơn. Ảnh: New York Times. |
Tuy nhiên, Mỹ - Trung còn đan xen lợi ích rất nhiều và chắc chắn hai bên sẽ có những sự hợp tác.
Cách tiếp cận của ông Biden có thể sẽ khác với thời ông Trump. Ông Trump dùng những biện pháp khó đoán định hơn.
Vì ông Biden quay về cách tiếp cận an ninh truyền thống, quay lại trao đổi với đối tác, nên sự cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung vẫn gia tăng nhưng có thể ổn định hơn - tức là không để xảy ra các rủi ro theo cách không lường trước.
Ngoài ra, ông Biden sẽ quay lại hợp tác với Trung Quốc trong những vấn đề như môi trường, biến đổi khí hậu và Triều Tiên.
- Cựu Thứ trưởng Zakheim: Tôi cho rằng chính quyền Biden sẽ không mềm mỏng với Trung Quốc, mà sẽ tiếp cận mối quan hệ này theo cách tinh tế hơn nhiều.
Chính quyền Biden có thể sẽ giảm mức áp thuế (lên hàng hóa Trung Quốc) so với thời ông Trump - vốn gây tổn hại cho nhà sản xuất và người tiêu dùng Mỹ.
Tuy nhiên, chính quyền mới vẫn sẽ cẩn trọng về hoạt động thương mại với Trung Quốc, hành vi đánh cắp tài sản trí tuệ và động thái của nước này ở Biển Đông.
- Giáo sư Thayer: Chính quyền Biden sẽ duy trì các chính sách kinh tế cứng rắn tương tự thời Tổng thống Trump. Kế hoạch này rõ ràng nhận được sự ủng hộ rộng rãi của lưỡng đảng trong lập trường chống Trung Quốc. Nhưng chính quyền mới sẽ tránh dùng loại ngôn ngữ gay gắt mà ông Trump và Ngoại trưởng Pompeo vẫn sử dụng.
Đồng thời, chính quyền Biden sẽ bắt tay Trung Quốc để giải quyết các vấn đề toàn cầu như dịch Covid-19, biến đổi khí hậu hay phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên.
Theo luật, chính quyền ông Biden buộc phải xây dựng Chiến lược An ninh Quốc gia trong vòng 150 ngày kể từ lúc nhậm chức. Chính quyền mới nhiều khả năng sẽ tiếp tục xem Trung Quốc là một cường quốc xét lại (tức cường quốc mới nổi đòi sắp lại trật tự quốc tế), đồng thời là đối thủ cạnh tranh chính của Mỹ.
Giáo sư Carl Thayer thuộc Đại học New South Wales, Australia. Ảnh: AFP. |
Tiếp tục can dự vào vấn đề Biển Đông
- Chính sách của ông Biden với Biển Đông sẽ như thế nào?
- Đại sứ Phạm Quang Vinh: Mọi quốc gia trên thế giới đều có lợi ích ở Biển Đông. Nước Mỹ cũng có lợi ích ở châu Á - Thái Bình Dương - trong đó bao gồm Biển Đông - để đảm bảo trật tự khu vực dựa trên luật lệ. Đây là điều bất cứ tổng thống Mỹ nào cũng làm.
Các chính sách ở Biển Đông như FONOP (tàu quân sự tuần tra khẳng định quyền tự do hàng hải) hay hợp tác với các nước đã được thực hiện trước đó, cả trong thời ông Obama, chứ không phải đến thời ông Trump mới triển khai.
Tuy nhiên, hai thứ được đẩy mạnh dưới thời ông Trump. Điều thứ nhất: chính quyền Trump bác bỏ một cách mạnh mẽ yêu sách đường lưỡi bò. Điều thứ hai: Mỹ nhấn mạnh việc ủng hộ tuân theo luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) và phán quyết của tòa trọng tài vào năm 2016.
(Chính sách) Biển Đông là vấn đề được cả hai đảng ở Mỹ ủng hộ. Vì vậy, tôi nghĩ chính quyền Biden không chỉ tiếp tục các chiến dịch dưới thời ông Obama, kéo sang thời ông Trump (FONOP, diễn tập, hợp tác…), mà còn nhấn mạnh việc tuân thủ luật pháp quốc tế, luật biển, phán quyết của tòa trọng tài, và bác bỏ đường lưỡi bò.
Các tàu quân sự tuần tra khẳng định quyền tự do hàng hải sẽ tiếp tục được triển khai để duy trì an ninh ở khu vực Biển Đông. Ảnh: AFP. |
- Cựu Thứ trưởng Zakheim: Quyết tâm của chính quyền Biden trong việc hợp tác với các đồng minh ở châu Âu và châu Á sẽ khiến họ điều động lực lượng để triển khai FONOP ở Biển Đông nhiều hơn.
Pháp và Anh đã triển khai tàu tuần tra tới Biển Đông. Đức đang lên kế hoạch điều một tàu đến Ấn Độ Dương để hội quân với đội tuần tra của Australia.
- Giáo sư Thayer: Toàn bộ tổng thống Mỹ kể từ thời Ronald Reagan, và tất cả chỉ huy Hải quân Mỹ đều công nhận UNCLOS. Điều này sẽ không thay đổi trong nhiệm kỳ của ông Biden.
Chính quyền Biden sẽ duy trì những chính sách tương tự thời ông Trump về việc áp dụng luật pháp quốc tế để giải quyết tranh chấp trên Biển Đông.
Mỹ bắt đầu triển khai FONOP vào cuối thập niên 1970. Chính quyền Trump lập kỷ lục về số lần thực hiện các cuộc tuần tra hoạt động tự do hàng hải. Những đợt tuần tra tương tự vẫn sẽ tiếp tục dưới thời ông Biden, song chưa rõ tần suất dày đặc có được duy trì hay không.
Bên cạnh đó, người được bổ nhiệm làm lãnh đạo mới của Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương Mỹ nhiều khả năng sẽ thúc đẩy triển khai FONOP và các hoạt động quân sự khác ở Biển Đông mà không bị gián đoạn.
Ông Biden cùng các cộng sự có thể sẽ tham vấn nhiều hơn với các đồng minh, đối tác và các quốc gia trong khu vực. Chính quyền mới đồng thời sẽ đưa ra lời trấn an rằng Mỹ và quân đội của họ sẽ tiếp tục can dự vào các vấn đề Biển Đông.