Trong cuộc gặp với Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas ở thị trấn Bethlehem, Bờ Tây hôm 15/7, ông Biden thừa nhận đây chưa phải thời điểm để nối lại đàm phán hòa bình giữa Israel và Palestine.
"Ngay cả khi thời điểm này chưa chín muồi để tái khởi động đàm phán, chính quyền của tôi sẽ không từ bỏ việc đưa người Palestine và Israel xích lại gần hơn", AP dẫn lời ông Biden.
Tổng thống Mỹ cho rằng người dân Palestine "xứng đáng có một nhà nước độc lập, có chủ quyền, hiện hữu và liền kề". Lãnh đạo Nhà Trắng ủng hộ giải pháp hai nhà nước, hai dân tộc cho Israel và Palestine cùng chung sống hòa bình.
"Người dân Palestine đang tổn thương. Các bạn có thể cảm nhận điều đó - nỗi đau và sự thất vọng. Tại Mỹ, chúng tôi cũng cảm nhận như vậy", ông Biden nói.
Tổng thống Joe Biden và Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas gặp mặt tại Bờ Tây hôm 15/7. Ảnh: AP. |
Trước đó, khi ở Israel ngày 14/7, Tổng thống Biden và Thủ tướng Israel Yair Lapid đã ký Tuyên bố Jerusalem, trong đó Mỹ “khẳng định sự ủng hộ lâu dài và nhất quán đối với giải pháp hai nhà nước và hướng tới thúc đẩy tạo điều kiện cho người dân Israel và Palestine được hưởng các biện pháp công bằng đảm bảo cho an ninh, tự do và thịnh vượng.”
Trong khi đó, Tổng thống Abbas ngày 15/7 nói rằng Israel "không thể tiếp tục hành động như một quốc gia vượt trên luật pháp".
Xung đột giữa Israel và Palestine phần lớn xảy ra ở Jerusalem. Người Palestine xem Đông Jerusalem là thủ đô linh thiêng, trong khi Israel cho rằng thủ đô của họ là toàn bộ Jerusalem.
Chuyến thăm của ông Biden đến Bờ Tây vấp phải sự hoài nghi của nhiều người Palestine khi cho rằng tổng thống Mỹ không có nhiều tiến triển trong việc thúc đẩy đàm phán hòa bình, đặc biệt sau nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Donald Trump - được cho là đã thể hiện rõ sự ủng hộ Israel.
Cũng trong chuyến thăm đến Bờ Tây, ông Biden cũng thông báo về gói hỗ trợ 100 triệu USD - đang chờ quốc hội phê duyệt - cùng hơn 200 triệu USD cho các tổ chức Liên Hợp Quốc hỗ trợ người Palestine tị nạn.